Nga "đánh cược" khi điều quân đến Kazakhstan?

Nam Trung |

Reuters ngày 7/1 đưa tin, Nga đã cử lính nhảy dù đến để dập tắt làn sóng bạo động trên toàn Kazakhstan - một trong những đồng minh Liên Xô cũ thân cận nhất của Moscow.

Người biểu tình phóng hỏa Tòa thị chính ở thành phố Almaty, Kazakhstan, hôm 5/1. Ảnh: CNN

Người biểu tình phóng hỏa Tòa thị chính ở thành phố Almaty, Kazakhstan, hôm 5/1. Ảnh: CNN


Nga điều quân, Mỹ theo dõi chặt chẽ

Hôm 6/1, cảnh sát ở Almaty - thành phố lớn nhất của Kazakhstan - cho biết họ đã tiêu diệt hàng chục kẻ bạo loạn từ đêm đến rạng sáng. Các nhà chức trách cho biết, ít nhất 18 thành viên của lực lượng an ninh đã thiệt mạng, trong đó có 2 người được tìm thấy đã bị chặt đầu. Hơn 2.000 người đã bị bắt.

Theo ghi nhận của Reuters, sau một đêm diễn ra các cuộc đối đầu trên đường phố giữa người biểu tình và quân đội, dinh thự của Tổng thống Kazakhstan trong TP và Văn phòng thị trưởng đã bốc cháy ngùn ngụt, ô tô bị cháy cũng ngổn ngang trong TP.

Các nhân viên quân sự đã giành lại quyền kiểm soát sân bay chính - nơi đã bị những người biểu tình chiếm giữ trước đó. Tối hôm 6/1 đã chứng kiến ​​những trận đụng độ mới tại quảng trường chính của Almaty, bị chiếm đóng xen kẽ bởi quân đội và hàng trăm người biểu tình trong phần lớn ngày hôm đó.

Các nhân chứng của Reuters đã nghe thấy những tiếng nổ và tiếng súng khi các phương tiện quân sự và binh sĩ tiến lên, mặc dù vụ nổ súng đã dừng lại sau khi màn đêm buông xuống. Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời các nhân chứng cho biết, nhiều người đã thiệt mạng và bị thương trong vụ nổ súng mới.

Internet đã bị ngắt trên toàn Kazakhstan, làm gián đoạn hoạt động khai thác bitcoin ở một trong những công ty khai thác tiền điện tử lớn nhất thế giới và khiến quốc tế không thể đánh giá chính xác mức độ của tình trạng bất ổn.

Theo Reuters, việc triển khai quân là "một canh bạc" của Điện Kremlin, đánh cược rằng lực lượng quân sự có thể đảm bảo lợi ích của Nga ở Kazakhstan, bằng cách nhanh chóng dập tắt diễn biến bạo lực tồi tệ nhất trong 30 năm độc lập của quốc gia Trung Á sản xuất dầu và uranium này.

Hãng điều hành Chevron (CVX.N) cho biết, sản lượng khai thác dầu tại mỏ hàng đầu của Kazakhstan đã giảm hôm 6/1 do một số nhà thầu làm gián đoạn đường tàu để ủng hộ các cuộc biểu tình. Giá dầu đã tăng hơn 1% trong ngày và uranium cũng đã tăng vọt kể từ khi các cuộc đụng độ nổ ra.

Mỹ cho biết nước này đang theo dõi chặt chẽ các báo cáo về việc triển khai quân đội nước ngoài đến Kazakhstan. "Chúng tôi sẽ theo dõi rất chặt chẽ mọi hành vi vi phạm nhân quyền và bất kỳ nỗ lực hoặc hành động nào của các lực lượng nước ngoài nhằm chiếm giữ các cơ sở của Kazakhstan" - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói hôm 6/1, đồng thời cũng đặt câu hỏi về tính hợp pháp của việc điều quân.

Bất ổn tại Kazakhstan được cho bắt nguồn từ các cuộc biểu tình phản đối việc tăng giá nhiên liệu vào ngày đầu năm mới, đã bùng lên hôm 5/1 khi những người biểu tình hô vang khẩu hiệu phản đối cựu Tổng thống Nursultan Nazarbayev - nhà lãnh đạo 81 tuổi, có tầm ảnh hưởng lớn ở  Kazakhstan dù đã từ chức Tổng thống cách đây 3 năm - đồng thời xông vào và đốt cháy các tòa nhà công cộng ở Almaty và nhiều TP khác.

Tổng thống Kazakhstan đương nhiệm Kassym-Jomart Tokayev ban đầu phản ứng bằng cách bãi nhiệm nội các của mình, đảo ngược kế hoạch tăng giá nhiên liệu và cố tách mình ra khỏi người tiền nhiệm, bao gồm cả việc tiếp quản một vị trí an ninh quyền lực được giữ lại bởi chính quyền Nazarbayev.

Nhưng những nỗ lực đó vẫn không thể xoa dịu đám đông cáo buộc gia đình ông Nazarbayev và các đồng minh đang tích lũy tài sản khổng lồ trong khi quốc gia 19 triệu người này vẫn nghèo đói.

Quân đội Nga có được hoan nghênh tại Kazakhstan?

Tổng thống Tokayev ngày 6/1 cho biết, ông đã triệu tập liên minh quân sự do Nga dẫn đầu gồm các quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Ông cũng cáo buộc tình trạng bất ổn là do những kẻ khủng bố được nước ngoài huấn luyện, những người mà ông nói đã chiếm giữ các tòa nhà và vũ khí.

Nga cho biết họ sẽ tham vấn với Kazakhstan và các đồng minh về các bước hỗ trợ "hoạt động chống khủng bố" của Kazakhstan, và lặp lại khẳng định của ông Tokayev rằng cuộc nổi dậy là do lực lượng nước ngoài truyền cảm hứng.

Nga đánh cược khi điều quân đến Kazakhstan? - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp đón người đồng cấp Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev tại Moscow, tháng 8/2021. Ảnh: CNN

Moscow không tiết lộ việc đã gửi bao nhiêu binh sĩ và không thể xác định liệu có lực lượng quân đội nào tham gia vào diễn biến căng thẳng hôm 6/1 hay không.

Tổng thư ký của liên minh Xô Viết cũ - Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể - nói với hãng tin RIA rằng lực lượng gìn giữ hòa bình tổng thể sẽ có số lượng khoảng 2.500 người, và có thể được tăng cường nếu cần thiết. RIA dẫn lời ông này cho biết, dự kiến đây ​​sẽ là một sứ mệnh ngắn trong "vài ngày hoặc vài tuần".

Sự xuất hiện nhanh chóng của quân đội Nga được cho đã phần nào thể hiện sự sẵn sàng hành động của Điện Kremlin trong việc duy trì ảnh hưởng của mình ở Liên Xô cũ.

Kể từ cuối năm 2020, Moscow cũng đã nhiều lần công khai ủng hộ nhà lãnh đạo Belarus chống lại làn sóng biểu tình bất ổn; can thiệp nhằm ngăn chặn một cuộc chiến tranh giữa Azerbaijan và Armenia; tập trung quân đội tại biên giới với Ukraine trước các nguy cơ từ phương Tây.

Theo Reuters, việc triển khai quân ở Kazakhstan có rủi ro, khi bằng cách cho thấy Chính quyền Kazakhstan phụ thuộc vào "cơ bắp" của Nga, diễn biến có thể khiến những người biểu tình càng thêm kích động.

Nhưng trước mắt, bạo lực gây bất ổn bởi người biểu tình dường như đang nâng cao niềm tin nơi người dân thường vào sự can thiệp của quân đội.

"Tạ ơn Chúa, cuối cùng thì quân đội cũng đã đến" - Ali, một quản lý tại khách sạn Holiday Inn gần quảng trường chính của Almaty, nói với Reuters qua điện thoại - "Những kẻ cướp bóc đã đến vào đêm qua, đập vỡ cửa kính ô tô gần nơi chúng tôi".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại