Nga thận trọng
Nga và Mỹ tiếp tục thế giằng co ở Syria. Sau khi những thỏa thuận ngừng bắn bị đổ vỡ, lòng tin giữa các bên có vẻ như đang ở mức thấp nhất và bất kỳ kịch bản nào cũng có thể xảy ra.
Những ý kiến ủng hộ can thiệp ở phương Tây tiếp tục kêu gọi Mỹ sử dụng vũ lực, trong khi Nga phát đi tín hiệu rằng một hành động như vậy sẽ dẫn tới những hậu quả không chắc chắn và có thể là xung đột quân sự, nhắc nhở Mỹ “suy nghĩ cẩn thận” trước khi tấn công bất kỳ lực lượng nào của chính phủ Syria.
Ngày 3/10, Mỹ đã tạm ngừng những nỗ lực thi hành một lệnh ngừng bắn với Nga và hủy bỏ đề xuất về một cơ chế phối hợp quân sự chung. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đáp trả bằng việc đình chỉ một thỏa thuận năm 2000 về việc tiêu hủy plutoni cấp độ vũ khí và hủy bỏ một thỏa thuận song phương về hợp tác nghiên cứu giữa các khu vực hạt nhân.
Syria đang trở thành chiến địa đối đầu quyết liệt giữa Nga và phương Tây
Sau thông báo vào tháng 3 của Tổng thống Putin rằng Nga “đang rút khỏi” Syria, số lượng máy bay chiến đấu của Nga tại quốc gia Trung Đông này đã giảm rõ rệt.
Thời gian qua, tuy truyền thông Nga đưa tin nước này đang gửi máy bay quay trở lại Syria, trong đó có 12 máy bay tấn công mặt đất Su-25 mà trước đó đã bị rút khỏi Syria. Tuy vậy, những vệ tinh từ IHS Jane’s cho thấy chúng vẫn chưa quay trở lại Syria.
Nỗ lực của Nga nhằm sử dụng căn cứ không quân Hamadan của Iran hồi tháng 8, điều sẽ gia tăng đáng kể lượng chất nổ mà các máy bay ném bom Tu-22M3 của nước này có thể mang tới chiến trường, đã thất bại trong một cuộc cãi vã công khai với Tehran.
Bên cạnh đó, Nga cũng không có sự gia tăng các lực lượng mặt đất tại Syria để cho thấy rằng một “giải pháp cuối cùng” cho Aleppo đã được chuẩn bị trong suốt những tháng qua.
Thay vì tăng cường lực lượng thực sự tại Syria, Nga đã bận rộn với các cuộc tập trận chiến lược hàng năm vào tháng 9 mô phỏng các cuộc đổ bộ vào Crimea, và phần lớn sự chú ý quốc gia của đất nước này đã xoay sang tình hình ở Ukraine.
Nga đã tham gia một số lượng lớn đến chóng mặt các cuộc chuyển quân, diễn tập đa quốc gia, tập trận và sự kiện quân sự vào tháng 8 và tháng 9, trong đó phần nhiều xoay quanh các tình huống bất ngờ ở Ukraine hoặc với NATO.
Theo giới phân tích, Nga đã trở nên cảnh giác một cách đáng chú ý đối với khả năng Mỹ chuyển hướng đột ngột tới việc xem xét can thiệp quân sự. Kịch bản nhiều khả năng nhất là người Mỹ chỉ đơn giản sử dụng tên lửa hành trình nhằm đáp ứng những lời kêu gọi hiện nay.
Để chuẩn bị sẵn sàng cho một diễn biến như vậy, Nga đã gửi đi một hệ thống phòng không S-300VM, cùng với một vài tàu hộ tống tên lửa từ Hạm đội Biển Đen, với hy vọng ngăn chặn Mỹ tiến hành chiến dịch tấn công chống lại các lực lượng Syria. Hệ thống này bổ sung cho hệ thống S-400 vốn đã có ở chiến trường.
Thiếu tướng Igor Konashenkov của Nga thằng thừng tuyên bố: “Bất kỳ cuộc công kích tên lửa hay trên không nào trên lãnh thổ do Chính phủ Syria kiểm soát sẽ tạo ra một mối đe dọa rõ ràng tới quân nhân Nga”.
Dường như người Nga cũng không thực sự nắm được kịch bản đang diễn ra ở Aleppo và cáo buộc Điện Kremlin “lợi dụng” những ngày cuối của Chính quyền Obama để củng cố thành tựu nào đó ở Syria là không có cơ sở.
Nếu như vậy, Ngoại trưởng Nga không nhất thiết phải dành nhiều thời gian như vậy để đàm phán các chi tiết kỹ thuật phức tạp của một thỏa thuận ngừng bắn hồi giữa tháng 7 khi người đồng cấp Mỹ Kerry lần đầu tiên bay tới Moskva với một đề xuất thiết lập một cơ chế phối hợp quân sự chung.
Việc ngừng bắn được cho là khoảng dừng cần thiết đối với quân đội Syria nhưng nó cũng là dịp để các lực lượng nổi dậy tái tổ chức và kháng cự.
Vũng lầy thực sự
Sự can thiệp của Nga đã thay đổi tình hình ở Syria, khiến Mỹ có ít lựa chọn hơn. Tuy nhiên, một chiến thắng tuyệt đối cho quân chính phủ Syria là điều khó có thể xảy ra trong tương lai gần. Ngược lại, phe đối lập không thể lật đổ Tổng thống Assad chừng nào Nga và Iran vẫn còn tích cực tham gia.
Nga có sa lầy ở Syria hay không là câu hỏi chưa thể trả lời ngay lập tức. Tuy nhiên, Moskva rõ ràng đã phải đối mặt với một loạt thực tế không mấy dễ chịu ở Syria, chủ yếu vì nước này đã can thiệp quá muộn. Quân đội Syria đã không còn là một lực lượng chiến đấu xứng đáng như từng được kỳ vọng.
Các lực lượng ở cả hai phía đã kiệt sức và phần lớn phụ thuộc vào các lực lượng ủy nhiệm. Các chiến dịch quân sự chậm chạp và thất thường, và các thành tích có thể dễ dàng bị đảo ngược.
Máy bay ném bom Su-24 của Nga tại Syria
Nga và Iran cần phải giữ vững chiếc ghế của ông Assad bởi nhà lãnh đạo này là điều duy nhất gắn kết nỗ lực của chế độ Syria với nhau về mặt khái niệm. Không có ông, chế độ sẽ hoàn toàn sụp đổ, lụn bại vì đấu đá nội bộ mà không có một nhà lãnh đạo rõ ràng.
Giới phân tích phương Tây cho rằng vài tháng sau khi can thiệp, quân đội Nga đã nhận thấy rõ ràng rằng chiến thắng hoàn toàn là điều không thể. Đó không phải là vì lực lượng đối lập quá mạnh, mà vì các lực lượng Syria và Iran yếu đến mức không thể giữ vững và bảo vệ những gì họ đã giành được.
Các lực lượng ủy nhiệm Syria và Iran cuối cùng đã bao vây Aleppo vào tháng 9, nhưng Nga từng chứng kiến họ thua trận trong cuộc chiến này trước đó, gần đây nhất là trong các cuộc phản công thành công do Jahbat al-Nusra dẫn đầu vào tháng 8.
Những trận chiến lặp đi lặp lại giành Aleppo đã thuyết phục Nga rằng các lực lượng mặt đất của các đồng minh của nước này không đủ khả năng giành chiến thắng hoàn toàn.
Việc Nga tuyên bố "rút quân" vào tháng 3 được cho là kế hoạch "phân vai lại" chiến dịch quân sự cho phù hợp. Nga sẽ cố thủ ở Syria trong thời gian dài, nhưng nước này sẽ không tham gia những trận chiến nhọc nhằn và không chắc chắn vì những thành phố như Aleppo nữa.
Thế nhưng điều này lại đi ngược lại suy nghĩ của chính phủ Syria và Iran. Cả Tehran và chế độ Assad vẫn tin chắc rằng một chiến thắng trên chiến trường là có thể xảy ra và thời gian tốt nhất để kết liễu lực lượng đối lập Syria là ngay lúc này.
Mặc dù miễn cưỡng đồng thuận với các cuộc đàm phán của Nga và điều chỉnh cho phù hợp với nhiều đòi hỏi cấp thiết khác của Moskva, nhưng họ chủ yếu vẫn cam kết với một chiến thắng quân sự mà Điện Kremlin giờ cho là tốn kém và không thể đạt được.
Chiếm được Aleppo có thể là một chiến thắng chính trị quan trọng và là đòn chí tử đối với phe đối lập Syria nhưng chưa hẳn đã giúp Nga đạt được mục đích của mình. Có không ít đồn đoán rằng Nga quyết định can thiệp vào Syria vì muốn có tiếng nói "ngang bằng" với phương Tây và buộc phương Tây phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.
Thế nhưng chiến thắng ở Aleppo càng kích động phương Tây liên hệ các biện pháp trừng phạt được áp đặt vì vấn đề Ukraine với cuộc xung đột ở Syria.
Nhà phân tích phương Tây Michael Kofman viết trên trang Warontherock.com rằng: "Thực tế đáng buồn là Nga phải tự tìm cách thoát ra khỏi mớ hỗn độn này, tập hợp các đồng minh của nước này trở lại với nhau, và đưa ra một đề xuất mới.
Moskva muốn đóng vai trò một nước lớn ở Trung Đông, nhưng dường như chiếc vương miện này hơi rộng so với cái đầu của họ. Điện Kremlin có thể ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ, nhưng chưa thể giải quyết cuộc xung đột theo cách của mình".
Nhà phân tích này dự đoán, dù các lực lượng Syria có chiếm được Aleppo hay không, Nga vẫn phải quay trở lại để đàm phán một giải pháp chính trị. Nhiều khả năng Moskva sẽ nỗ lực cùng Washington thiết lập một lệnh ngừng bắn nữa trước khi hết năm 2016.
Bản thân Mỹ cũng không còn lựa chọn nào khác ở Syria ngoài đàm phán với Nga. Ở Trung Đông, cả Moskva lẫn Washington đều không sử dụng được sức mạnh mà họ từng có trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Ngày nay sức mạnh của sự phân cực đã yếu đi nhiều.