Chuyên gia phân tích người Nga Anastasia Borik cho rằng, miễn là giới tinh hoa chính trị Nga vẫn đồng lòng ủng hộ quan điểm của Kremlin, thì Tài liệu Panama sẽ không là gì.
Thậm chí, Moscow còn có thể khai thác các lỗ hổng của vụ lộ mật lớn nhất lịch sử thế giới này theo hướng có lợi cho mình.
Anastasia Borik là nghiên cứu sinh tại Học viện Quan hệ Quốc tế Moscow. Nhà phân tích này từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí và ngoại giao khi từng làm phóng viên hãng tin Tân Hoa Xã ở Moscow và trợ lý cá nhân của Đại sứ Nga ở Colombia.
Một trong những lỗ hổng lớn nhất của Tài liệu Panama, theo chuyên gia Borik, chính là thiếu thông tin đáng tin cậy về nguồn gốc xuất xứ của nó.
Những gì được nêu ra chỉ đơn giản là bản sao rất nhiều thư từ, hợp đồng, danh tính cá nhân và các tài liệu của Mosack Fonseca suốt hơn 40 năm.
Không có bất cứ thông tin đáng tin cậy nào về nguồn tin giấu tên đã giao Tài liệu Panama cho nhật báo Đức Süddeutsche Zeitung và Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế ICIJ.
Thêm vào đó, mặc dù đã công bố kết quả phân tích, điều tra suốt 1 năm trên trang web của ICIJ và các phương tiện truyền thông đối tác, song không một tài liệu gốc nào xuất hiện, thay vào đó là những câu chữ diễn giải lại nội dung.
Người ta có thể tìm thấy một vài trang trong tài liệu này đâu đó trên Internet, nhưng những nội dung trên giấy tờ này lại bị đặt ngoài bối cảnh thực tế.
"Những tài liệu này rất khó để xác minh. Bản thân việc tiết lộ nó dường như cũng là một thiếu sót so với lần lộ mật quy mô lớn trước đó là WikiLeaks - vốn đăng tải hàng loạt các tài liệu lên trang web của mình.
Tài liệu Panama dường như chưa đáp ứng được tất cả các tiêu chí của một cuộc điều tra chất lượng cao mà ở đó, điều đầu tiên và trước hết là cần phải có sự xác minh.
Hơn nữa, một cuộc điều tra như thế này cũng cần có sự tham gia của các chuyên gia độc lập, những người có nhiều kinh nghiệm trong các tiêu chí này".
Một lỗ hổng khác, theo chuyên gia Borik, việc chưa có bất cứ một cái tên cấp cao mà trong hệ thống chính trị Mỹ xuất hiện ở Tài liệu Panama là điểm yếu mà Kremlin có thể sử dụng để hạ uy tín những nhà báo đang tham gia vào vụ này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bác bỏ "mọi yếu tố tham nhũng" liên quan đến ông trong vụ "Hồ sơ Panama".
Trên thực tế, Nga đã có những động thái nhằm "bóc mẽ" Tài liệu Panama và chỉ trích ngược lại phương Tây.
Phát ngôn viên Điện Kremlin và Tổng thống Nga Putin không hề do dự khi tuyên bố những gì mà ICIJ nói tới chỉ là bịa đặt, bôi nhọ.
Nga cũng nhanh chóng khai thác bất đồng giữa WikiLeaks và ICIJ để kéo WikiLeaks về phía mình, vừa nhằm tới đối tượng công chúng đang nóng lòng muốn biết ai đứng sau ICIJ, vừa đưa ra gợi ý cho câu trả lời, vì sao không có quan chức cấp cao Mỹ nào bị "lộ".
Một bài báo trên báo Nga RT đã đăng tải phát biểu của WikiLeaks rằng, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và tỷ phú George Soros - một nhân vật bài Nga cực đoan - đã tài trợ, "giật dây" vụ rò rỉ lần này.
Phát ngôn viên Điện Kremlin cũng cáo buộc, bản thân nội bộ ICIJ cũng có cả cựu đại diện của Bộ Ngoại giao Mỹ và CIA, cùng các nhân viên tình báo.
Nga rõ ràng là không gặp khó khăn trong việc phản bác lại ICIJ, thậm chí còn biến những lỗ hổng trong vụ lộ mật này thành công cụ để một lần nữa khẳng định, phương Tây đang tiến hành cuộc chiến thông tin nhằm vào Putin và Nga.