Cả Nga và NATO đều lên kế hoạch tập trận hạt nhân. Ảnh: Lực lượng vũ trang Nga
Các cuộc tập trận diễn ra cùng thời điểm được cho là rất nguy hiểm vì nó làm tăng nguy cơ về các mối đe dọa và có thể khiến hai bên lún sâu hơn vào tình trạng leo thang hạt nhân.
Theo hãng tin Reuters, Nga thường tổ chức các cuộc tập trận hạt nhân lớn vào khoảng thời gian này trong năm. Các quan chức Mỹ và phương Tây dự báo chúng có thể diễn ra trong vài ngày tới, bao gồm cả việc phóng thử tên lửa đạn đạo.
Tại Nhà Trắng, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cho biết cái gọi là cuộc tập trận “Grom” (hay Thunder) của Nga sẽ bao gồm các cuộc diễn tập quy mô lớn của các lực lượng hạt nhân chiến lược, bao gồm cả các vụ phóng tên lửa, mô tả sự kiện này là “thường niên”.
“Mặc dù Nga có thể cho rằng cuộc tập trận này sẽ giúp họ thể hiện sức mạnh, đặc biệt là trong bối cảnh các sự kiện gần đây, nhưng chúng tôi biết các đơn vị hạt nhân của Nga được triển khai huấn luyện quy mô lớn vào thời điểm này trong năm”, ông Kirby nói và lưu ý thêm rằng Mỹ sẽ “theo dõi điều đó một cách phù hợp”.
Về phần mình, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo trong một cuộc họp báo tại Brussels rằng Liên minh này sẽ giám sát rất chặt chẽ các cuộc tập trận hạt nhân hàng năm của Nga, giống như trong nhiều thập kỷ qua.
Lần gần đây nhất Nga tập trận hạt nhân là vào tháng 2, ngay trước khi xung đột với Ukraine nổ ra, trong một động thái mà các quan chức phương Tây vào thời điểm đó cho là nhằm ngăn cản họ ủng hộ Kiev.
Với việc Moskva dự kiến sẽ sớm thực hiện các cuộc tập trận quy mô lớn cho các lực lượng hạt nhân của mình khi có một số cảnh báo từ Nga về việc sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột với Ukraine, Mỹ và các đồng minh sẽ gặp thách thức về khả năng có thể phát hiện ra sự khác biệt giữa các cuộc tập trận và thực tế.
Một quan chức phương Tây nói với Reuters: “Đây là lý do tại sao chúng tôi không muốn đưa ra những tuyên bố quá khích khi hai bên (cả Nga và NATO) cùng lúc thực hiện một cuộc tập trận hạt nhân”.
Reuters lưu ý các quan chức phương Tây cho đến nay cho biết Moskva vẫn chưa thực hiện các bước sẵn sàng để tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân, nhưng cảnh báo về hạt nhân ở Nga đã tăng lên sau những cuộc phản công thành công của quân đội Ukraine trong tháng qua.
Sau khi sáp nhập thêm các vùng lãnh thổ mới vào Nga, Moskva cho biết sẽ bảo vệ lãnh thổ nước này bằng vũ khí hạt nhân. Một quan chức cấp cao của NATO cho biết bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào của Nga đều có thể gây ra “phản ứng” từ liên minh.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nêu rõ sau cuộc họp của nhóm hoạch định hạt nhân của NATO tại Brussels rằng ông không thấy bất kỳ “dấu hiệu và cảnh báo” nào có thể gây ra sự thay đổi đối với thế trận hạt nhân của Mỹ.
Về Steadfast Noon, các quan chức Mỹ cho biết cuộc tập trận hạt nhân hàng năm của NATO này đã được lên kế hoạch trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine và phần lớn các cuộc tập trận sẽ diễn ra cách Nga hơn 1.000 km. Cuộc tập trận sẽ tập trung tại căn cứ không quân Kleine Brogel ở Bỉ, một trong sáu căn cứ mà Không quân Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở châu Âu.
Hàng chục quốc gia NATO tham gia cuộc tập trận của NATO lần này, với các máy bay chiến đấu có khả năng mang đầu đạn hạt nhân - nhưng không liên quan đến bom đạn thật, các quan chức Mỹ nêu rõ và nhấn mạnh máy bay ném bom B-52 của quân đội Mỹ sẽ tham gia.
Một quan chức quốc phòng Mỹ nói: “Trong khi chúng tôi sẽ tiếp tục các hoạt động thường lệ để duy trì khả năng răn đe (hạt nhân), sẽ không có thông điệp đặc biệt nào xung quanh cuộc tập trận hạt nhân của NATO”.