Nga có thể mất 30% sản lượng dầu chỉ trong vài tuần

Vũ Ngọc Diệp |

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 16/3 cảnh báo Nga có thể sắp buộc phải cắt giảm 30% giảm sản lượng dầu thô, khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào cuộc khủng hoảng nguồn cung lớn nhất trong nhiều thập kỷ nếu Saudi Arabia và các nhà xuất khẩu năng lượng lớn khác bắt đầu bơm thêm dầu ra thị trường.

Theo đó, nhà xuất khẩu dầu thô lớn thứ 2 thế giới này có thể buộc phải giảm 3 triệu thùng dầu thô/ngày trong sản lượng của mình vào tháng 4 tới do các công ty dầu mỏ lớn, các nhà kinh doanh và các công ty vận tải biển rời xa Nga, và nhu cầu ngay tại Nga cũng sụt giảm.

Trước khi xảy ra xung đột với Ukraine, Nga bơm khoảng 10 triệu thùng dầu thô mỗi ngày và xuất khẩu khoảng một nửa trong số đó.

Cho đến nay, sản lượng dầu Nga vẫn duy trì ổn định, với sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ trong giai đoạn 1-13/3 đạt 11,12 triệu thùng/ngày, tăng so với 11,06 triệu thùng trung bình của tháng 2.

Trong báo cáo tháng tháng vừa công bố, IEA cho biết: "Không thể phủ nhận tác động của việc Nga mất khả năng xuất khẩu dầu ra các thị trường toàn cầu có khả năng xảy ra", và cho biết cuộc khủng hoảng có thể dẫn tới những thay đổi lâu dài cho thị trường năng lượng.

Canada, Mỹ, Vương quốc Anh và Úc đã cấm nhập khẩu dầu của Nga, ảnh hưởng đến khoảng 13% xuất khẩu của nước Đông Âu này. Nhưng các động thái của các công ty dầu mỏ lớn và các ngân hàng toàn cầu ngừng giao dịch với Moscow sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine Nga phải chào bán dầu thô của mình với mức chiết khấu rất lớn.

Mức trừ lùi giá dầu Urals của Nga so với dầu Brent ngày 15/3 đã tăng lên cao kỷ lục lịch sử do khách hàng lo sợ về các vấn đề thanh toán, vận tải và bảo hiểm. Theo đó, hãng Glencore chào bán 100.000 tấn dầu thô Urals từ Primorsk hay Ust-Luga kỳ hạn giao 29/3 – 2/4 thấp hơn tới 30,15 USD so với dầu Brent, mức chưa từng có trong lịch sử, mà vẫn không có người mua.

Các công ty dầu mỏ lớn của phương Tây đã từ bỏ các liên doanh và đối tác ở Nga, đồng thời tạm dừng các dự án mới. Liên minh châu Âu hôm thứ Ba (15/3) đã công bố lệnh cấm đầu tư vào ngành năng lượng của Nga.

IEA, cơ quan theo dõi xu hướng thị trường năng lượng của các quốc gia giàu nhất thế giới, cho biết rằng các nhà máy lọc dầu hiện đang nỗ lực tìm các nguồn cung cấp thay thế. Họ có thể bị buộc phải giảm hoạt động của mình khi người tiêu dùng toàn cầu bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu tăng quá cao.

Cho đến nay, có rất ít dấu hiệu giá dầu sẽ giảm bền vững. Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) là những nhà sản xuất duy nhất có công suất dự phòng đáng kể. Cả hai nước đều là một phần của liên minh OPEC + gồm 23 thành viên, bao gồm cả Nga.

OPEC + đã duy trì mức tăng sản lượng khiêm tốn, tổng cộng 400.000 thùng/ngày cho cả nhóm trong những tháng gần đây, nhưng thường không đạt được các mục tiêu của chính mình do thiếu đầu tư trong giai đoạn vừa qua.

Nga có thể mất 30% sản lượng dầu chỉ trong vài tuần - Ảnh 1.

IEA dự báo cung dầu toàn cầu.

Đại sứ UAE tại Mỹ vào tuần trước cho biết đất nước của ông ủng hộ việc bơm nhiều hơn, nhưng các quan chức khác sau đó khẳng định họ vẫn duy trì cam kết với thỏa thuận OPEC +.

IEA cho biết: "Việc khối này không thể thực hiện đầy đủ hạn ngạch như đã thỏa thuận trong một thời gian dài, chủ yếu là do các vấn đề kỹ thuật và các hạn chế về năng lực khác, đã dẫn đến lượng xăng dầu dự trữ toàn cầu giảm mạnh".

Cơ quan này cảnh báo, nếu các nhà sản xuất lớn không thay đổi hướng đi và mở rộng quy mô sản xuất hơn nữa, thị trường toàn cầu sẽ thiếu hụt nguồn cung trong quý 2 và quý 3 năm 2022.

Phương Tây đang cố gắng thuyết phục Saudi Arabia và UAE thay đổi quyết định. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tới thăm vùng Vịnh hôm thứ Tư (16/3) để thảo luận với các nhà lãnh đạo của cả hai nước về các cách thức gia tăng áp lực ngoại giao và kinh tế đối với Nga.

Chính phủ Anh cho biết trong một tuyên bố rằng các nhà lãnh đạo dự kiến ​​sẽ thảo luận về "nỗ lực cải thiện an ninh năng lượng và giảm biến động giá năng lượng và lương thực."

Thị trường năng lượng toàn cầu đã biến động cực mạnh kể từ khi xảy ra cuộc chiến ở Ukraine.

Chỉ hơn một tuần trước, dầu thô Brent đã tăng vọt lên trên 139 USD/thùng. Các nhà phân tích cảnh báo giá có thể chạm 185 USD, tiếp đến là 200 USD khi các thương nhân xa lánh dầu Nga, đẩy lạm phát lên cao hơn nữa và gây thêm căng thẳng lớn cho nền kinh tế toàn cầu.

Nhưng giá dầu đã đảo ngược nhanh chóng kể từ đó. Giá dầu thô Brent giao sau tham chiếu cho thị trường toàn cầu, hiện đã giảm gần 30% so với mức đỉnh, xuống dưới 100 USD/thùng lần đầu tiên trong tháng này.

Cuộc khủng hoảng hiện nay có thể dẫn tới những thay đổi lớn trên thị trường năng lượng toàn cầu. Nguồn cung bổ sung cuối cùng có thể đến từ Iran và Venezuela nếu Mỹ và các đồng minh của họ nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với hai nước. Các cuộc đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân với Iran dường như đã bị đình trệ, nhưng vẫn có hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận.

Tuần trước, Liên minh châu Âu đã vạch ra kế hoạch cắt giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga trong năm nay bằng cách tìm các nhà cung cấp thay thế, đẩy nhanh việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, giảm tiêu thụ thông qua cải thiện hiệu quả năng lượng và kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân và than.

Trong khi đó, Wall Street Journal mới đây đưa tin Saudi Arabia đang đàm phán với Bắc Kinh để định giá một số doanh thu bán dầu của họ bằng đồng nhân dân tệ. Điều đó sẽ làm xói mòn sự thống trị của đồng đô la Mỹ trên các thị trường năng lượng toàn cầu và làm sâu sắc thêm các mối quan hệ của Riyadh ở phương đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại