Ukraine đã yêu cầu các máy bay chiến đấu F-16 trong vài tháng qua, Kyiv cho rằng phương tiện này sẽ làm giảm ưu thế trên không của Nga. Nhưng theo chuyên gia Boyko Nikolov, Washington vẫn phản đối ý tưởng như vậy và có lý do cho điều đó.
Nhà phân tích quân sự người Bulgaria cho rằng F-16 là một tiêm kích tốt, nhưng nó cũng có nhược điểm. Không giống như các máy bay chiến đấu của Liên Xô, nó không thể cất cánh từ đường băng ngắn.
Các sân bay Ukraine được thiết kế theo mô hình Liên Xô, có tính đến việc MiG-29 và Su-27 sẽ được sử dụng ở đó, những máy bay này có thể cất cánh không chỉ từ đường băng ngắn mà còn từ sân bay dã chiến với nền đất không bằng phẳng.
Ngoài ra F-16 cần được bảo dưỡng cẩn thận, tốt nhất là trong nhà chứa máy bay được trang bị đặc biệt. Nga khó có thể ngồi yên xem Ukraine mở rộng đường băng và cơ sở hạ tầng để phục vụ máy bay chiến đấu Mỹ.
Tiêm kích F-16 kể cả khi đến tay Không quân Ukraine cũng rất khó để phát huy tác dụng.
Với hoạt động của tiêm kích F-16, có một sắc thái nữa phải tính đến đó là máy bay Mỹ chắc chắn cần đường băng sạch. Ngay cả một chướng ngại vật nhỏ cũng có thể ngăn chiếc máy bay chiến đấu cất cánh.
Như vậy, Nga sẽ không cần phải gây thiệt hại nghiêm trọng cho các sân bay Ukraine để vô hiệu hóa F-16.
Nói một cách đơn giản, nếu Moskva tạo ra một lỗ hổng trên đường băng với sự trợ giúp của một cuộc không kích, thì điều này sẽ đủ để khiến các tiêm kích F-16 của Ukraine không thể hoạt động trong một thời gian rất dài.
“Nga chỉ cần một thao tác đơn giản đó là 'gây ô nhiễm đường băng', sẽ khiến các tiêm kích F-16 do Mỹ chế tạo trở nên vô dụng vì không thể sử dụng được”, nhà bình luận quân sự người Bulgaria cho biết.