Binh sĩ Nga đến Kazakhstan hôm 7-1 để hỗ trợ quốc gia này thiết lập lại trật tự. Ảnh: Reuters
Trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Lavorv, Bộ trưởng Vương còn nói rằng Trung Quốc ủng hộ kết luận của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokay, người nhấn mạnh bất ổn tại quốc gia của ông xuất phát từ hoạt động "khủng bố".
Cũng theo Bộ trưởng Vương, Bắc Kinh và Moscow cần "phản đối các thế lực bên ngoài can thiệp vào chuyện nội bộ của các quốc gia Trung Á" và ngăn "3 thế lực tai họa" gây bạo loạn, ám chỉ chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, chủ nghĩa ly khai lãnh thổ và chủ nghĩa khủng bố bạo lực.
Tuần trước, các tòa nhà chính phủ ở Kazakhstan bị chiếm giữ hoặc đốt phá tại nhiều thành phố, khi các cuộc biểu tình ôn hòa phản đối giá nhiên liệu chuyển thành các cuộc biểu tình bạo lực.
Giới chức Kazakhstan khẳng định bạo loạn xảy ra do "các phần tử cực đoan", bao gồm các tay súng Hồi giáo được huấn luyện ở nước ngoài.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Reuters
Theo yêu cầu của Tổng thống Tokay, Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO - do Nga dẫn đầu) đã điều động binh sĩ hỗ trợ Kazakhstan vãn hồi an ninh. Đến giờ, theo Ủy ban An ninh quốc gia Kazakhstan, tình hình đã ổn định và trật tự đã được khôi phục trên khắp cả nước.
Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 10-1 bảo vệ quyết định điều binh sĩ đến Kazakhstan, đồng thời từ chối ra hạn chót rút lực lượng "gìn giữ hòa bình" ra khỏi nền kinh tế lớn nhất Trung Á.
Ông chủ Điện Kremlin khẳng định Kazakhstan đã bị các phần tử khủng bố nhắm mục tiêu, nói rằng bất ổn Kazakhstan xảy ra do các thế lực bên ngoài chưa xác định.
"Tất nhiên, chúng tôi hiểu những sự kiện ở Kazakhstan không phải là nỗ lực đầu tiên và cũng chẳng phải là nỗ lực cuối cùng của các quốc gia bên ngoài để can thiệp vào chuyện nội bộ nước khác" – Tổng thống Putin cảnh báo, đồng thời tuyên bố CSTO đã thành công trong việc ngăn chặn "những kẻ khủng bố, tội phạm, cướp bóc và các phần tử tội phạm khác" tàn phá nền tảng và làm suy thoái tình hình nội bộ của Kazakhstan.
Đàm phán Nga-Mỹ rơi vào bế tắc
Giới chức Mỹ và Nga ngày 10-1 gặp mặt tại TP Geneva – Thụy Sĩ để thảo luận những vấn đề liên quan đến căng thẳng Ukraine.
Xuyên suốt cuộc họp 7 tiếng, theo Business Insider, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov khẳng định với người đồng cấp Mỹ Wendy Sherman rằng quốc gia của ông không có kế hoạch tấn công Ukraine.
Đáp lại, bà Sherman yêu cầu Moscow chứng minh bằng cách rút quân về doanh trại hoặc giải thích vì sao họ hiện diện lượng lớn binh sĩ tại biên giới Ukraine.
Trong buổi họp báo sau cuộc gặp, bà Sherman nói với các phóng viên rằng: "Chúng ta sẽ chờ xem liệu Nga có thấy được cách tốt nhất để họ theo đuổi con đường ngoại giao là giảm thang căng thẳng hay không".
Thứ trưởng Ryabkov từng tuyên bố Moscow sẽ không nhượng bộ dưới sức ép đến từ Mỹ và châu Âu.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman trong cuộc đàm phán an ninh với người đồng cấp Nga Sergey Ryabkov hôm 10-1. Ảnh: Reuters