Nga chủ trì đàm phán giữa các phe phái Palestine, hoà giải xung đột Trung Đông

Thu Hoài |

Các phe phái đối lập Palestine đang nhóm họp tại thủ đô Moscow, Nga để thảo luận về việc thành lập nội các mới, vài ngày sau khi Thủ tướng Mohammad Shtayyeh từ chức. Mục tiêu của cuộc đàm phán là đoàn kết các phe phái trong Tổ chức giải phóng Palestine, một liên minh gồm các bên đã ký hiệp ước hoà bình với Israel năm 1993.

Theo truyền thông Nga, các đại diện của Phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas hiện kiểm soát dải Gaza, tổ chức Hồi giáo Palestine (PIJ), Fatah và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đều góp mặt tại hội nghị. Việc thúc đẩy một thoả thuận hoà giải giữa các phe phái Palestine là rất cần thiết nhằm tăng cường tính đại diện cho chính quyền Palestine trong bối cảnh cuộc xung đột ngày một leo thang giữa Israel và Hamas.

Nga chủ trì đàm phán giữa các phe phái Palestine, hoà giải xung đột Trung Đông- Ảnh 1.

Các phe phái Palestine trong cuộc họp ở Moscow, Nga. Ảnh: Reuters

Một trong những kịch bản được nhắc tới nhiều nhất là đưa Chính quyền Palestine trở lại kiểm soát Gaza hậu xung đột và sáp nhập Hamas về mặt chính trị ở Bờ Tây bị chiếm đóng. Theo các nhà phân tích, nếu đạt được thì đây sẽ là một bước phát triển đáng kể vì có khả năng thống nhất các phe phái Palestine và tạo ra một nội các đồng thuận.

Tuy nhiên ngay trước thềm cuộc đàm phán tại Nga, Thủ tướng Chính quyền Palestine Mohammad Shtayyeh đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Mahmoud Abbas. Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tăng cường nỗ lực làm xoa dịu cuộc xung đột tại Gaza và bắt đầu tập trung vào một cơ cấu chính trị để quản lý vùng đất này thời hậu xung đột. Do đó, có nhiều lo ngại nó có thể ảnh hưởng đến kế hoạch liên quan đến Gaza hậu xung đột.

Ông Stephane Dujarric, Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết: “Liên Hợp quốc sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực nhằm giúp người Palestine vượt qua các thách thức về nhân đạo, chính trị và tài chính cũng như an ninh. Một chính quyền Palestine được củng cố, được trao quyền và có khả năng quản lý toàn bộ lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng là rất quan trọng. Đây là một phần của con đường hướng tới việc thành lập một Nhà nước Palestine hoàn toàn độc lập, dân chủ, có chủ quyền và khả thi trên cơ sở các đường biên giới trước năm 1967. Gaza là một phần không thể thiếu và đây vẫn là con đường duy nhất để đạt được hòa bình lâu dài”.

Hiện cũng có một số tranh cãi xung quanh vai trò quản lý của Hamas sau khi xung đột kết thúc. Đặc biệt, Israel phản đối phương án này. Hơn thế nữa, thái độ cứng rắn của Hamas không công nhận Israel sẽ khó phù hợp với đường lối của PLO vốn đã công nhận Israel.

Dù không kỳ vọng sẽ đạt được “kỳ tích”, song Ngoại trưởng Chính quyền Palestine Riyad al-Maliki cho biết, ông hi vọng các bên sẽ đạt được hiểu biết chung về sự cần thiết của một chính phủ kỹ trị và cuộc họp tại Moscow sẽ mở đường cho các cuộc họp khác trong tương lai.

“Chúng tôi đang chờ xem điều gì sẽ đạt được tại Moscow. Tất nhiên, chúng tôi không mong đợi điều kỳ diệu sẽ xảy ra chỉ trong một cuộc họp, nhưng tôi tin cuộc họp ở Moscow sẽ mở đường cho các cuộc họp khác để tiếp tục nỗ lực chung nhằm thúc đẩy sự đoàn kết của người Palestine, vì lợi ích của người dân Palestine và để chúng ta có thể cùng nhau đương đầu với các thách thức với tư cách là những người dân Palestine”, Ngoại trưởng Maliki nói.

Cộng đồng quốc tế cũng kỳ vọng vào vai trò hoà giải của Nga. Ngay sau khi xung đột giữa Israel và Hamas nổ ra, Nga đã đề nghị làm trung gian hòa giải và trên thực tế đã chứng minh được là một nhà hoà giải có thể nói chuyện được với tất cả các bên liên quan tại khu vực. Nga đã giữ mối quan hệ bền chặt với Israel mặc dù vẫn duy trì quan hệ với lực lượng Hamas tại Gaza, cũng như với Iran - một trong những đối thủ của Israel trong khu vực. Cộng đồng nói tiếng Nga cũng là cộng đồng thiểu số lớn nhất ở Israel với gần một triệu người gốc Do Thái di cư đến Israel sau khi Liên Xô tan rã.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại