Phó thủ tướng Nga Alexander Novak - Ảnh: REUTERS
Ngày 2-12, G7 và Úc đã đồng ý mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga, sau khi các thành viên Liên minh châu Âu (EU) đạt đồng thuận về mức giá này.
Theo Hãng tin Reuters, đây là động thái của phương Tây nhằm trừng phạt chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin vì cuộc xung đột ở Ukraine.
Ngày 4-12, phó thủ tướng Nga cho biết động thái trên là sự can thiệp thô bạo, đi ngược lại các quy tắc thương mại tự do và sẽ gây bất ổn cho thị trường năng lượng toàn cầu, gây ra tình trạng thiếu nguồn cung.
"Chúng tôi đang nghiên cứu các cơ chế để cấm sử dụng công cụ giới hạn giá, bất kể ở mức nào, bởi vì sự can thiệp như vậy có thể gây bất ổn hơn nữa cho thị trường", ông Novak nói.
Ông khẳng định: "Chúng tôi sẽ chỉ bán dầu và các sản phẩm dầu mỏ cho những quốc gia hợp tác với chúng tôi theo các điều kiện thị trường, ngay cả khi chúng tôi phải giảm một chút sản lượng".
Phó thủ tướng Nga cảnh báo giới hạn của phương Tây có thể gây ra rắc rối trên thị trường và ảnh hưởng đến các quốc gia khác.
Bán dầu và khí đốt cho châu Âu là một trong những nguồn thu ngoại tệ chính của Nga, kể từ khi các nhà địa chất Liên Xô tìm thấy dầu và khí đốt ở vùng đầm lầy Siberia sau Thế chiến thứ 2.
Một nguồn tin nói với Reuters rằng Nga đang chuẩn bị một nghị định cấm các công ty và thương nhân Nga tương tác với các quốc gia và công ty áp dụng mức giá trần .
Theo Reuters, một nghị định như vậy đồng nghĩa với việc cấm xuất khẩu dầu và các sản phẩm dầu mỏ cho các quốc gia và công ty áp dụng giá trần.
Kể từ khi phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine ngày 24-2, Tổng thống Putin đã chỉ trích Mỹ và đồng minh khơi mào cuộc chiến kinh tế chống lại Nga bằng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất trong lịch sử hiện đại.
Hồi tháng 9 vừa qua, ông Putin cảnh báo có thể cắt nguồn cung cấp năng lượng nếu phương Tây áp dụng giá trần.