Nga cảnh báo về nguy cơ khiến 'toàn bộ Ukraine bị thiêu rụi'

Hải Vân |

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev cảnh báo việc Mỹ cung cấp vũ khí tiên tiến hơn cho Ukraine sẽ chỉ gây ra nhiều cuộc tấn công trả đũa hơn từ Moskva, trong phạm vi học thuyết hạt nhân của Nga.

“Toàn bộ những nơi còn lại của Ukraine nằm dưới sự kiểm soát của Kiev đều sẽ bị thiêu rụi”, nhà báo Nadana Fridrikhson dẫn lời ông Medvedev nói trong một cuộc phỏng vấn bằng văn bản.

Nhà báo Fridrikhson đã hỏi ông Medvedev rằng liệu việc sử dụng vũ khí tầm xa do Washington chuyển tới có thể buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán với Kiev hay không, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Medvedev tuyên bố “họ đã sai lầm”.

“Kết quả sẽ ngược lại, không có bất cứ cuộc đàm phán nào trong trường hợp này mà chỉ có các đợt tập kích đáp trả”, ông Medvedev nói.

Theo ông Medvedev, “chỉ có những kẻ với đạo đức quái đản” mới đưa ra lập luận cần tập kích lãnh thổ Nga để buộc Moskva ngồi vào bàn đàm phán, đồng thời cho rằng các quan chức Lầu Năm Góc hiểu rõ hậu quả khi điều này xảy ra.

Khi được hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu vũ khí mà Washington đã cam kết cung cấp cho Ukraine sẽ tấn công Crimea – bán đảo đã sáp nhập Nga hồi năm 2014 – hoặc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, ông Medvedev cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã giải thích vấn đề này một cách rõ ràng.

“Chúng tôi không đặt cho mình bất kỳ giới hạn nào và tùy thuộc vào bản chất của các mối đe dọa. Chúng tôi sẵn sàng sử dụng mọi loại vũ khí. Theo các tài liệu học thuyết mà chúng tôi có, bao gồm Nguyên tắc cơ bản của răn đe hạt nhân, tôi có thể đảm bảo rằng câu trả lời sẽ nhanh chóng, mạnh mẽ và thuyết phục”.

Trước đó, phía Nga cũng đã nêu rõ quan điểm về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Trong cuộc họp báo hồi tháng 12/2022, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo rằng bất kỳ cuộc xung đột nào giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, ngay cả khi bắt đầu bằng vũ khí thông thường, đều có khả năng leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện. Do đó, cần phải tránh kịch bản này bằng mọi giá.

Đồng thời, nhà ngoại giao này cũng nhắc lại tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo Nga và Mỹ rằng không bên nào có thể chiến thắng trong chiến tranh hạt nhân và do đó cuộc chiến này không được phép bắt đầu.

Trước đó, truyền thông Mỹ từng đưa tin các quan chức nước này cho rằng khả năng Tổng thống Vladimir Putin sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine “đang ở mức cao nhất” kể từ khi chiến sự bùng phát hồi tháng 2.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói: “Tôi không có bình luận chi tiết nào về báo cáo này. Ngay từ đầu, chúng tôi nhận định rõ ràng rằng những tuyên bố của Nga về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân rất đáng quan ngại và chúng tôi xem xét chúng nghiêm túc. Chúng tôi tiếp tục theo dõi tình hình chặt chẽ nhất có thể và chưa thấy dấu hiệu Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân”.

Đầu tháng 11/2022, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố học thuyết hạt nhân của nước này chỉ cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân cho mục đích phòng thủ, cũng như các hướng dẫn nghiêm ngặt “theo đuổi mục đích duy nhất là phòng thủ”.

Về phần mình, hôm 3/2, Lầu Năm Góc đã công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá 2.175 tỷ USD. Trong đó, Washington sẽ cung cấp tên lửa mới có thể giúp Kiev tăng gấp đôi phạm vi tấn công.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại