Theo ông Richard Giragosian, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khu vực tại Armenia, xung đột ở Nagorno-Karabakh gần đây đã tan băng và đang ở thời điểm căng thẳng nhất trong hơn 2 thập kỉ qua.
Nagorno-Karabakh là vùng lãnh thổ thuộc về Azerbaijan từ trước khi Liên Xô tan rã, nhưng khu vực này muốn ly khai và sáp nhập vào Armenia bởi dân số hầu hết là người Armenia. Armenia hiện đang kiểm soát khu vực này.
Trước đó, sáng sớm ngày 2/4, lực lượng Azerbaijan đã huy động cả pháo binh, xe bọc thép và máy bay để tấn công vào hàng loạt vị trí của các lực lượng do Armenia hậu thuẫn ở Nagorno-Karabakh.
Chiến sự vượt qua tầm một cuộc xung đột thông thường, khiến lực lượng vũ trang Armenia phải tham chiến.
Từ đó, thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian giúp hai bên chấm dứt giao tranh từ năm 1994 đã bị một cú huých lớn.
Ông Richard nhận định, mặc dù những vụ xung đột nhỏ vẫn xảy ra ở Nagorno-Karabakh trong nhiều năm qua, nhưng tình hình hiện tại lại hoàn toàn khác vì hai lý do.
Đầu tiên, cuộc giao tranh gần đây không đơn thuần là một cuộc đụng độ trong khu vực biên giới. Thay vào đó, đó là một chiến dịch tấn công lớn, tấn công phối hợp mạnh mẽ.
Nó vượt qua tất cả các cuộc tấn công trước cả về quy mô và phạm vi và cũng là cuộc tấn công nghiêm trọng nhất kể từ khi lệnh ngừng bắn đạt được hồi tháng 5/1994.
Thứ hai, đây là chiến dịch quân sự đầu tiên dựa trên một chiến lược mới của Azerbaijan nhằm chiếm giữ và kiểm soát lãnh thổ.
Chiến lược mới cũng được tăng cường bởi một bước tiến quan trọng trong khả năng quân sự của Azerbaijan.
Đó là phối hợp hành động và triển khai "vũ khí kết hợp", liên quan đến việc sử dụng các vũ khí hạng nặng hơn, như pháo binh, các đơn vị thiết giáp và trực thăng chiến đấu.
Sau 4 ngày giao tranh ác liệt, hơn 100 người đã bị thiệt mạng và bị thương.
Ngày 5/4, với sự giúp đỡ của Nga, một thỏa thuận ngừng bắn đã được kí kết giữa Azerbaijan và Armenia.
Tuy nhiên, hàng loạt cuộc giao tranh vẫn tiếp tục diễn ra, tái cảnh báo sự biến động và nhạy cảm trong khu vực xung đột Nagorno-Karabakh.
Ông Richard nhận định, dù có ngừng bắn đi nữa thì cũng khó có thể quay lại lệnh ngừng bắn đã tồn tại 22 năm qua.
Ông cho rằng, lý do là vì Azerbaijan đã mất kiên nhẫn khi mọi chuyện vẫn “đứng yên tại chỗ”.
Được xem là một bên thua cuộc trong cuộc xung đột, Azerbaijan đang ngày càng thất vọng khi chưa có bất cứ kết quả hữu hình nào trong 20 năm qua.
Điều này đã dẫn đến một tình thế mới và nguy hiểm hơn khi Azerbaijan không còn muốn thực hiện các biện pháp ngoại giao và muốn dùng vũ lực thay thế.
Đỉnh điểm của sự mất kiên nhẫn trên chính là hoạt động quân sự hôm 2/4 vừa qua.
Không chỉ vậy, Bộ trưởng Ngoại giao Azerbaijan còn kêu gọi cộng đồng quốc tế yêu cầu Armenia rút quân khỏi khu vực Nagorno-Karabakh tranh chấp và đề nghị phải giải quyết cuộc xung đột theo đúng những quy định trong các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng như những tiêu chuẩn và nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Xung đột Nagorno-Karabakh đã tồn tại từ rất lâu và được xem là một trong những thách thức ngoại giao phức tạp trên thế giới.
Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) đã thiết lập “Nhóm Minsk”, do Pháp, Nga, Mỹ dẫn đầu nhằm tìm kiếm giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột này.
Hôm 3/4, Phó Chủ tịch Hạ viện Nga Sergei Zheleznyak cho rằng, nhiều khả năng một “thế lực thứ ba” đang đứng đằng sau cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra tại khu vực Nagorno-Karabakh nhằm gây bất ổn và gây khó khăn cho Nga.
Tuy nhiên, theo ông Richard, bằng việc hỗ trợ cho lệnh ngừng bắn, Nga đã chứng minh được rằng, chỉ có sáng kiến ngoại giao của nước này mới có thể mang đến hy vọng ổn định thành công tình hình ở Nagorno-Karabakh.
Mặc dù mọi động thái của Moscow đều được đưa ra trên danh nghĩa của Nhóm Minsk, nhưng nỗ lực ngoại giao của Nga vẫn tái khẳng định và củng cố được thực tế rằng, sự tham gia của Nga là cần thiết và rằng hai thành viên khác của Nhóm Minsk là Pháp và Mỹ không làm được gì đáng kể.