Nếu người Mỹ tin TQ hả hê vì phát ngôn của Tillerson, hãy nhớ còn "gáo nước lạnh" từ Trump

Linh Nguyễn |

Một phát ngôn của Ngoại trưởng Mỹ tại Bắc Kinh hồi tuần trước đã "gây bão" trong giới phân tích ngoại giao, cho rằng ông Tillerson đang chủ trương có lợi cho Trung Quốc.

Theo Newsweek, phát ngôn của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tuần trước khiến nhiều chuyên gia, giới phân tích "nghiến răng kèn kẹt."

Ông Tillerson nhấn mạnh ít nhất hai lần rằng quan hệ Mỹ - Trung được xây dựng trên nền tảng "không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và đôi bên cùng có lợi."

Newsweek ghi nhận, những cụm từ trên thường được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sử dụng để miêu tả "mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới" giữa Mỹ và Trung Quốc.

Giới quan sát về Trung Quốc tại Washington D.C. vội vã chỉ trích ngôn từ của ông Tillerson vì giống y hệt với ông Tập. 

Viết cho tờ Politico, Ely Ratner thuộc Hội đồng Quan hệ Quốc tế cho hay "những cụm từ như 'tôn trọng lẫn nhau' và 'không đối đầu' là mật mã của Bắc Kinh mang nghĩa Mỹ ủng hộ phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á".

Một dòng tít trên Washington Post ghi rằng ông Tillerson đã tự tay đưa "chiến thắng ngoại giao" cho Trung Quốc. Bài báo trích dẫn các chuyên gia như Bonnie Glaser từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), rằng "Qua việc đồng tình tôn trọng lẫn nhau, Mỹ đang tuyên bố chấp nhận Trung Quốc không cần phải thỏa hiệp điều gì trong vấn đề này".

Trên tờ Foreign Policy, cựu quan chức Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh Quốc gia Laura Rosenberger khẳng định rằng các đồng minh của Mỹ tại Đông Á "có thể đặt câu hỏi về những hứa hẹn của Mỹ sau phát ngôn của Tillerson tại Bắc Kinh".

Quan điểm chung của chuyên gia dường như là phát ngôn của Ngoại trưởng Mỹ không tốt cho Washington và có lợi đối với Trung Quốc. 

Tuy nhiên, theo Newsweek, tầm quan trọng của phát ngôn này có thể đã bị thổi phồng quá mức. Khi đặt lời phát biểu của ông Tillerson bên cạnh chính sách đối ngoại và động thái cụ thể của chính quyền Tổng thống Donald Trump, "chiến thắng ngoại giao" của Bắc Kinh không còn nhiều giá trị.

Một số bộ phận của Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) - Bắc Kinh luôn kịch liệt phản đối dự án này - đến Hàn Quốc chỉ ít ngày trước chuyến thăm Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc của Tillerson.

Vài ngày trước khi Ngoại trưởng Mỹ đưa ra phát ngôn tại Bắc Kinh, một nhóm máy bay không kích thuộc quản lý của Hạm đội 3, Hải quân Mỹ đã tập trận cùng hải quân Hàn Quốc. Theo một vị Chỉ huy, đây là lần đầu tiên một nhóm máy bay dưới quyền Hạm đội 3 tổ chức hoạt động cùng đồng minh tại Tây Thái Bình Dương kể từ Thế chiến II.

Trong khi đó, Newsweek ghi nhận chính quyền Trump đang đe dọa gây sức ép kinh tế lên Trung Quốc, mặc dù trước đó đã quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), động thái được cho là có lợi với Bắc Kinh.

Một bản tin gần đây của Reuters cho hay, chính quyền Trump đang cân nhắc "tung ra lệnh trừng phạt nghiêm khắc, nhằm mục đích cách ly Triều Tiên khỏi hệ thống tài chính toàn cầu", và có thể liên đới đến các công ty và ngân hàng Trung Quốc có giao dịch với Triều Tiên.

Không chỉ vậy, trong buổi điều trần trước Thượng viện, ứng viên Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer khẳng định ông sẽ gây áp lực lớn hơn lên Trung Quốc nhằm đáp trả các hành động kinh tế gây tổn hại đến nền kinh tế Mỹ.

Theo Newsweek, lời lẽ của Ngoại trưởng Tillerson rất quan trọng đối với Trung Quốc, nhưng điều này không có nghĩa Trung Quốc sẽ giảm bớt lo ngại trước THAAD, quan hệ Mỹ-Hàn thắt chặt và nguy cơ gặp bất lợi trước chính sách thương mại của Washington.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại