Nếu là nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, tôi sẽ làm gì trước khi đưa thông tin lên Facebook?

Hoàng Đan |

Theo chuyên gia truyền thông, nếu trường hợp là một người có uy tín, nổi tiếng như nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, thì mức độ gây ảnh hưởng và lan tỏa thông tin là rất lớn.

Sau khi nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam đưa một số thông tin, hình ảnh nghi ngờ về việc lấp Hồ Tây lên trang facebook cá nhân, UBND quận Tây Hồ (Hà Nội), Ban quản lý Hồ Tây đã bác bỏ và khẳng định, đây chỉ là dự án cải nạo, nạo vét hồ cho sạch, đẹp.

Xung quanh câu chuyện này, một vấn đề được đặt ra đó là chúng ta cần có ứng xử, nhìn nhận như thế nào trước khi đưa lên facebook về những hình ảnh, thông tin, sự việc bắt gặp hàng ngày.

Chia sẻ với PV, chuyên gia truyền thông, thạc sĩ Đặng Thanh Vân, Giám đốc điều hành Công ty Thanhs cho rằng, hàng ngày, mỗi người chúng ta đều đâu đó bắt gặp những hình ảnh, thông tin hay sự việc bất bình thường.

Đặc biệt trong thời đại "người người online" hiện nay, việc nhiễu loạn thông tin là điều khó tránh khỏi.

"Cá nhân tôi làm trong ngành tư vấn và truyền thông, nên càng hiểu rõ tác hại khó lường của những thông điệp chưa kiểm chứng", bà Vân nói.

Cũng theo chuyên gia Thanh Vân, thường mỗi khi gặp điều gì đó bất thường đáng quan tâm, bà sẽ note lại hoặc share về Facebook cá nhân ở chế độ "private" (nếu là thông tin mạng) để cân nhắc và tìm hiểu kỹ.

"Hiếm khi tôi chia sẻ quan điểm cá nhân mà chưa kiểm chứng thông tin hoặc nói về những điều mình không nắm chắc. Mặt khác, là một Phật tử "thấy vậy mà không phải vậy" cũng là điều mà chúng tôi luôn tự răn mình hàng ngày", bà Vân bày tỏ.

Đặc biệt, nếu trường hợp là một người có uy tín, thương hiệu cá nhân nổi tiếng như nhà thơ, thì mức độ gây ảnh hưởng và lan tỏa thông tin là rất lớn.

"Thậm chí đôi lúc thông tin bị phát tán vượt ra khỏi tầm kiểm soát của người chia sẻ. Vì vậy, mỗi cá nhân chúng ta nên là một "người phát ngôn thông thái" trên môi trường số", bà Vân nêu rõ.

Cũng trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia truyền thông hiện đang làm cho một dự án nông nghiệp sạch cho rằng, mỗi ngày có rất nhiều các thông tin, hình ảnh, sự việc khác nhau xuất hiện trong xã hội.

Nếu chỉ nhìn ở một phía, góc tiếp cận cá nhân thì sự việc, hình ảnh nào đó có thể bị hiểu lầm, hiểu sai, thậm chí là méo mó.

"Trường hợp của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, có thể trước đây, bà đã ấn tượng xấu về một vài sự việc xảy ra đối với Hồ Tây nên khi nhìn thấy các xe máy xúc múc bùn đất, quây tôn kín... để nạo vét hồ, bà đã tiếp cận với góc nhìn của mình và nghi ngờ rằng, họ đang lấp hồ.

Sau đó, bà tiếp tục đưa lên facebook cá nhân để chia sẻ với mọi người. Sự việc có thể sẽ không có gì nếu sự nghi ngờ xảy ra ở cái ao làng nhưng đây là Hồ Tây, giữa lòng Hà Nội, được hàng triệu người quan tâm và bà là một người có uy tín, được nhiều người biết đến ngoài xã hội, trên facebook.

UBND quận, Ban quản lý Hồ Tây sau đó đã bác bỏ và khẳng định, đây chỉ là dự án nạo vét, có bảng thông tin dự án ngoài công trường. Điều đó là rõ ràng và thông tin được minh bạch", vị này nói.

Cũng theo chuyên gia này, thực tế, sự nhiễu loạn thông tin thời nào cũng có nhưng thời kỳ "mạng xã hội lên ngôi" thì càng xuất hiện nhiều. Vì thế, mỗi cá nhân, khi tiếp cận sự việc, hình ảnh, thông tin, không nên tiếp cận theo góc nhìn của mình mà cần có sự kiểm chứng.

"Facebook cập nhật thông tin nhanh nhưng cũng là nơi các lời đồn, thông tin chưa chuẩn bay rất nhanh. Do đó, mỗi người khi là người dùng cần sáng suốt, thông thái đưa thông tin cần có sự kiểm chứng, đừng vội.

Một sự so sánh khập khiễng nhưng cũng giống dừng đèn đỏ vậy, cứ chờ hết đèn rồi hãy đi còn đừng nóng vội mà vượt để nhanh 5 - 10 giây lại thành chậm.

Ở đây, đừng nhanh vài phút đưa thông tin không kiểm chứng lên rồi lại hối hận, cảm thấy có lỗi, day dứt và đừng biến mình thành người tiêu cực trong kỷ nguyên số", vị này nêu rõ.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại