Nếu không có ngoại ngữ, đừng mơ một ngày các cậu bé "chăn bò" VN biết lập trình!

Hiệu Minh |

Để có thể tham gia cuộc cách mạng thứ tư thì thế hệ mục đồng hôm nay phải biết ngoại ngữ.

"Người Việt cỡ tài năng như Hà Đông không phải là hiếm"

Trên báo có bài của anh Nguyễn Thành Nam viết về giấc mơ phát triển Việt Nam có tới 2/3 dân số là nông dân để trở thành một quốc gia Công nghệ Thông tin (CNTT) như Ấn Độ.

"Một chương trình đào tạo trong vòng 16-20 tháng với một chi phí đầu tư chấp nhận được cho gia đình, hoàn toàn có thể bắc cầu cho các cậu bé "chăn bò" từ miền Trung nghèo khổ và các vùng của đất nước có thể tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này," anh Nam nói về dự định mới của FPT.

So sánh với Ấn Độ, một quốc gia hơn một tỷ người cũng hầu hết là nông dân mà vẫn có nền CNTT và lực lượng lập trình thuộc top trên thế giới, anh cho rằng Việt Nam chẳng có gì mà phải lo.

Quả thật, tại các công ty IT lớn mang tầm toàn cầu, cánh trẻ ngồi mài đũng quần miệt mài bên những byte bít hầu hết đến từ châu Á mà chiếm số đông là người Ấn Độ. Người Việt cũng không ít. Cỡ tài năng như Hà Đông và Flappy Bird không phải là hiếm.

Nếu không có ngoại ngữ, đừng mơ một ngày các cậu bé chăn bò VN biết lập trình! - Ảnh 1.

Sáu chàng trai Việt là sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP HCM) có cơ hội đến Google làm việc. Ảnh: Zing.vn.

Mấy năm trước, World Bank có một bộ phận IT có tên ISG (Information Solution Group – Giải pháp tin học) do một Phó Chủ tịch phụ trách với hơn một ngàn nhân viên, mấy sếp lớn toàn từ Ấn Độ, ra vào tòa nhà IT chỉ thấy người Ấn.

Dân World Bank gọi đùa ISG là Indian Solution Group (Giải pháp tin học của Ấn Độ) để nói lên dân IT đến từ quốc gia này đã ảnh hưởng tới IT ra sao tại các tổ chức quốc tế lớn.

Tuy nhiên, về lập trình thì Ấn Độ không phải là số 1 thế giới như nhiều người tưởng.

Theo HackerRank, một trang web nghiên cứu về khả năng của các lập trình viên các nước, những lập trình viên tốt nhất thế giới thuộc về Trung Quốc đứng số 1, Nga thứ 2 và Ba Lan đứng thứ 3.

Số liệu này được các tờ báo nổi tiếng như Washington Post, Business Insider, eWeek và InfoWorld trích dẫn.

Hai nước có truyền thống lập trình (có những tên tuổi lớn nhất như Bill Gates hay Steve Jobs) là Mỹ đứng thứ 28, và Ấn Độ ở thứ hạng 31. Việt Nam đứng thứ 23, trên cả hai huyền thoại Mỹ - Ấn.

Nếu không có ngoại ngữ, đừng mơ một ngày các cậu bé chăn bò VN biết lập trình! - Ảnh 2.

Trong một thống kê mới đây được thực hiện trên HackerRank, thì Việt Nam đứng thứ 23 trong top 50 quốc gia có lập trình viên giỏi nhất thế giới.

Điều kiện để hoàn thành giấc mơ "nông dân lập trình"

Như vậy, giấc mơ "nông dân lập trình" là hoàn toàn hiện thực. Tuy nhiên, so với Ấn Độ, Việt Nam thiếu vài thứ nho nhỏ.

Từ những năm 1960 của thế kỷ trước, Ấn Độ đã có 7 viện CNTT (IIIT – Indian Institutes of Information Technology) chuyên đào tạo ra chuyên gia IT nổi tiếng thế giới.

Và nay có tới 20 viện như vậy ở hầu hết các bang của một quốc gia hơn một tỷ dân. Tầm nhìn nhiều thập kỷ của lãnh đạo Ấn Độ đã giúp CNTT nước này có số má toàn cầu.

Ấn Độ từng là thuộc địa của Anh nên tiếng Anh phổ biến trong trường học. Tiếng Anh được dùng trong công sở, họp chính phủ, trên tivi, radio. Học sinh, sinh viên đều thông thạo thứ tiếng "thuộc địa" này và đây chính là chìa khóa cho CNTT phát triển.

Hiện nay rất nhiều công ty Mỹ dùng trợ giúp khách hàng qua điện thoại thông qua các công ty Ấn Độ, nhất là trợ giúp về IT.

Thay vì trả một nhân viên Mỹ trắng 60 ngàn đô/năm chưa kể bảo hiểm và các lợi tức khác lên tới 120 ngàn, 40 giờ một tuần, công ty Mỹ sẽ thuê một người Ấn Độ làm chất lượng tương tự với 10 ngàn đô/năm và giờ làm việc có thể là 24/7 mà không cần bàn làm việc, bảo hiểm.

Tổng thống Trump muốn lôi việc về cho người Mỹ hơi bị khó.

Nếu không có ngoại ngữ, đừng mơ một ngày các cậu bé chăn bò VN biết lập trình! - Ảnh 3.

Người Ấn Độ đang học tiếng Anh kiểu Anh, kiểu Úc, kiểu Mỹ… để khách hàng các nước đó gọi đến không có cảm giác đang nói với người Ấn.

Như vậy, để có những lập trình viên hội nhập, thì quốc gia phải có nền tảng CNTT chắc chắn và trình độ ngoại ngữ không kém ai. Ngoài lập trình còn phải biết trao đổi với đối tác, lập hồ sơ, viết báo cáo… bằng tiếng Anh. Thiếu phần sau sẽ chỉ là anh thợ làng nhàng, thuê ở đâu cũng có.

Với lời hứa với Chủ tịch Đà Nẵng về một thế hệ nông dân lập trình có vẻ dễ thực hiện. Tuy nhiên đi vào thực tế dễ phải dùng mẹo của anh lính Ivan nấu cháo rìu.

Chuyện vui kể Ivan đi lạc, đến nhà nọ hỏi xin ăn nhưng chủ nhà keo kiệt không cho. Buồn quá, Ivan mượn cái nồi, xin tí nước rồi bỏ rìu của mình vào nồi, chụm lửa nấu. Chủ nhà tò mò hỏi, Ivan đáp nấu cháo rìu.

Nước sôi, Ivan nếm nước, gật gù bảo ngon rồi, nhưng nếu thêm chút kê thì ngon hơn. Chủ nhà mang cho vốc kê, khi kê chín Ivan lại nếm, nói có thêm chút thịt sẽ ngon nữa.

Cứ vậy, Ivan có nồi cháo kê nấu với thịt, hành, tiêu, rủ chủ nhà cùng xì xụp húp. No bụng, Ivan lại vác rìu lên đường sau khi được chủ nhà cảm ơn về bát cháo rìu rất ngon.

Muốn cho trẻ trâu biết lập trình theo khóa học của FPT thì cha mẹ nên nhớ câu chuyện anh lính Ivan.

Ngoài giấc mơ tham gia cuộc cách mạng thứ tư thì cần thêm nền tảng CNTT của quốc gia chắc chắn do nhà nước đầu tư và ngoại ngữ của từng cá nhân do gia đình đóng góp. Chưa kể bỏ tiền mua máy tính và các phụ kiện cho các cháu học.

Nếu không, chỉ có rìu và nước sôi, thì bạn đọc biết ai sẽ ăn được loại cháo này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại