Nếu không có Iran ra tay, chính quyền Assad đã thất thủ trước khi Nga kịp nhảy vào giúp?

Hải Võ |

Mùa hè năm 2012, các chỉ huy Quân đội Syria tự do (FSA) chống chính phủ tổng thống Bashar al-Assad tự tin rằng chiến thắng đã trong tầm tay họ.

Một vụ đánh bom tại sâu trong trung tâm thủ đô Damascus đã khiến 4 chỉ huy cấp cao của quân chính phủ Syria thiệt mạng, bao gồm Bộ trưởng quốc phòng Dawoud Rajiha và Thứ trưởng Assef Shawkat - anh rể ông Assad.

Vụ nổ được cho là đòn tấn công từ những người ủng hộ phe đối lập và làm dấy lên kỳ vọng cho lực lượng nổi dậy rằng số phận tổng thống Assad chỉ còn là vấn đề thời gian.

Niềm tin này được củng cố thêm bằng các thành công trên chiến trường, khi các nhóm chiến binh tập hợp thành các lực lượng vũ trang hiệu quả hơn, và các cuộc nổi dậy bùng lên trên khắp lãnh thổ Syria.

Fateh Hassoun, người đào ngũ khỏi quân chính phủ để chỉ huy lực lượng FSA ở Homs vào thời điểm đó, nói với Al Jazeera rằng ông nghĩ các lực lượng trung thành với chính phủ Assad sẽ không thể cầm cự nổi trước làn sóng nổi dậy.

"Tình trạng đào ngũ lan rộng trong các sĩ quan Syria, đặc biệt là các sĩ quan hạng trung như trung úy hay đại tá - bộ phận 'xương sống' của quân đội Syria," Hassoun nhớ lại, thêm rằng quân chính phủ khi đó còn trở nên yếu hơn khi nhà nước bắt đầu thanh lọc hàng ngũ quân đội.

Theo ông Hassoun, quân đội Syria khi đó tập trung ở vùng Tây Bắc đất nước nhằm chống lại "mối đe dọa từ Israel". Các sĩ quan đào tẩu chiến đấu trong phe đối lập nhận thấy và tận dụng khi quân nổi dậy tiến vào các vùng trung tâm đông dân cư của Syria.

Tuy nhiên, những thành công của các nhóm đối lập không lọt khỏi tầm mắt các đồng minh thân cận của chính quyền Assad là Iran và lực lượng Hezbollah người Lebanon. Các bên này đã can thiệp, trực tiếp hoặc gián tiếp, vào cuộc nội chiến Syria và cản đà thắng lợi của phe nổi dậy.

Ông Hassoun cho biết, "sau khi Iran và Hezbollah can thiệp, chính phủ Syria bắt đầu giành lại thế trận trên thực địa, đặc biệt là ở các khu vực trung tâm như Homs và Hama".

"Mặc dù sự hỗ trợ của Iran không giúp chính phủ Assad và đồng minh thắng cuộc chiến, nhưng họ đã bảo vệ thành công thủ đô Damascus bằng cách bao vây và cầm chân quân nổi dậy ở bên ngoài thành phố."

Nếu không có Iran ra tay, chính quyền Assad đã thất thủ trước khi Nga kịp nhảy vào giúp? - Ảnh 1.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad (giữa) trong một lần đến thăm các binh sĩ quân chính phủ Syria tại tiền tuyến phía Đông Damascus (Ảnh: AP Photo/SANA)

Quan chức FSA Bashar al-Zoubi, chỉ huy lực lượng đối lập ở mặt trận phía Nam, khẳng định quân chính phủ chỉ phát huy được 1/4 sức mạnh trong cuộc nội chiến trước khi Iran can thiệp

"Quân chính phủ đã suy yếu và chỉ hoạt động ở mức 20-25% sức mạnh vốn có, cho đến khi người Iran tới và đưa theo lực lượng Hezbollah, dân quân từ Iraq và Afghanistan - các nhóm này đã chiến đấu thay phần lớn quân đội," ông al-Zoubi nói với Al Jazeera.

Zoubi nhận định, nếu Tehran không hỗ trợ chính phủ Syria thì FSA có thể đã lật đổ thành công tổng thống Assad vào năm 2013, thay vì một cuộc xung đột dai dẳng và phức tạp như hiện nay, với sự xuất hiện của các tổ chức khủng bố như IS, hay sự can thiệp của quân đội Mỹ và Nga.

Phải đến cuối tháng 9/2015, Nga mới chính thức can thiệp quân sự vào cuộc xung đột ở Syria, theo đề nghị chính thức từ chính quyền Assad, để hỗ trợ Damascus chống IS.

Các lực lượng do Iran hậu thuẫn

Chính phủ Iran khẳng định không can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột ở Syria. Vì vậy, chính sách của Tehran chủ yếu là triển khai các cố vấn quân sự để hỗ trợ quân chính phủ Syria, cũng như đào tạo và mở đường cho các lực lượng dân quân Hồi giáo dòng Shia tới Syria.

Các phương tiện truyền thông Iran cho biết số lượng chiến binh Shia đến từ Afghanistan lên tới 20.000 người. Họ chiến đấu bên cạnh những lực lượng tình nguyện từ Iran, Iraq, hay Pakistan với mục tiêu bảo vệ ngôi đền thiêng Sayeda Zainab nằm bên trong Damascus - một trong các địa điểm thiêng liêng đối với người Hồi giáo Shia.

"Bước ngoặt của cuộc chiến là vào mùa thu năm 2012, khi Iran cam kết hỗ trợ xây dựng Các lực lượng Phòng vệ Quốc gia Syria (NDF) để yểm trợ quân chính phủ Syria bị suy yếu," giáo sư Scott Lucas từ Đại học Birmingham, Anh, chỉ ra.

Quá trình thiết lập NDF được đặt dưới sự giám sát của chính tướng Qasem Suleimani, tư lệnh đặc nhiệm Quds thuộc Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Với quân số ở giai đoạn đỉnh cao đạt 90.000 người, NDF là lực lượng bán quân sự thân chính phủ Syria được ghi công cho quá trình xoay chiều cuộc chiến.

Iran lý giải sự can thiệp của họ xuất phát từ nỗ lực chống lại các nhóm khủng bố "takfiri", như tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant (ISIL) - sau này được biết đến với tên Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS). Tuy nhiên, phe đối lập Syria chỉ trích các lực lượng được Tehran hậu thuẫn đã giao tranh cả với các nhóm nổi dậy trung thành với FSA.

Nếu không có Iran ra tay, chính quyền Assad đã thất thủ trước khi Nga kịp nhảy vào giúp? - Ảnh 2.

Tướng Iran Qassem Soleimani, người trực tiếp giám sát hoạt động của các lực lượng do Tehran hậu thuẫn tại Syria (Ảnh: AP)

Mục tiêu kinh tế

Theo giáo sư Lucas, việc Tehran gia tăng hỗ trợ các lực lượng dân quân chiến đấu ở Syria, thay vì viện trợ trực tiếp cho quân chính phủ, là do nước này thiếu niềm tin vào giới lãnh đạo quân sự Syria, cũng như Iran có các mục tiêu kinh tế-xã hội của riêng mình.

"Các chỉ huy Iran chưa bao giờ tin - và đến nay vẫn không tin - mức độ hiệu quả của các đơn vị chính quy Syria," học giả người Anh bình luận.

"Iran muốn kiểm soát được bối cảnh chính trị-kinh tế-quân sự. Họ có ảnh hưởng thực tế ở khu vực phía Nam Damascus và sở hữu một số tài sản ở đây, ví dụ như các mỏ phosphate."

Các lực lượng thân Iran cũng nắm quyền kiểm soát khu vực xung quanh đền Sayeda Zainab và đang tiến hành các dự án xây dựng quy mô tại đây.

Ông Lucas đánh giá, tầm ảnh hưởng mở rộng của Iran tại Syria gây ra những lo ngại nhất định cho chính quyền ông Assad, nhưng sự tồn tại của chính phủ Syria phụ thuộc tương đối lớn vào Iran, bên cạnh sự hỗ trợ của Nga, nên những mâu thuẫn hầu như không gây ra đối đầu giữa hai đồng minh.

"Chính phủ Assad sẽ không công khai bày tỏ sự bất an về việc Iran gia tăng sức ảnh hưởng," ông Lucas nói. "

"Ví dụ, nếu nhìn vào chuyến thăm Damascus gần đây của Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran, tướng Mohammad Hossein Bagheri, tất cả thông cáo chung đều nói về mối quan hệ hợp tác giữa chính phủ Iran và Syria để chống lại chủ nghĩa khủng bố takfiri và Israel."

[VIDEO] Một cuộc tập trận của Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại