Nếu không có gì bất ngờ, đây sẽ là cách xác định người lên thay ông Tập Cận Bình sau 2022

Hải Võ |

Dù thông tin được bảo mật kỹ lưỡng, Trung Quốc vẫn phải tuân theo lộ trình cơ bản về bồi dưỡng nhân sự và lựa chọn lớp lãnh đạo kế nhiệm.

Phó chủ tịch Trung Quốc khóa 2018-2023

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa 5 ngày 4/12/1982 thông qua bản hiến pháp thứ 4 của nước CHND Trung Hoa, khôi phục chế độ Chủ tịch và Phó chủ tịch nước. Qua ba lần sửa đổi vào các năm 1988, 1993 và 1999, chế độ này đã được xác lập.

Kể từ khi bước vào giai đoạn ổn định chính trị sau năm 1989, lãnh đạo thế hệ tiếp theo của Trung Quốc trước khi trở thành người đứng đầu đảng và quốc gia đều trải qua một nhiệm kỳ ở vai trò Phó chủ tịch nước.

Thực tế này đã thể hiện ở trường hợp ông Hồ Cẩm Đào và ông Tập Cận Bình. Ông Hồ Cẩm Đào giữ chức Phó chủ tịch nước, Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc giai đoạn 1998-2003, trước khi ông được bầu làm Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2002, và được Quốc hội nước này bầu làm Chủ tịch nước năm 2003.

Tương tự, ông Tập Cận Bình được bầu vào Thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc tại Đại hội đảng khóa 17 tháng 11/2007, sau đó được Quốc hội bầu vào vị trí Phó chủ tịch nước từ tháng 3/2008. Ông giữ chức này trong một nhiệm kỳ trước khi trở thành Tổng bí thư và Chủ tịch Trung Quốc.

Những thời kỳ biến động chính trị lớn trong quá khứ, bao gồm Cách mạng văn hóa (1966-1976) và giai đoạn phục hồi khó khăn sau đó khiến ban lãnh đạo Trung Quốc qua từng khóa ngày càng chú trọng bồi dưỡng và xây dựng thế hệ kế nhiệm theo một lộ trình ổn định, vững vàng.

Nếu không có gì bất ngờ, đây sẽ là cách xác định người lên thay ông Tập Cận Bình sau 2022 - Ảnh 1.

Phó chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (trái) và Thủ tướng Chu Dung Cơ tại Đại hội khóa 16 của ĐCSTQ tháng 11/2002, nơi ông Hồ Cẩm Đào được bầu làm Tổng bí thư ĐCSTQ. Sau đó được Quốc hội Trung Quốc bầu làm Chủ tịch nước vào tháng 3/2003 (Ảnh: Xinhua)

Theo thông lệ từ thời kỳ chuyển tiếp Giang Trạch Dân-Hồ Cẩm Đào, Phó chủ tịch Trung Quốc sẽ kế nhiệm Chủ tịch khóa trước để bảo đảm tính liên tục về bồi dưỡng lớp cán bộ kế cận, đồng nghĩa với việc lãnh đạo này phải được Đại hội đảng bầu làm Tổng bí thư ĐCSTQ, trước khi được Quốc hội thông qua làm Chủ tịch nước.

Nói cách khác, theo lộ trình này, nhân vật kế nhiệm ông Tập phải trở thành 1 Thường ủy Bộ chính trị ở Đại hội khóa 19, diễn ra vào mùa thu năm nay, sau đó được Hội nghị Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa 13 diễn ra vào tháng 3/2018 bầu làm Phó chủ tịch Trung Quốc.

Chế độ Tổng bí thư kiêm nhiệm Chủ tịch nước ở Trung Quốc bắt đầu từ thời ông Giang Trạch Dân. Cùng với quá trình cải cách mở cửa, đẩy mạnh giao lưu với thế giới, tần suất lãnh đạo Trung Quốc công du và đón tiếp khách nước ngoài đã liên tục gia tăng.

Sau khi ông Dương Thượng Côn kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch nước vào tháng 3/1993, Tổng bí thư ĐCSTQ khi đó là ông Giang đã kế nhiệm ông Dương, khởi đầu quá trình chế độ hóa Tổng bí thư kiêm nhiệm Chủ tịch nước, hợp thức hóa việc lãnh đạo trung ương có thân phận nguyên thủ.

Ông Hồ Cẩm Đào và ông Tập Cận Bình đều theo cơ chế này. Chức vụ Chủ tịch nước trao cho lãnh đạo thân phận đại diện quốc gia, tiến hành các hoạt động ngoại giao cấp nhà nước trên trường quốc tế.

Tuổi tác hé lộ cơ chế chọn lãnh đạo kế nhiệm ở Trung Quốc

Dù quan chức chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ sự tồn tại của cái gọi là "quy tắc ngầm 7 lên 8 xuống" đối với các Thường ủy Bộ chính trị Trung Quốc, nước này vẫn phải duy trì tiêu chuẩn lựa chọn lãnh đạo tối cao kế cận có độ tuổi phù hợp, cả về kinh nghiệm chính trị lẫn sức khỏe, để bảo đảm một giai đoạn ổn định về chính sách và phương hướng trong ít nhất 10 năm.

"7 lên 8 xuống" được cho là một quy tắc ngầm áp dụng với các thành viên Thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc, tức cán bộ 67 tuổi có thể được bầu vào vị trí này, nhưng một người 68 tuổi sẽ "không đủ tiêu chuẩn".

Ông Hồ Cẩm Đào được bầu làm Tổng bí thư ở Đại hội đảng khóa 16 tháng 11/2002, khoảng 1 tháng trước khi ông tròn 60 tuổi. Còn khi ông Tập Cận Bình được bầu làm Tổng bí thư ở Đại hội 18 tháng 11/2012, ông 59 tuổi 5 tháng.

Với tiêu chuẩn này, ĐCSTQ có nhiều khả năng đang tiến hành bồi dưỡng các quan chức sinh từ thập niên 1960, với kỳ vọng họ đạt độ "chín" khi ông Tập lui về ở Đại hội khóa 20 của ĐCSTQ, dự kiến tổ chức vào năm 2022 nếu không có thay đổi lớn.

Hiện nay, trong 25 Ủy viên Bộ chính trị khóa 18 của Trung Quốc chỉ có hai người đáp ứng tiêu chuẩn này, gồm Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông Hồ Xuân Hoa (sinh tháng 4/1963) và Bí thư thành ủy Trùng Khánh Tôn Chính Tài (sinh tháng 9/1963).

Ông Tôn có quá trình công tác khá đơn giản. Phần lớn sự nghiệp của ông phát triển ở Bắc Kinh cho tới khi vào Thường vụ thành ủy, tiếp đó điều lên làm Bộ trưởng nông nghiệp trong 3 năm trước khi tới tỉnh Cát Lâm làm Bí thư tỉnh ủy cũng trong 3 năm, cuối cùng giữ chức ở Trùng Khánh từ năm 2012.

Nếu không có gì bất ngờ, đây sẽ là cách xác định người lên thay ông Tập Cận Bình sau 2022 - Ảnh 3.

Ông Tập Cận Bình (trái) được bầu làm Phó chủ tịch Trung Quốc tại Hội nghị lần thứ nhất của Quốc hội Trung Quốc khóa 11, họp tháng 3/2008. Người tiền nhiệm Tăng Khánh Hồng bắt tay chúc mừng ông (Ảnh: Xinhua)

Trong khi đó, ông Hồ Xuân Hoa trải qua sự nghiệp khá giống với cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào. Cả hai ông đều từng trải qua các chức vụ Bí thư đảng ủy Khu tự trị Tây Tạng và Bí thư thứ nhất Ban bí thư trung ương đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc.

Hiện là lãnh đạo Quảng Đông, tỉnh đóng góp rất lớn cho tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc, ông Hồ Xuân Hoa có nhiều cơ hội để tạo ra thành tích nhằm tiến bước tại Đại hội khóa 19.

Bên cạnh đó, Bộ chính trị Trung Quốc khóa 19 chắc chắn sẽ có sự biến đổi lớn về nhân sự, bởi nhiều nhân vật thế hệ 1940, 1950 sẽ về hưu. Nhiều khả năng có thêm các quan chức "6x" được kỳ vọng lọt vào trung tâm quyền lực Trung Quốc.

Bản thân ông Tập Cận Bình cũng là trường hợp "tiến bộ bất ngờ". Sau khi Bí thư thành ủy Thượng Hải Trần Lương Vũ bị điều tra vì tham nhũng, ông Tập khi ấy là Bí thư Chiết Giang nhanh chóng được bổ nhiệm thay thế vào tháng 3/2007.

Dù chỉ giữ chức ở Thượng Hải vài tháng trước Đại hội đảng khóa 17, nhưng là Bí thư một thành phố trực thuộc trung ương, ông đã đủ điều kiện để được bầu vào Bộ chính trị lần đầu tiên, và lập tức tiến vào nhóm 9 Thường ủy, sau đó trở thành Phó chủ tịch nước.

Từ năm 2008, hoạt động tuyên truyền cho ông Tập bắt đầu được Bắc Kinh đẩy mạnh. Ông tham gia nhiều hoạt động cả trong nước và quốc tế hơn trong vai trò Phó chủ tịch nước.

Diễn biến bất ngờ

Tình huống bất ngờ diễn ra vào ngày 15/7/2017, khi trung ương ĐCSTQ thông báo ông Tôn Chính Tài thôi giữ chức Bí thư Trùng Khánh, thay vào đó là ông Trần Mẫn Nhĩ được điều sang từ tỉnh Quý Châu.

Nếu không có gì bất ngờ, đây sẽ là cách xác định người lên thay ông Tập Cận Bình sau 2022 - Ảnh 4.

Ông Trần Mẫn Nhĩ từng công tác dưới quyền ông Tập Cận Bình 4 năm 4 tháng, trong thời gian ông Tập giữ chức Bí thư tỉnh ủy Chiết Giang (2002-2007) (Ảnh: Xinhua)

Ông Trần sinh tháng 9/1960, đến nay vẫn chưa tiến vào Ủy ban trung ương ĐCSTQ. Nhưng nếu tiếp tục chức Bí thư Trùng Khánh - thành phố trực thuộc trung ương, ông sẽ có một "ghế" trong Bộ chính trị Trung Quốc ở Đại hội khóa 19 trong vài tháng nữa. 

Trường hợp này được cho là tương tự với tình huống khi ông Tập Cận Bình trở thành Bí thư Thượng Hải, trước khi tiến vào Bộ chính trị.

Một dấu hiệu nữa để xác định Phó chủ tịch Trung Quốc khóa 2018-2023 có trở thành người kế nhiệm ông Tập hay không, là quan sát chức vụ "đính kèm" mà lãnh đạo này được đảng phân công. 

Cả ông Tập Cận Bình và ông Hồ Cẩm Đào đều giữ thêm chức Hiệu trưởng Trường đảng trung ương Trung Quốc, bên cạnh vai trò Bí thư Ban bí thư trung ương đảng, Thường ủy Bộ chính trị.

Nếu Trung Quốc duy trì một nền chính trị phát triển ổn định và ít biến đổi, các tiền lệ của ông Tập Cận Bình và Hồ Cẩm Đào có thể là tiêu chuẩn phù hợp nhất vào thời điểm này để dự đoán lãnh đạo thế hệ thứ 6 của Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại