Lũ lụt ngấm vào nền móng thì nguy hại hơn nhiều
Nêu ý kiến tại phiên thảo luận vào chiều 6/11 về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật; phòng chống tham nhũng..., đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) đã nêu về tình trạng cả họ làm quan xã.
Theo bà Dung, thời gian gần đây, các phương tiện thông tin liên tục thông tin về tình trạng nhiều dòng họ làm quan đúng quy trình vào các vị trí, chức vụ.
"Nhiều người nhà cùng làm quan thì liệu trong công việc có công tâm khách quan không. Ai là người kiểm tra đánh giá năng lực, hiệu quả công việc của những người này.
Điều đáng nói là, nếu dòng họ đó không có người có vị trí có trọng trách tại đó thì những người kia có được bổ nhiệm vào những vị trí đó không? Để rồi trong một xã có đến ½ biên chế là anh em, con cháu trong dòng họ", bà Dung nêu.
Nữ đại biểu chỉ rõ, cấp xã do địa bàn hẹp, tính chất công việc, trách nhiệm có đặc điểm rất riêng nhưng đất đai được đầu tư làm việc lớn còn thủ tục khai sinh, kết hôn… giao dịch công không có lý do gì vòi vĩnh.
Trong xã quen biết nhau cả, lâu dần thành lệ những chuyện nhỏ người này hỏi người kia, lên xã gặp ai, ở đâu, bao nhiêu và nhiều lần thành tham nhũng vặt.
"Còn khi có chương trình dự án đầu tư cho xã thì "trâu, bò, dê, gà đi lạc vào nhà lãnh đạo", hộ nghèo được hỗ trợ tiền làm nhà thì thành kín cổng cao tường, ra khoá vào mở.
Hay dịp lễ, Tết hoặc trong xã có thiên tai bão lũ nhân dân bị thiệt hại, được cả nước, nhân dân cả nước cứu trợ qua cơn hoạn nạn thì danh sách hàng đầu lại là vợ con, dòng họ của cán bộ công chức rồi mới đến người dân", bà Dung chỉ rõ.
Đồng thời, theo bà Dung, nhận diện rõ cả họ làm quan chính là hành vi tham nhũng và tham nhũng vặt cũng là hành vi tham nhũng với hệ lụy khó lường.
"Nếu để kéo dài tình trạng cả họ làm quan thì tiếp tục phát sinh tình trạng Tổ đảng nhà ta, Chi bộ nhà ta và kéo theo phân công, chia chác quyền lực, đồng thời, không tránh khỏi tình tạng vi phạm nguyên tắc tập trung, dân chủ gây mất đoàn kết nội bộ, bè phái cục bộ…
Tham nhũng vặt tuy nhỏ nhưng dễ làm hư hỏng nền công vụ ngay từ cơ sở, làm cải cách hành chính trì trệ tắc nghẽn ngay cấp xã, người dân không mấy tin tưởng lãnh đạo.
Quan điểm nhà dột từ nóc là nguy hiểm, thì lũ lụt ngấm vào nền móng thì nguy hại hơn nhiều. Nền móng mà lún sụt thì không nhà cửa nào giữ nổi", bà Dung nêu thêm.
Thế hệ tham nhũng thứ hai
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Mai Bộ cho hay, cử tri mong muốn được chuyển đến Quốc hội câu hỏi là có hay không có tham nhũng trong công tác bổ nhiệm cán bộ, công chức, bởi lẽ nếu có thì báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng chưa đầy đủ.
ĐB Nguyễn Mai Bộ. Ảnh: Quochoi.vn.
Còn nếu không thì tại sao việc bổ nhiệm cán bộ công chức đúng quy trình mà người tài có đức không được bổ nhiệm, một bộ phận cán bộ có đạo đức kém hơn, năng lực hạn chế hơn lại được bổ nhiệm.
Tai hại hơn, khi được bổ nhiệm, lại được tổ chức cho họ quyền lớn là quyền hành dân, hành doanh nghiệp.
Cá nhân ông cho rằng, tham nhũng trong bổ nhiệm cán bộ là có là vì theo tâm lý "không có lửa thì không có khói", cho nên dân gian mới kết luận "nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ hẳn là đúng".
Ngoài nguyên nhân "hậu duệ, quan hệ, tiền tệ", theo ông Bộ, quy định của pháp luật cán bộ công chức thiếu chặt chẽ nên dẫn đến tham nhũng. Do đó, cần phải chống tham nhũng trong công tác cán bộ.
"Bên cạnh việc tạo ra cán bộ yếu kém thì hệ lụy nguy hiểm hơn là sẽ tạo ra thế hệ tham nhũng thứ 2 xuất hiện. Bởi vì, khi họ đã bỏ tiền chạy chức, chạy quyền thì nếu được giao quyền sẽ tính bài thu lại và không cách nào thu lại khác là tham nhũng tiếp theo", ông Bộ nhấn mạnh.