Kịch bản tốt nhất: Việt Nam năm 2035 đuổi kịp Hàn Quốc năm 2000
Theo các kịch bản mà nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch Đầu tư đưa ra trong Báo cáo 2035, Việt Nam có thể đạt thu nhập bình quân đầu người khoảng 15.000 USD (tính theo sức mua tương đương bằng USD năm 2011) nếu kinh tế duy trì mức tăng trưởng 5%/năm.
Trong các kịch bản tốt nhất, Việt Nam của năm 2035 mới đuổi kịp Malaysia của năm 2010 hoặc 2013.
Trong 1 kịch bản khác được nhiều chuyên gia đồng thuận hơn, GDP đầu người có thể đạt 18.000 USD khi tăng trưởng duy trì 6%/năm liên tục trong 20 năm tới.
Điều đó có nghĩa là đến năm 2035, sự thịnh vượng của kinh tế Việt Nam sẽ tương đương với mức của Malaysia năm 2010.
Kịch bản tốt nhất là tăng trưởng kinh tế trong 2 thập kỷ tới duy trì ở mức 7%/năm, thì GDP đầu người của Việt Nam sẽ đạt 22.200 USD, tương đương Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan vào năm 2000 hoặc của chính Malaysia vào năm 2013, nhưng đuổi kịp Indonesia và Philippines.
Công nghiệp, dịch vụ chiếm 90% cơ cấu kinh tế
Nếu tiếp tục thực hiện các tiêu chí của kế hoạch công nghiệp hóa, hiện đại hóa, năm 2035, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ của Việt Nam trong cơ cấu kinh tế chiếm 90%.
Đây cũng là nhóm ngành tạo ra phần lớn việc làm cho người lao động Việt Nam, chiếm khoảng 70%.
Kinh tế tư nhân, khi đó, cũng đóng góp tới 80% GDP.
Trên 50% dân số thuộc tầng lớp trung lưu
Số lượng người dân sống tại khu vực đô thị sẽ đạt trên 50%, tức là thêm 25 triệu cư dân sẽ được chuyển lên sống tại thành phố, thị xã. Chỉ số phát triển con người được kỳ vọng đạt trên 0,7.
Vào năm 2035, xã hội Việt Nam sẽ có hơn 50% dân số thuộc tầng lớp trung lưu (tăng từ mức 10% hiện nay) và có thể tiêu dùng khoảng 15 USD mỗi ngày (theo sức mua tương đương năm 2011).
Mức tiêu dùng của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam, theo đó, tăng hơn, nhưng vẫn ở mức rất thấp so với trung bình thế giới (trung bình từ 10 đến 100 USD/ngày).
Chính sách xã hội khi đó thay vì hỗ trợ thoát nghèo, sẽ phải chuyển trọng tâm sang việc giúp người trung lưu giàu hơn, tránh bẫy thu nhập trung bình.
1/5 dân số là người già và phần lớn không có lương hưu khi đến 80 tuổi
Tốc độ tăng trưởng lao động của Việt Nam trong 20 năm tới sẽ chậm lại, khiến tỷ lệ người già - phụ thuộc sẽ tăng từ 9,6% lên 21,8% trong năm 2035.
Phần lớn người dân Việt Nam không có lương hưu khi đến 80 tuổi, do đó, mức trích GDP để bảo đảm cuộc sống cũng như chi phí y tế cho nhóm dân số già nhất sẽ lên tới 8%.
Chi phí y tế trung bình trong năm 2035 dự kiến là 6% GDP, trong đó phần đóng góp của Chính phủ sẽ tăng từ 2,5% GDP lên 3,5%, còn phần đóng góp của cư dân sẽ giảm từ 3% xuống còn 1,75%.
Khoảng cách thu nhập của Việt Nam với các quốc gia cùng khu vực và thế giới ngày càng rộng
Trước đó, trong báo cáo của Viện Kinh tế Việt Nam (CIEM), mức độ thịnh vượng của Việt Nam năm 2035 có thể chỉ tương đương với một nửa của Nhật Bản, và bằng 1/3 so với Singapore.
Thực tế cho thấy, dù đặt mục tiêu lớn, nhưng khoảng cách thu nhập của Việt Nam với các quốc gia cùng khu vực và thế giới đã giãn ra khá nhiều.
Nếu vào năm 1990, khoảng cách thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam so với trung bình thế giới khoảng 4.000 USD, thì tới năm năm 2015, khoảng cách đã tăng gấp đôi, là 8.000 USD.
Báo cáo trước đó của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra rằng, nếu tính theo sức mua tương đương, người Việt hiện chỉ còn giàu hơn Campuchia, và có thu nhập tương đương với Lào (khoảng 5.600 USD).
Mức này bằng một nửa Trung Quốc, 1/3 Thái Lan, 1/8 so với Mỹ, và bằng 1/16 so với Singapore.