Trong suốt hơn 2 thế kỷ, vương triều Achaemenid (690 TCN – 328 TCN) của Ba Tư (còn gọi là Đế chế Ba Tư thứ nhất) thống trị hoàn toàn thế giới Địa Trung Hải.
Là một trong những siêu cường thực sự đầu tiên trong lịch sử, Đế chế Ba Tư trải dài từ biên giới Ấn Độ xuống Ai Cập đến biên giới phía bắc của Hy Lạp.
Nếu như Cyrus Đại đế (600 TCN-530 TCN) là vị hoàng đế khai quốc của Đế chế Ba Tư (sau khi chinh phạt Đế quốc Tân Babylon thành công) thì Hoàng đế Darius III (380 TCN-330 TCN) lại là vị vua cuối cùng của Đế chế Ba Tư.
Sự cai trị của Ba Tư với tư cách là một đế chế thống trị cuối cùng đã bị chấm dứt bởi một chiến lược gia vĩ đại kiêm nhà quân sự tài giỏi bậc nhất trong lịch sử thế giới: Alexander Đại đế của Vương quốc Macedonia (một quốc gia của người Hy Lạp cổ đại).
Alexander Đại đế - con trai của Hoàng đế Philip II xứ Macedonia. Ảnh minh họa: Internet
Alexander Đại đế (Alexander III) sinh năm 356 TCN tại Vương quốc Macedonia. Được triết gia người Hy Lạp Aristotle (384 TCN-322 TCN) dạy dỗ từ khi còn nhỏ và được huấn luyện thực tế trong các trận chiến của cha mình, Hoàng đế Philip II của Macedonia, Alexander Đại đế nhanh chóng được tôi luyện để trở thành vị hoàng đế vị đại bậc nhất trong lịch sử cổ đại.
Thất bại không thể chối cãi của Hoàng đế Darius III nhà Ba Tư trước Alexander Đại đế trong trận Gaugamela (còn gọi là trận Arbela) diễn ra vào ngày 1/10/331 TCN là trận đánh lớn nhất trong cuộc chiến chinh phục đế quốc Ba Tư của Alexander Đại đế. Đồng thời, trận chiến cũng là cuộc đọ sức nảy lửa cuối cùng, quyết định sự sụp đổ của Đế chế Ba Tư dưới triều đại Achaemenid.
Để có được chiến thắng hiển hách trong lịch sử cổ đại, giúp tiếng tăm của Alexander Đại đế vang xa khắp nơi, thì những yếu tố gì đã giúp vị của Macedonia đánh bại Ba Tư hoàn toàn? History Channel sẽ phân tích trong bài viết dưới đây.
Hoàng đế Philip II của Vương quốc Macedonia (382 TCN-336 TCN), vua cha của Alexander III, nổi tiếng là nhà cầm binh kiệt xuất trong lịch sử quân sự phương Tây. Chính ông là người có công gây dựng đội quân Macedonia thành một trong những "cỗ máy chiến đấu" đáng sợ nhất trong thế giới cổ đại.
Di sản vĩ đại mà vị danh tướng xuất sắc bậc nhất phương Tây để lại cho con trai mình chính là đội hình phương trận Macedonia (Macedonian Phalanx).
Phương trận là một đội hình gồm những chiến binh thiện chiến, được trang bị áo giáp cùng các loại vũ khí hạng nặng như giáo, kích. Họ đứng khăng khít với nhau trong hàng ngũ, tạo thành khối quân lính vũ trang hình chữ nhật.
Đặc điểm đáng sợ của phương trận Macedonia là tạo thành bức tường khiên vững chắc, di chuyển về phía kẻ thù với hàng giáo nhọn hoắt chĩa đồng loạt về phía trước.
Phương trận Macedonia tựa như khối thành trì vững chắc, có thể chọc thủng sức mạnh trung tâm địch. Ảnh minh họa: Internet
Để có được đội quân thiện chiến, sử dụng thành thục phương trận Macedonia, chính tay Hoàng đế Philip II đào tạo lực lượng chiến đấu tinh nhuệ, không chỉ bộ binh mà còn cả kỵ binh, cung thủ.
Các khóa huấn luyện quân sự sẽ kéo dài 11 năm. Từ việc thu nạp các ứng viên nam tiềm năng năm 7 tuổi, họ sẽ được đào tạo bài bản trong quân ngũ đến năm 18 tuổi. Sau khi tốt nghiệp, những chiến binh xuất sắc nhất sẽ được kết nạp vào Lực lượng Kỵ binh đồng hành hoàng gia (phi đội riêng của nhà vua) và Lực lượng Hypaspists hoàng gia (một đơn vị bộ bình gồm 500 người ưu tú, bao quanh nhà vua trong các trận chiến).
Không chỉ đào tạo về người, Hoàng đế Philip II còn chú trọng vào việc nâng cấp vũ khí chiến đấu. Ông cho thay thế toàn bộ các ngọn giáo ngắn, chất liệu gỗ từ thời xưa, bằng những ngọn Sarissa (mâu) dài 7m, mũi sắt, có khả năng đâm thủng áo giáp hạng nặng và kỵ binh.
Tài cầm quân cộng khả năng sáng tạo quân sự và thiết quân luật bậc thầy của Hoàng đế Philip II đã đưa tên tuổi của ông trở thành vị tổng tư lệnh kiệt xuất của lực lượng Macedonia.
Tất cả tài năng của ông được sớm truyền lại cho con trai, Alexander III của Vương quốc Macedonia và kỳ diệu thay, người kế tục ngai vàng của Philip II đã không làm ông thất vọng. Ngay khi lên ngôi, Alexander III công khai tuyên bố sẽ hoàn thành ước nguyện chinh phục Ba Tư hoàn toàn dưới tay mình. Và Alexander III đã làm được!
Dưới triều đại của Darius III, nhà Achaemenid suy yếu rõ rệt không phải bởi Darius III là một vị quân vương kém cỏi. Sử gia nhận định, nhà Achaemenid chịu thất bại trước các cuộc tấn công của Alexander Đại đế một phần đến từ sự suy tàn bên trong của đế chế này.
Vào thế kỷ thứ 4 TCN, Ba Tư đã ngừng mở rộng bờ cõi. Thời đó, đế quốc này suy yếu vì lâm vào cuộc nội chiến và những cuộc đấu đá khác nhau từ quân nổi loạn. Hoàng đế Darius III cùng lúc đối mặt với thù trong-giặc ngoài, ông vừa chỉ huy đội quân tinh nhuệ để đánh lại Alexander III, vừa phải giành lại quyền hành cai trị đế quốc từ tay kẻ cai trị thực thụ của Ba Tư (trong thời gian 338 TCN- 336 TCN) - Quan tể tướng Bagoas.
Sau khi ám sát Artaxerxes III (hoàng đế thứ 11 của Ba Tư), tể tướng Bagoas đưa Codomannus (họ hàng xa với hoàng gia, khi đó 45 tuổi) lên làm vua bù nhìn. Codomannus lấy hiệu là Darius III.
Nhận thấy âm mưu ám sát mình từ tể tướng Bagoas (vì Bagoas sớm nhận ra Darius III không còn là "bù nhìn" của hắn nữa), Darius III một mặt đối phó với viên quan lão luyện, một mặt điều tra nguyên nhân khiến phiến quân nổi loạn, và nhanh chóng nhận ra rằng mình đang đứng trên một đế quốc bất ổn.
Tháng 3/333 TCN, vua xứ Macedonia Alexander Đại đế cầm binh thực hiện trận đánh đầu tiên trực tiếp chống lại Darius III và Quân đội Hoàng gia Ba Tư gần thành phố duyên hải Issus.
Trận Issus chứng kiến cuộc đối đầu trực tiếp đầu tiên giữa Alexander Đại đế và Hoàng đế Ba Tư Darius II. Ảnh: PHAS/Universal Images Group/Getty Images
Darius III khi đó lên làm tổng tư lệnh, trực tiếp nắm quyền chỉ huy quân đội, chống lại Alexander Đại đế. Chiến lược của Darius III là tổ chức hành quân vòng qua lưng quân Macedonia hòng cắt đứt đường tiếp tế của Alexander Đại đế từ phía sau và buộc quân đội Macedonia phải quay lại và đối mặt.
Tuy nhiên, Alexander khi đó đích thân chỉ huy đội kỵ binh tinh nhuệ Macedonia tại Issus, dốc hết tốc lực đánh nhanh-thắng nhanh, cuối cùng đập tan quân của vua Ba Tư tại Issus.
Darius III chóng váng và nhanh chóng lên ngựa tháo chạy không quên hẹn tái đấu trong 2 năm nữa. Sau khi chinh phạt Ai Cập, Alexander Đại đế quay lại Ba Tư, giữ lời hẹn đấu.
Hoàng đế Ba Tư và các tướng đã chọn địa điểm chiến đấu gần thị trấn Gaugamela. Đó là thung lũng rộng, bằng phẳng, cho phép đội quân Ba Tư gồm 250.000 người đối đầu với 50.000 quân của Alexander Đại đế.
Lịch sử gọi đó là trận Gaugamela.
Sử gia nhận định, trận Gaugamela tiêu biểu cho tài nghệ dụng binh cùng sức mạnh "bách chiến bách thắng" của đạo quân thiện chiến do Alexander Đại đế dẫn đầu.
Dù không có lợi thế số đông, nhưng Alexander Đại đế biết dùng đầu óc để thực hiện cú đánh vĩ đại nhất trong cuộc chinh phạt Ba Tư cuối cùng của mình.
Địa điểm hai quân giao chiến là một thung lũng rộng lớn nhưng Alexander Đại đế vẫn mang theo quân tiếp tế, nấp ở những ngọn đồi phía xa.
Đêm hôm trước khi giao chiến, người Ba Tư lo sợ sẽ bị vua xứ Macedonia đánh úp nên luôn trong tư thế sẵn sàng giao chiến với một cuộc tấn công ban đêm không bao giờ đến từ Alexander Đại đế.
Rạng sáng, quân của Darius III ra chiến trường nghênh chiến. Tận dụng lợi thế số đông, Darius III triển khai đoàn kỵ binh bọc sườn quân Macedonia từ hai phía. Để giảm thương vong từ "cặp kìm" của kẻ thù, Alexander cho quân di chuyển theo đội hình nghiêng, tập trung toàn lực đánh vào cánh phải của quân Ba Tư. Đúng như tiên liệu của Alexander, đội bộ binh với phương trận Phalanx thiện chiến cùng đội kỵ binh tinh nhuệ của vị vua xứ Macedonia nhanh chóng đẩy lùi cánh phải của kẻ thù.
Thừa thắng xông lên, Alexander cùng đội kỵ binh hoàng gia lao thẳng vào trung tâm hàng phòng thủ của quân Ba Tư. Giữa vòng vây kẻ thù, các trung đoàn sarissa giàu kinh nghiệm của Macedonia đã chọc thủng sức mạnh trung tâm của Ba Tư.
Sử sách nói rằng, đích thân Alexander Đại đế giết chết người lái xe ngựa của Hoàng đế Darius III rồi gần như bắt sống được ông ta trước khi vị vua Ba Tư trốn thoát thành công một lần nữa trên lưng ngựa.
Thừa hưởng di sản phương trận Macedonia của vua cha, Alexander Đại đế đã hoàn thành ước nguyện dang dở của Hoàng đế Philip II. Ảnh: Internet
Quân đội Ba Tư không hoàn toàn bại trận trong trận đánh Gaugamela. Cánh trái của quân đội Macedonia đã bị đẩy lui. Tuy nhiên, sau khi biết nhà vua rút chạy, như rắn mất đầu, đội quân này cũng không thể kháng cự lâu mà nhanh chóng tháo chạy theo vua.
Kỵ binh của Alexander Đại đế tiếp tục truy quét tàn quân và nhà vua Ba Tư. Hoàng đế Darius III cuối cùng bị giết bởi chính người anh em họ của mình. Kinh hoàng trước hành động phản quốc, Alexander thẳng tay trừng trị người đã giết Darius III và tuyên bố chiếm được Ba Tư hoàn toàn về tay mình.
Triều đại của Alexander Đại đế chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Sau khi khuất phục toàn bộ Đế quốc Ba Tư, quân đội của ông đã hành quân về phía tây và đến tận Ấn Độ trước khi trở về quê nhà ở Paraon. Nhưng dự định đó đã không bao giờ thành hiện thực.
Ở độ tuổi 32, Alexander Đại đế đã chết trong cung điện của vua Nebuchadnezzar II ở Babylon vì một căn bệnh bất ngờ và bí ẩn. Cái chết của Alexander Đại đế vì thế vẫn còn nhiều câu hỏi chưa lời giải đáp đối với các sử gia hiện đại.
Đánh bại Darius III trong trận Gaugamela đã giúp Alexander Đại đế - con trai của Hoàng đế Philip II - hoàn thành ước mơ chinh phục Ba Tư của vua cha (người đã bị giết hại trong một vụ ám sát khi ông khẩn trương chuẩn bị cho cuộc viễn chinh để chinh phạt Ba Tư).
Sử gia nhận định, trong sự nghiệp cầm binh của Alexander Đại đế, trận Gaugamela năm 331 TCN là chiến thắng nổi bật nhất và tiêu biểu nhất cho nghệ thuật dụng binh kiệt xuất của vị vua xứ Macedonia. Alexander Đại đế thực sự nhạy bén trong nghệ thuật tận dụng thời cơ, biến thách thức thành cơ hội, trên hết là biết tập trung tổng lực để tấn công mũi nhọn vào kẻ thù.
Trận Gaugamela được xếp là 1 trong 15 trận đánh có ý nghĩa quan trọng nhất trong lịch sử.
Chuyển dịch nguồn: History Channel
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.