Khi Apple ra mắt Face ID và khi Craig Federighi trình diễn khả năng "áp" hiệu ứng vào khuôn mặt trong sự kiện iPhone ngày hôm qua, tôi đã dự đoán trước được một điều nho nhỏ: sẽ không mấy ai coi trọng các tính năng này.
Lý do rất đơn giản: xác thực bằng khuôn mặt không phải là công nghệ mới, hiệu ứng lên mặt thì chắc ai cũng đã từng nghịch app một lần rồi.
Nhưng điều đó không có nghĩa là thành tựu của Apple không đáng khâm phục. Tôi xin mạn phép nói rằng, có lẽ chúng ta phải biết nhiều hơn về công nghệ để thấy vì sao không nên đưa ra những gợi ý gọn lỏn dạng như "Cái này là copy của Samsung, của LG, của ....".
Vẫn là một cử chỉ như Galaxy S8 hay những chiếc điện thoại "nhận diện khuôn mặt"/"nhận diện mắt" khác...
Đầu tiên, Apple chính xác không phải là công ty đầu tiên đưa ra tính năng nhận diện khuôn mặt.
Song, tại thời điểm Face ID được công bố vào ngày hôm qua, chưa có một gã khổng lồ công nghệ nào có thể đạt đến độ chính xác cao như Apple cả: khả năng Face ID nhận diện sai người này sang người khác chỉ là 1/1.000.000, tức là chính xác hơn cả vân tay (Touch ID có xác suất sai là 1/50.000).
Chưa một công ty nào đạt đến mức độ chính xác cao như vậy cả.
Bản chất của Face ID là một máy quét 3D chứ không phải là máy ảnh thông thường. Để đạt đến con số 1/10^6, các kỹ sư của Apple đã thực sự phải "đào tạo" thuật toán AI của họ - ngay đến cả mặt nạ tầm cỡ Hollywood cũng không qua mắt được Face ID. Tốc độ xử lý của Face ID không đến 1 giây.
Tất cả được thực hiện trên phần cứng di động của Táo.
Nhưng hãy hỏi bất cứ ai hiểu rõ về deep learning xem gã khổng lồ công nghệ nào có thể đạt được con số này.
Hãy nhìn lại tất cả các ứng dụng hiệu ứng xem có ứng dụng nào "áp" được effect sát vào bề mặt như vậy.
Những người từng làm máy học nói chung và nhận diện hình ảnh nói riêng hiểu rằng để đạt đến thành tựu của Táo không phải là chuyện dễ dàng.
Công ty KGI Securities thậm chí còn đưa ra nhận định rằng Qualcomm thua Apple đến 2 năm. Tức là, máy Android chạy chip Qualcomm sẽ không dễ gì bắt kịp Face ID trong năm sau.
Ngay cả màn trình diễn trên sân khấu của chủ tịch phần mềm Craig Federighi cũng là một thành tựu đáng kinh ngạc. Áp hiệu ứng vào khuôn mặt không phải là chuyện mới, nhưng để áp hiệu ứng một cách chính xác như vậy thì chưa có công ty nào làm được.
Các hiệu ứng Snapchat hay Facebook chủ yếu là áp một hình mẫu cỡ lớn vào khuôn mặt. Face ID của Apple có thể áp lớp "sơn ảo" lên đúng lớp mặt của Craig Federighi.
Cử động mồm được nhận diện chính xác đến kỳ lạ... Rõ ràng là Apple đã đưa iPhone đến gần các công nghệ cảm biến gắn đầy mặt của Hollywood.
Cùng là giơ điện thoại lên trước mặt để xác thực, Samsung đã bị hack bằng máy ảnh du lịch, hồ dán và... máy in Samsung.
Một lần nữa, tôi dám khẳng định với bạn rằng các chuyên gia AI từng làm nhận diện hình ảnh chắc chắn sẽ không đánh giá thấp năng lực của Apple. Nhất là khi năng lực đó lại được thực hiện trên phần cứng của một chiếc điện thoại.
Còn Samsung thì có công nghệ quét mắt có thể qua mặt bằng những vật dụng thông thường.
Cái cách Apple dùng công nghệ (và trí tuệ thật/ảo) để áp vào những trường hợp đơn giản đến ngớ ngẩn không phải là mới. Vài năm trước, Touch ID ra mắt và tôi cũng nhớ các antifan đã nói là Apple ăn theo các nhà sản xuất laptop.
Ngay bây giờ, tôi đang ngồi viết trên một chiếc Lenovo ThinkPad của "vài năm trước". Để quét được vân tay trên chiếc ThinkPad này, tôi phải quét một chiều tới vài lần.
Với Touch ID, quét khi đang cầm ngang, cầm dọc máy không phải là vấn đề. Miễn là tay tôi không quá ướt, Touch ID thường xuyên hoạt động chính xác.
Và dĩ nhiên là ngăn không cho 2 đứa cháu nhỏ có thể tùy tiện mở máy của tôi.
Tất cả các công nghệ của Apple đều mang một bản chất: Đột phá và phức tạp ở dưới nền cho người dùng sử dụng được dễ dàng.
Một ví dụ tương tự: không gì khác ngoài màn hình cảm ứng của iPhone. Chẳng có một ai ngớ ngẩn đến mức không biết rằng iPhone không phải là chiếc smartphone đầu tiên, không phải là chiếc điện thoại cảm ứng đầu tiên – thậm chí, không phải là chiếc điện thoại cảm ứng điện dung đầu tiên (vinh dự đó thuộc về LG).
Nhưng để tạo ra iPhone, Steve Jobs cùng bộ sậu của mình đã phải dành hàng năm trời nghiên cứu công nghệ điện dung vốn hoàn toàn xa lạ với một công ty chuyên sản xuất Mac và iPod.
Tiếp đến, Apple còn phải nhét "cấu hình Mac" (theo lời CEO BlackBerry, Mike Lazaridis) vào bên trong chiếc iPhone mỏng nhẹ để có thể chạy được phần mềm tối ưu cho cảm ứng vốn được tinh chỉnh từ macOS.
Ngay cả khâu này cũng không đơn giản: iPhone OS là hệ điều hành đầu tiên có giao diện tối ưu cho cảm ứng bằng ngón tay. Từ Mac OS X, Apple đã tạo ra một nền tảng khác biệt hoàn toàn nhưng vẫn đủ nhẹ để chạy trên ARM.
Còn LG, dù ra mắt công nghệ cảm ứng điện dung đầu tiên, lại chọn cách đi theo Windows Mobile tới tận... 2001. Khi LG thực sự ra mắt được sản phẩm Android chất lượng đầu tiên là Optimus G, ai cũng có thể nhận thấy rằng Optimus G giống với iPhone nhiều hơn là giống với LG Prada.
Face ID đã nối tiếp một nỗi "oan" từ 10 năm trước: những người không hiểu biết sâu về công nghệ luôn có thể đánh giá kém những đột phá của Táo.
Sự không công bằng với Apple là vậy. Bất cứ một ai hiểu rõ về công nghệ đều phải trầm trồ thán phục trước năng lực hi-tech của Táo. Nhưng Apple lại thường ít khi đi tiên phong, thay vào đó chấp nhận đi sau chỉ để đảm bảo có thể ra mắt trải nghiệm người dùng "chấp nhận được" khi ra mắt công nghệ mới.
Nhờ các công nghệ siêu việt, mức "chấp nhận được" của Táo cao gấp hàng nghìn lần so với các đối thủ cạnh tranh – song, chỉ bởi đến muộn, người ta sẽ vội vàng gán Apple vào những phép so sánh phiến diện chỉ để chứng minh hàng của Táo thật sự kém cỏi.