Nepal lên tiếng về thông tin Trung Quốc chiếm đất ở 7 huyện biên giới

Phạm Nghĩa |

Nepal đã bác bỏ thông tin Trung Quốc chiếm lãnh thổ nước này với sự cho qua của chính quyền Thủ tướng K P Sharma Oli.

Hãng tin ANI của Ấn Độ vào tháng 6 dẫn "báo cáo của Cục Khảo sát thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Chăn nuôi Nepal" cho biết "Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép đất đai của Nepal ở một số nơi, trải rộng trên 7 huyện giáp biên giới". Các khu vực "bị chiếm bao gồm Dolakha, Gorkha, Darchula, Humla, Sindhupalchowk, Sankhuwasabha và Rasuwa".

ANI còn dẫn lời Cục Đo đạc và Bản đồ Nepal cáo buộc "Trung Quốc đẩy ranh giới quốc tế xa hơn 1.500 m về phía Nepal ở Dolakha", trong khi chính quyền Thủ tướng K P Sharma Oli "không phản ứng vì sợ làm mất lòng Trung Quốc".

Theo ANI, ngoài đẩy cột mốc ranh giới số 57 ở Dolakha, Trung Quốc còn "di dời các cột mốc 35, 37 và 38 ở huyện Gorkha; cột mốc ranh giới số 62 ở Solukhumbu và chiếm các ngôi làng của người Nepal ở hai huyện Gorkha và Darchula".

Tuy nhiên, Nepal thẳng thừng bác bỏ thông tin trên, đồng thời nói rằng ANI phải đưa ra lời xin lỗi vì xuất bản báo cáo đó.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nepal nhấn mạnh "báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Chăn nuôi không tồn tại" cũng như vấn đề biên giới "không thuộc thẩm quyền của bộ này".

"Có thể nhắc lại rằng ranh giới giữa Nepal và Trung Quốc được phân định trên cơ sở Hiệp ước Ranh giới ngày 5-10-1961 và các nghị định thư được ký kết giữa hai nước. Các cột mốc ranh giới số 37 và 38 được phương tiện truyền thông báo cáo là đã biến mất chưa bao giờ được dựng lên theo thỏa thuận giữa hai nước. Chính phủ Nepal sẽ giải quyết thông qua tham vấn giữa cơ quan chức năng hai nước trong trường hợp có vấn đề phát sinh giữa hai người hàng xóm thân thiện" - Bộ Ngoại giao Nepal khẳng định.

Vào tháng 6, các thành viên của phe đối lập yêu cầu chính quyền Thủ tướng K P Sharma Oli "khôi phục lãnh thổ của đất nước". Họ cáo buộc Trung Quốc "lấn chiếm 64 ha đất ở các huyện Dolakha, Humla, Sindhupalchowk, Sankhuwasabha, Gorkha và Rasuwa". Ngoài ra, một số cột mốc dọc biên giới dài 1.414,88 km giữa Nepal và Trung Quốc "bị biến mất", trong khi một số cột mốc khác "bị dịch chuyển bên trong lãnh thổ Nepal".

Hiện Trung Quốc chưa lên tiếng về thông tin trên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại