Giai đoạn mùa hè hay những ngày nắng nóng cao điểm, các thiết bị làm mát trong nhà, tiêu biểu là điều hòa luôn được các gia đình sử dụng hết công suất để phục vụ cho nhu cầu của con người. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, thời tiết đã mát mẻ và dễ chịu hơn. Chính vì vậy, nhu cầu sử dụng điều hòa từ đó cũng giảm đi.
Với những chiếc điều hòa 1 chiều, tức là chỉ có tính năng làm mát, phả ra khí lạnh, gần như chúng sẽ được "ngủ đông" trong vài tháng. Theo các đơn vị sản xuất và phân phối điều hòa, trước khi để thiết bị nghỉ ngơi 1 thời gian dài, người dùng nên lưu ý thực hiện một số công việc để đảm bảo tuổi thọ của thiết bị, đồng thời tiết kiệm điện hơn, an toàn hơn. Những công việc này dù là những bước đơn giản, dễ thực hiện song nhiều người lại thường bỏ quên.
Khi thời tiết đã trở nên mát mẻ hơn, điều hòa sẽ vào khoảng thời gian được nghỉ ngơi (Ảnh minh họa)
Những việc cần làm trước khi không dùng điều hòa trong thời gian dài
Công việc đầu tiên mà các chuyên gia khuyên người dùng nên thực hiện với điều hòa đó là kiểm tra và vệ sinh thiết bị. Việc vệ sinh này không cần tiến hành quá sâu mà chỉ cần xét trên các bộ phận cơ bản của thiết bị như phần vỏ ngoài, tấm lưới lọc, khu vực cục nóng... Cách vệ sinh cũng chỉ cần thực hiện đơn giản, đó là ngắt điện thiết bị, dùng ngăn ẩm để lau sạch các bụi bẩn, với tấm lưới lọc có thể đem đi rửa với nước.
Việc vệ sinh sơ bộ sẽ giúp hạn chế tình trạng các lớp bụi bẩn hình thành dày đặc sau thời gian dài điều hòa nghỉ ngơi. Sau khi vệ sinh, lau rửa các bộ phận của điều hòa, hãy chú ý làm khô chúng rồi hẵng lắp lại vào vị trí ban đầu.
Người dùng nên kiểm tra, vệ sinh qua điều hòa trước khi để thiết bị nghỉ ngơi trong thời gian dài (Ảnh minh họa)
Một phương pháp giúp điều hòa có thể khô triệt để trước khi ngừng sử dụng đó là tận dụng chế độ quạt gió Fan Mode. Chuyên trang của Siêu thị Điện máy Xanh hướng dẫn, người dùng hãy bật chế độ Fan Mode khoảng 15 phút. Khi này, động cơ bên trong dàn lạnh sẽ được khô ráo, hơi nước còn đọng lại bên trong máy sẽ được làm khô.
Sau khi đã vệ sinh, làm khô điều hòa, tiến hành ngắt điện hoàn toàn vào thiết bị bằng cách đóng aptomat hoặc dập cầu dao. Việc này giúp tiết kiệm điện khi gia chủ không sử dụng thiết bị.
Theo thống kê, nếu chỉ tắt điều hòa bằng điều khiển, nguồn điện vào thiết bị sẽ không được ngắt hoàn toàn mà thiết bị sẽ chỉ chuyển sang chế độ chờ Stanby. Một số thí nghiệm cũng như chính trải nghiệm của người dùng cũng chỉ ra, khi chỉ tắt điều hòa bằng điều khiển, thiết bị sẽ tiêu thụ khoảng 1-3W điện/giờ. Nhân với số ngày trong tháng, lượng điện hao phí sẽ từ 1 - 2 số điện, tương đương với số tiền khoảng 1.500 đồng - 4.000 đồng.
Việc dập cầu dao, ngắt điện hoàn toàn vào điều hòa vừa giúp tiết kiệm điện, phòng chập cháy, lại bảo toàn tuổi thọ cho thiết bị (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, nếu để điều hòa ở chế độ chờ quá lâu, nó sẽ càng tích trữ điện nhiều hơn. Điều đó vô hình chung cũng làm cho tuổi thọ của các linh kiện bên trong bị giảm đi, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ xảy ra chập, cháy nguy hiểm.
Cuối cùng là với remote, hay còn gọi là điều khiển của thiết bị, người dùng nên tháo rời pin ra thay vì tiếp tục để pin bên trong. Việc để pin trong thời gian dài mà không sử dụng, cộng với đặc điểm thời tiết có thể khiến pin chảy nước, gây hoen gỉ, hư hỏng mạch bên trong điều khiển.
Điều khiển khi không sử dụng trong thời gian dài cũng nên tháo rời pin ra (Ảnh minh họa)
Điều hòa để một thời gian sau khi bật lại cần làm gì?
Các chuyên gia cũng đánh giá, điều hòa nếu như ngưng sử dụng trong khoảng thời gian từ 3 tháng trở lên, thì khi bật sử dụng lại, người dùng nên chú ý kiểm tra kỹ các bộ phận bên trong, đặc biệt là về vấn đề vệ sinh.
Sau thời gian dài nghỉ ngơi, khi hoạt động trở lại, thiết bị sẽ không tránh khỏi tình trạng có mùi khó chịu, hay tích tụ một lượng bụi bẩn nhất định. Nghiêm trọng hơn, một số động vật gây hại có thể chọn điều hòa là nơi trú ẩn qua mùa đông lạnh. Chính vì vậy việc kiểm tra và vệ sinh là vô cùng cần thiết.