Nền kinh tế Việt Nam đã bộc lộ điểm yếu nhưng vẫn còn “vùng đệm giảm sốc”

Đỗ Lan |

Theo GS Hà Tôn Vinh, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý I/2020 đã giảm một nửa. Tuy nhiên, cũng chính vì là một nền kinh tế nhỏ và có mức tăng trưởng ngoạn mục trong vài năm qua, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn “vùng đệm giảm sốc”.

Giáo sư Augustine Hà Tôn Vinh, Chuyên gia Tư vấn Tài chính Cơ sở hạ tầng, đã có những chia sẻ về ảnh hưởng của Covid-19 đến kinh tế Việt Nam, các giải pháp ngắn hạn và dài hạn cho nền kinh tế.

Giáo sư Vinh có hơn 30 năm kinh nghiệm hoạt động Giáo dục - Đào tạo, và làm việc tại vùng Châu Á Thái Bình Dương, Châu Âu, và Tây Phi trong nhiều lĩnh vực điều hành và quản lý. Các công việc bao gồm bao gồm xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh, quản lý dự án, tư vấn đầu tư trong các liên minh kinh tế chiến lược. Giáo sư Vinh đã tham gia nhiều dự án lớn trên 20 nước, đặc biệt là tại Hoa kỳ, Bỉ, Trung Quốc, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc), Thái lan, Ai Cập, Việt nam, Mông Cổ và nhiều quốc gia khác.

Nền kinh tế Việt Nam đã bộc lộ điểm yếu

Đại dịch Covid-19 là một thảm họa y tế và kinh tế toàn cầu chưa từng có trong vòng 100 năm vừa qua. Chỉ nhìn vào số người bị nhiễm bệnh và tử vong trên toàn thế giới; tốc độ lây lan đến gần như tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ; thiệt hại về kinh tế, thương mại lên đến hàng ngàn tỷ USD. Giáo sư Hà Tôn Vinh tin rằng, cuộc suy thoái toàn cầu đã bắt đầu và sẽ kéo dài đến hết năm 2021.

Covid-19 là một thảm họa ập đến không báo trước, một kẻ thù giấu mặt và hầu như mọi nền kinh tế và ngành nghề đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Là một nền kinh tế nhỏ phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu và các đối tác thương mại, đầu tư lớn như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản… kinh tế Việt Nam đã bộc lộ nhiều điểm yếu và đang chịu cú sốc ban đầu về nguồn cung cũng như tác động giảm mạnh về cầu trên hầu như tất cả mọi mặt.

Nền kinh tế Việt Nam đã bộc lộ điểm yếu nhưng vẫn còn “vùng đệm giảm sốc” - Ảnh 1.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý I/2020 đã giảm một nửa, xuống mức 3.8% so với mức 6.9% cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, cũng chính vì là một nền kinh tế nhỏ và có mức tăng trưởng ngoạn mục trong vài năm qua, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn “vùng đệm giảm sốc”.

Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố bản cập nhật mới của Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới năm 2020. Theo đó, Việt Nam tiếp tục là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng trưởng dương năm nay, ở mức 1,6% và đến năm 2021, con số này sẽ đạt 6,7%.

IMF dự báo trong năm 2020, nền kinh tế Việt Nam sẽ đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á, vượt Singapore và Malaysia. Cụ thể, GDP Việt Nam năm 2020 ước tính sẽ đạt 340,6 tỷ USD, vượt Singapore với 337,5 tỷ USD; Malaysia với 336,3 tỷ USD.

Đáng nói là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, làm đứt gãy thương mại quốc tế, thì hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn là một điểm sáng với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 10 tháng ước đạt hơn 439 tỉ USD, tăng 2,5%; xuất khẩu ước đạt gần 229 tỉ USD, tăng 4,5%; nhập khẩu ước đạt hơn 210 tỉ USD, tăng 0,4%. Xuất siêu kỷ lục hơn 18,7 tỉ USD nhờ công lớn đóng góp của 31 mặt hàng xuất khẩu đạt hơn 1 tỉ USD, trong đó có 5 mặt hàng xuất khẩu hơn 10 tỉ USD.

Bên cạnh đó, biện pháp cách ly toàn xã hội của Chính phủ cùng các gói hỗ trợ cho người nghèo và các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang có tác dụng.

Giải pháp cho Việt Nam

Giáo sư Hà Tôn Vinh cho rằng, các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ ở Việt Nam, Mỹ hay nhiều quốc gia khác đều đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19.

Điều này được thể hiện qua việc đa số các doanh nghiệp không có quỹ dự phòng hoặc không có đủ doanh thu để trả chi phí, như chi phí thuê mặt bằng, trả lương cho người lao động, trả lãi ngân hàng, chi phí hoạt động kinh doanh hay sản xuất. Doanh thu của rất nhiều doanh nghiệp cũng đã sụt giảm từ 50% đến 90%.

Điều này kéo theo một hệ lụy chưa từng có đó là hàng triệu người bị mất việc hoặc phải sống dựa vào hỗ trợ thất nghiệp của Chính phủ.

Báo cáo về tình hình đăng ký doanh nghiệp 9 tháng đầu năm 2020, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết có hơn 78.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Con số này cao hơn đáng kể so với năm 2019. Tất cả đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều đang bị khủng hoảng vì đại dịch Covid-19. Sức mua hàng hóa Việt Nam vì thế bị chững lại và khó có thể được phục hồi trong thời gian ngắn.

Để đối phó với tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 để phát triển kinh tế, giáo sư Hà Tôn Vinh cho rằng Chính phủ cũng như doanh nghiệp cần có tầm nhìn và giải pháp ngắn hạn cũng như dài hạn.

Ngắn hạn

Với đa số các doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, Việt Nam sẽ dễ dàng thích ứng với nhu cầu đòi hỏi của thị trường và dịch chuyển để tồn tại và phát triển.

Nếu Chính phủ quyết tâm đẩy nhanh các dự án đầu tư công và giải ngân các dự án có vốn đầu tư nước ngoài hiện đang bị chậm trễ hay tạm dừng, kinh tế Việt Nam sẽ bớt bị động và giảm tác động tiêu cực của Covid-19.

Việt Nam cũng có thể tính đến việc vay từ các tổ chức tài trợ với lãi suất ưu đãi như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… để hỗ trợ việc phục hồi kinh tế trong nước.

Theo ADB, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 4,8% trong năm 2020 và lấy lại đà tăng trưởng cao trong năm 2021 khi các đối tác thương mại và đầu tư của Việt Nam ổn định và tăng trưởng trở lại.

Dài hạn

Chính phủ và doanh nghiệp nhất thiết phải tính đến chuyện chuyển hướng nên kinh tế tiêu thụ truyền thống sang nền kinh tế số và nền kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn (circular economy) là một mô hình kinh tế khá mới mẻ trong đó các hoạt động như thiết kế, sản xuất đến cung cấp sản phẩm và dịch vụ đều hướng tới việc sử dụng lại các tài nguyên vật chất và loại bỏ các tác động tiêu cực đến môi trường, giúp giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận, giảm sự phụ thuộc vào các nguyên liệu đầu vào, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giúp bảo đảm sự phát triển bền vững của xã hội và doanh nghiệp.

Kinh tế tuần hoàn đi đôi với sự phát triển công nghệ số, công nghệ sinh học, và nền kinh tế số của một quốc gia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại