Bồn cầu là phần quan trọng và thiết yếu trong mọi gia đình. Tuy nhiên không phải ai cũng có thói quen sử dụng bồn cầu như nhau. Một sự khác biệt phổ biến nhất chính là khi xả nước và sau khi sử dụng xong, nhiều người sẽ đóng nắp bồn cầu, còn số khác thì ngược lại.
Thăm dò ý kiến
Bạn thường đóng hay mở nắp bồn cầu khi xả nước và khi sử dụng xong?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Ảnh minh họa.
Tiến hành hỏi 10 người thì có tới 8 người trả lời rằng họ thường để mở bồn cầu ngay sau khi sử dụng xong. Đặc biệt là ở nhà vệ sinh công cộng, việc đóng nắp có thể gây ra sự "hoài nghi" cho những người sử dụng sau.
Tuy nhiên, thói quen mở nắp bồn cầu tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh cho không gian xung quanh và chính người dùng.
Video thí nghiệm của các nhà khoa học trong phòng vệ sinh
Một nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học Colorado Boulder đã thực hiện một thí nghiệm, quay lại luồng giọt chất lỏng li ti được phun lên sau mỗi lần xả nước bồn cầu. Đây là những giọt bắn có kích thước siêu nhỏ, nhỏ đến mức bằng mắt thường con người sẽ khó có thể nhìn thấy.
Để quay được rõ hơn, các nhà nghiên cứu đã sử dụng ánh sáng laser xanh chuyên biệt, chiếu vào từng khu vực trong không gian nhà vệ sinh, đặc biệt là khu vực bồn cầu để có thể nhìn rõ hơn.
Video cho thấy những giọt bắn từ bồn cầu hiện lên rõ rệt dưới tia laser xanh. (Video University of Colorado Boulder)
Giáo sư John Crimaldi, tác giả chính cho biết: "Đó là thứ bạn không thể nhìn thấy nên rất dễ giả vờ như chúng không tồn tại. Nhưng khi bạn xem hình ảnh của chúng tôi, bạn sẽ không bao giờ áp dụng cách xả nước bồn cầu như trước nữa. Bằng cách tạo ra những hình ảnh trực quan ấn tượng về quá trình này, nghiên cứu của chúng tôi có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông điệp về sức khỏe cộng đồng”.
Kết quả cho thấy, dưới ánh sáng laser màu xanh lá, các phân tử nước và giọt bắn xuất hiện rõ hơn bao giờ hết, làm người xem gợi nhớ tới hình ảnh về dải ngân hà hay những chú đom đóm lấp lánh. Theo The Sun, những phân tử này sẽ bắn ra ngoài với tốc độ 2m/s, có thể cao tới 1,5m phía trên bồn cầu trong vòng vài giây.
Các phân tử nước mang theo vi khuẩn, lơ lửng trong không khí hoặc bám vào đồ vật. (Ảnh cắt từ video)
Chúng mang theo vi khuẩn, lơ lửng trong không khí, bám vào các vật dụng, đồ dùng hoặc thậm chí là bám lên con người, gây ra các chứng bệnh về da hay đi vào đường hô hấp. Các nhà khoa học cũng cho biết thêm, mọi bồn cầu đều có thể bắn ra những giọt li ti như thế này.
Các nhân tố gây bệnh nguy hiểm chúng có thể mang theo có thể kể tới những cái tên cụ thể như E.coli hay kể cả virus corona. Trong đó, E.coli gây ra các vấn đề về đường ruột, các chứng tiêu chảy, sốt, nôn hay nặng hơn là trụy mạch, rối loạn tuần hoàn, suy thận, xâm nhập vào các mạch máu làm tổn thương tim, thận, não...
Thay đổi thói quen sử dụng nhà vệ sinh
Chính vì vậy tốt hơn hết, sau khi sử dụng xong bồn cầu, ở khâu xả nước, hãy đóng nắp bồn cầu lại. Việc này vừa giúp không gian xung quanh được vệ sinh, vừa nhằm bảo vệ chính sức khỏe của con người.
Nên đậy nắp bồn cầu khi xả nước và sau khi sử dụng xong. (Ảnh minh họa)
Nhà vệ sinh nhà bạn cũng nên được vệ sinh thường xuyên, hàng ngày, hàng tuần, bởi môi trường ẩm ướt có thể là nơi lý tưởng để nhiều loại vi khuẩn khác sinh sôi, phát triển. Những khu vực được khuyến cáo vệ sinh thường xuyên trong nhà vệ sinh có thể kể tới là sàn nhà, khu vực bồn rửa mặt, các loại vòi nước, tay nắm cửa hoặc tấm rèm bồn tắm (nếu có).
Chuyên trang chuyên về giải pháp cho nhà cửa SafeHome từng thực hiện một bài kiểm tra bằng cách quét một loạt các bề mặt trong 3 phòng tắm, phòng vệ sinh gia đình để đánh giá sự hiện diện của các vi khuẩn. Kết quả của bài kiểm tra cho thấy, tấm rèm bồn tắm chính là thứ chứa nhiều vi khuẩn nhất, tiếp đến là sàn nhà, tay cầm bàn chải đánh răng, bồn cầu, vòi nước và tay nắm cửa.
Các con số thể hiện lượng vi khuẩn trên những thứ bẩn nhất trong nhà vệ sinh. (Ảnh Safehome.org)
Nếu nhà bạn có tầm rèm bồn tắm, hàng tuần hãy tháo rời chúng để giặt sạch rồi phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Còn với sàn nhà, ngay cả khi chúng sẽ ướt trở lại, các chuyên gia vẫn khuyến cáo người dùng nên lau khô sau mỗi lần sử dụng, nhằm phòng tránh các loại vi khuẩn nấm mốc. Trước khi để khô, hãy vệ sinh nó với các loại nước tẩy rửa chuyên dụng và dùng bàn chải, chổi cọ để vệ sinh kỹ. Nếu dưới sàn nhà vệ sinh, nhà tắm có những tấm thảm, thì tốt hơn hết cũng nên giặt chúng luôn.
Không chỉ những vật dụng trong nhà vệ sinh mà bất cứ thứ gì xung quanh chúng ta cũng tồn tại một lượng vi khuẩn nhất định. Điều duy nhất chúng ta có thể làm để khắc phục đó là chăm chỉ vệ sinh, dọn dẹp hàng ngày và thay thế ngay khi chúng có dấu hiệu hỏng hóc, mất vệ sinh trầm trọng.
Nên tiến hành vệ sinh khu vực nhà tắm, vệ sinh thường xuyên. (Ảnh minh họa)
Có như vậy, lượng vi khuẩn mới không bị tích tụ lên một con số khổng lồ. Không gian nhà tắm nói riêng hay toàn bộ không gian nhà ở luôn được vệ sinh đúng cách sẽ giúp cuộc sống được thoải mái và khỏe mạnh hơn.