Nên bảo tồn nguyên trạng Dinh Thượng Thơ

PHAN ANH - SỸ ĐÔNG |

Sở Quy hoạch - Kiến trúc vừa có báo cáo gửi UBND TP HCM liên quan đến "số phận" của công trình kiến trúc tại số 59-61 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1- người dân gọi là Dinh Thượng Thơ.

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TP HCM, sau khi trưng bày triển lãm về phương án thiết kế, nâng cấp trụ sở HĐND - UBND TP, với việc phá dỡ Dinh Thượng Thơ (hiện được sử dụng làm trụ sở của Sở Thông tin - Truyền Thông và Sở Công Thương TP), đa số các ý kiến của người dân, chuyên gia, nhà khoa học đề nghị bảo tồn, giữ lại toàn bộ công trình này.

Phá dỡ sẽ ảnh hưởng đến tổng thể

TS Nguyễn Thị Hậu, Phó Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cho rằng việc tháo dỡ công trình sẽ ảnh hưởng đến công tác bảo tồn kiến trúc tổng thể của TP.

Nhà nghiên cứu khoa học và di sản Nguyễn Đức Hiệp nhìn nhận giá trị của từng công trình cổ không thể riêng lẻ với toàn thể đô thị cổ TP.

Trụ sở UBND TP dù nguyên vẹn hình thức kiến trúc nhưng nếu gắn thêm khối công trình mới thiết kế sẽ không phù hợp và hoàn toàn áp chế không gian cổ của UBND TP và cả khu phố Lý Tự Trọng, Đồng Khởi và Pasteur.

Xóa sổ di sản đồng nghĩa với phá vỡ quy hoạch, một trong các điểm mấu chốt tạo sự mất cân bằng và ảnh hưởng lớn tới quần thể.

Sở QH-KT cũng cho biết đa số các thành viên Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch TP đều có chung ý kiến cần cân nhắc kỹ về yếu tố bảo tồn công trình này.

Sở này cũng thông tin công trình Dinh Thượng Thơ không được đưa vào danh mục kiểm kê di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn TP ban hành kèm theo Quyết định số 5360 năm 2010, do đó về pháp lý không thuộc đối tượng bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Tuy nhiên, công trình này vẫn thuộc danh sách vị trí các công trình kiến trúc có giá trị văn hóa lịch sử của đồ án quy hoạch hiện hành (đồ án 930 ha) theo danh mục tại phụ lục 3 Quy chế quản lý không gian kiến trúc cảnh quan đô thị.

Hơn nữa, tài liệu về nguồn gốc hình thành cũng như quá trình sử dụng công trình qua nhiều thời kỳ là tương đối đầy đủ, có thể chứng minh được phần nào ý nghĩa của công trình trong suốt quá trình tồn tại.

"Theo ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước liên quan đến lĩnh vực bảo tồn trước đây do Sở QH-KT tổ chức đoàn khảo sát vào thời điểm năm 2014-2015 là có ý kiến đồng thuận phương án bảo tồn nguyên trạng công trình này" - Sở QH-KT thông tin thêm.

Cần nền tảng pháp lý rõ ràng

Bình luận về việc hôm nay (28-9) Sở QH-KT TP tổ chức hội thảo khoa học về bảo tồn Dinh Thượng Thơ, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhận định lãnh đạo TP đã rất cầu thị sau khi tham khảo ý kiến chuyên gia.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng nhân cơ hội này, chúng ta không chỉ bàn về Dinh Thượng Thơ mà nên bàn luôn về giải pháp cho những di sản chưa được xếp hạng của TP, chứ không thể tiếp tục đối phó theo từng công trình, bởi như vậy sẽ tốn nhân lực, tài lực của TP cũng như người dân.

Nếu TP chỉ dựa vào Luật Di sản văn hóa để chỉ bảo tồn các di tích thì đó là thiếu sót rất lớn, vì có nhiều công trình di sản không phải là di tích ở TP, như công trình chợ Bến Thành, Dinh Thượng Thơ, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, khách sạn Grand Đồng Khởi, khách sạn Majestic,…Trong khi các công trình này lại là biểu tượng của TP trong mắt người dân và du khách.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng để bảo tồn các công trình di sản cần phải có nền tảng pháp lý. Việc cần làm ngay là phải nhanh chóng đưa các công trình di sản đã và chưa được xếp hạng vào một danh sách công trình di sản chính thức được bảo vệ có giá trị pháp lý.

Theo ông Sơn, đối với công trình di sản không cần bảo vệ nguyên trạng như di tích thì có thể chỉ cần bảo tồn các phần chính yếu, ngoài ra thì được phép cải tạo một phần hoặc mở rộng thêm, dựa trên hướng dẫn cụ thể về giải pháp bảo tồn và phát triển.

Các đề án cải tạo mở rộng phải được xem xét phê duyệt bởi một hội đồng về di sản dựa trên nguyên tắc là cải tạo, mở rộng phải nâng cao bản sắc của công trình chứ không được làm mất đi bản sắc vốn có của nó.

Ngoài ra, để giải quyết tình trạng phổ biến của việc nhiều công trình bị cải tạo theo hướng "phá hoại di sản" do không phù hợp nguyên tắc bảo tồn di sản, chính quyền nên lưu tâm việc đào tạo và quản lý chứng chỉ hành nghề của những chuyên gia được phép hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn di sản và cải tạo mở rộng di sản, vì những người làm nghề này buộc phải có kiến thức chuyên ngành về quy hoạch kiến trúc và lịch sử.

"Nếu các quy định trên được ban hành thì như trường hợp di sản kiến trúc Dinh Thượng Thơ, tôi cho rằng không cần thiết phải bảo tồn nguyên trạng như di tích, mà có thể chỉ bảo tồn bố cục mặt bằng tổng thể, mặt đứng và kết cấu công trình và một số chi tiết kiến trúc nội ngoại thất quan trọng nhưng bên cạnh đó, vẫn có thể cho phép cải tạo một phần và có thể mở rộng thêm" - KTS Sơn đưa ra giải pháp.

Di sản gần 160 tuổi

Dinh Thượng Thơ do người Pháp xây vào những năm 1860. Công trình được xây theo kiến trúc thuộc địa Pháp, gồm 1 dãy nhà chính giữa xoay ra đường Lý Tự Trọng, nối với 2 dãy nhà hai bên tạo thành hình chữ U ôm lấy khoảng sân ở giữa.

Bên trong có 4 cầu thang gỗ dẫn lên tầng trên, nằm gần cổng ra vào và hai góc của tòa nhà.

Tính từ lúc được nâng cấp lần cuối (năm 1890) đến nay đã gần 130 năm, song kết cấu tòa nhà gần như vẫn còn nguyên vẹn. Như vậy, nếu tình từ khi xây dựng lần đầu đến nay thì công trình này đã gần 160 tuổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại