"Ném đá", trút giận lên kẻ yếu thế hơn nhưng chúng ta hãy nhìn lại mình

Hoàng Nguyên Vũ |

"Bất cứ điều gì làm tổn thương người khác dù nhân danh cái gì chăng nữa cũng là đang làm điều ác", một vị đại sư đã nói vậy.

Trong bài phỏng vấn mới đây tôi thực hiện, một vị đại sư đã chia sẻ rất nhiều điều đang xảy ra trên mạng xã hội về những người "nhân danh cái tử tế" để ném đá một cách vô tội vạ và thiếu suy nghĩ.

Khi bài viết hoàn thiện, vị đại sư muốn được giấu tên vì "không muốn tạo điều kiện cho người đời sân hận thêm vì những ý kiến có thể làm cho một số người trở nên sân hận".

"Mạng xã hội đang trở thành một nơi người ta thể hiện cảm xúc một cách quá đà, yêu ghét một cách thiếu suy nghĩ và có thể tung ra những thông tin làm nhiễu loạn cuộc sống nấp bóng dưới lý lẽ "cá nhân". Điều đó đang làm biến chất chính họ", vị đại sư nói.

Tại sao lại chà đạp kẻ yếu thế hơn?

Câu chuyện cô bảo mẫu 19 tuổi đánh trẻ tại Thủ Đức mấy năm trước, giữa một rừng người phẫn nộ, thì cũng có một bức ảnh lúc cô bị bắt. Đó là hình ảnh cô gái nhỏ bé tội nghiệp giữa một rừng ống kính.

Dĩ nhiên, khi cô gái gây ra cái ác, trút cơn giận lên những đứa trẻ bằng những hành động thiếu suy nghĩ, sẽ làm cộng đồng tức giận là điều dễ hiểu. Sự tức giận đó hoàn toàn có lý, nhất là với những người đã làm cha làm mẹ.

"Nhưng khi người ta bị bắt rồi, có nghĩa là họ đã nằm trong lưới pháp luật. Tự trung lại, họ là kẻ yếu thế. Những tức giận của chúng ta lúc này chợt trở nên thừa thãi và có thể làm chúng ta trở nên sân hận khi đang trút tức giận lên kẻ yếu thế hơn mình".

"Nhà Phật không dạy con người sân si, nhưng cũng không dạy con người cái ác. Cô ấy làm điều ác, các bạn có quyền phẫn nộ. Nhưng phải dừng sự giới hạn ấy lại khi người ta đã chịu tội. Khi sự phẫn nộ đi quá giới hạn, chúng ta vô tình lại trở thành những kẻ ác khác", vị đại sư chia sẻ.

Ném đá, trút giận lên kẻ yếu thế hơn nhưng chúng ta hãy nhìn lại mình - Ảnh 1.

 5 năm trôi qua. Cô bảo mẫu đó ra tù và có một cuộc sống mới hạnh phúc. Cô cũng không quên nói lời cảm ơn những người đã trút giận lên mình như một bài học lớn của cuộc đời để cô trưởng thành.

"Cô ấy đã có một quãng đời đẹp và giờ thì chúng ta nhìn lại mình", một độc giả chia sẻ. Tôi thích bình luận ấy. Trong sự nhìn lại ấy, phần lớn chúng ta đã đúng khi cơn phẫn nộ của chúng ta đã đánh thức lương tri của một con người.

Nhưng trong sự nhìn lại ấy, có những điều đã đi hơi quá. Đã không ít những con người có thật từ giới văn nghệ sĩ đến những người đời thường khi phạm sai lầm, đã phải tìm đến cái chết chỉ vì "gạch đá" của người đời không có sự bao dung.

"Ném đá" lúc cần thì cứ ném nếu bạn xác định điều này sẽ làm cho người khác tỉnh dậy. Nhưng hãy suy nghĩ: "Như thế đủ chưa? Người ta ‘chạy lại’ rồi thì mình nên ngưng tay. Và trên hết là sự tỉnh táo với chính mình", đại sư khuyên.

Câu chuyện cô gái, theo vị đại sư, cộng đồng cũng có phần sai lầm giống cô: trút tức giận lên kẻ yếu hơn mình. Trẻ con không thể chống đỡ đòn roi của cô gái. Còn cô gái nhỏ bé tội nghiệp bên cái còng số 8 cũng không thể nói gì được bạn.

"Trút giận vào kẻ yếu thế hơn mình là điều vô cùng dễ dàng, nhưng chúng ta có nên làm điều này không? Bạn nuôi một con mèo hay một con chó, chúng không nghe lời bạn, cứ thế bạn đánh chúng tơi bời.

Nhưng bạn nên hiểu là, nó không đủ tay chân và khoẻ mạnh như bạn để nó chống lại bạn. Hãy dừng tay để nhận ra kẻ đối diện với mình đang trong tình trạng nào".

Ném đá, trút giận lên kẻ yếu thế hơn nhưng chúng ta hãy nhìn lại mình - Ảnh 2.

Khi cái ác của ngôn từ không có ranh giới

Theo cách nhìn của nhà Phật, đại sư cho rằng, có những ý nghĩ tiêu cực được phân luồng, được mặc định rằng: giàu là xấu, quan chức là thế nọ thế kia. Nên khi họ gặp chuyện gì, không ít người tỏ ra hả hê. Nghiệp này còn nặng hơn cái ác thông thường vì nó vừa có "sân" lại vừa có "si" trong đó.

Một cô Công an bị tai nạn chết thảm, không ít người lại đem cái chết của cô ấy ra giễu cợt.

"Bạn đã nhẫn tâm quá rồi. Chưa cần biết cô gái kia ra sao nhưng thấy người khác gặp nạn mà bạn còn giễu cợt được thì chứng tỏ lương tâm của bạn đã bị khuyết thiếu".

"Gieo lời lẽ vô tâm vô tình nghiệp còn nặng nề hơn bất cứ thứ gì khác. Chẳng có gì gây tổn thương trầm trọng và ám ảnh lâu dài bằng chính lời lẽ. Khẩu nghiệp là thứ kinh khủng nhất, bạn hãy nhớ và xem lại lời lẽ của mình trước khi nhắm vào ai đó".

Để tiếp tục cho những ý kiến trên, đại sư dẫn dắt về những đôi lứa khi yêu. Khi yêu, người ta hay nhân danh tình yêu để làm tổn thương người mình yêu. Người ta có những lời lẽ đay nghiến, dằn vặt người đối diện để thể hiện cách yêu thương của mình, nhất là khi cuộc tình không êm đềm như ý muốn của họ.


"Người ta hay nhân danh yêu thương để cho mình được cái quyền đó. Bạn hãy nhớ rằng, yêu thương đúng nghĩa thì không ai làm tổn thương ai. Hết duyên thì hãy buông tay nhẹ nhàng. Không nhắc. Không uất ức.

Mình nhắc, mình uất ức thì mình làm hại mình và gây nghiệp cho người kia, cả hai việc cũng đều là gây nghiệp".

Ném đá, trút giận lên kẻ yếu thế hơn nhưng chúng ta hãy nhìn lại mình - Ảnh 4.

Vị đại sư chốt lại, sự bình tĩnh và tập nhìn mọi thứ là vô thường, biết yêu thương bản thân mình hơn, là những cách ta dễ dàng thoát khỏi những khẩu nghiệp ngày càng trầm trọng trong đời sống và đặc biệt là trên mạng xã hội.

"Bình tĩnh để nhìn lại mọi việc rằng điều đó có cần thiết không hoặc còn cần thiết để mình tỏ thái độ hay không? Mình làm như thế có ác quá không?"

"Yêu thương bản thân mình để tự hỏi, mình căm phẫn, mình hả hê với người khác có đang làm mất thời gian của mình không? Có đang làm mình xấu đi không và có làm cho mọi thứ xung quanh tồi tệ đi không?"

"Bởi cái xấu và cái ác của ngôn từ khi đặt trong một cộng đồng không có ranh giới sẽ dễ làm lây nhiễm người khác đến mức chóng mặt. Và hậu quả, chỉ nhìn những điều xảy ra thôi đã khiến chúng ta phải rùng mình, chứ chưa nói đến nghiệp báo về sau…"

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại