Ngoài ra, NATO quyết định giảm quy mô của phái đoàn Nga tại trụ sở liên minh này từ 20 xuống còn 10 người. Ngoài 8 người bị trục xuất nói trên, NATO còn hủy bỏ thêm 2 vị trí của phái đoàn Nga.
Theo đài CBS, phát ngôn viên NATO không nói rõ những hành động nào của Moscow đã dẫn đến quyết định trên.
Đáp lại, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko chỉ trích động thái trên đi ngược lại tuyên bố trước đó của NATO về tầm quan trọng của việc giảm leo thang trong quan hệ với Nga.
Trong khi đó, nghị sĩ Nga Leonid Slutsky cảnh báo Moscow sẽ trả đũa bằng những biện pháp "bất đối xứng" nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Đại diện Nga và NATO vào tháng rồi đã gặp nhau bên lề cuộc họp thường niên của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc. Khởi đầu cuộc gặp này, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov nói với giới truyền thông rằng Moscow "không có ý định gia nhập NATO".
Quan hệ giữa NATO và Nga xuống dốc kể từ Moscow sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Đến năm 2018, NATO đã trục xuất 7 nhà ngoại giao Nga, đồng thời giảm số lượng thành viên phái đoàn Nga tại trụ sở liên minh này từ 30 xuống còn 20. Quyết định này được đưa ra theo sau vụ đầu độc cựu sĩ quan tình báo quân sự Nga Sergei Skripal tại Anh.
Một số quốc gia phương Tây, trong đó có Mỹ, gần đây cũng trục xuất nhân viên ngoại giao Nga vì nhiều cáo buộc, như do thám, can thiệp bầu cử, xâm nhập mạng...
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt lên Nga vào đầu năm nay, lấy lý do Điện Kremlin có "những hành động khinh suất và thù địch".
Một số thượng nghị sĩ Mỹ hôm 5-10 thúc giục ông Biden trục xuất 300 nhà ngoại giao Nga nếu Moscow không đồng ý để Đại sứ quán Mỹ bổ sung nhân sự.
Ông Konstantin Kosachev, phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga đã phản ứng lại bằng cách gọi bước đi trên là "ngớ ngẩn và thiếu hiểu biết". Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov giải thích thêm rằng thực tế là số lượng nhà ngoại giao Nga tại Mỹ thấp hơn con số trên.