Động thái này là để giúp chúng có khả năng bắn hạ các tên lửa hạt nhân tầm trung mới được triển khai của Nga sau khi hiệp ước tên lửa Mỹ - Nga sụp đổ vào tháng tới.
Không thể đảo ngược với Nga?
Bất kỳ thay đổi nào đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại của NATO - nhằm vào các mối đe dọa từ bên ngoài khu vực, như Iran - có thể sẽ gây thêm chia rẽ giữa các quốc gia thành viên của liên minh và khiến Nga tức giận.
Moscow lâu nay luôn cho rằng cơ sở tên lửa của NATO ở Romania và một cơ sở khác đang xây dựng ở Ba Lan là mối đe dọa đối với kho vũ khí hạt nhân của họ và là một nguồn cơn bất ổn ở châu Âu.
Jim Townsend, một cựu quan chức Lầu Năm Góc và là chuyên gia về NATO cho biết, đó sẽ là một bước đi không thể đảo ngược lại với người Nga. Đây sẽ là một sự leo thang thực sự.
Hoa Kỳ tuyên bố vào tháng 2 về ý định rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung INF ký năm 1987, với lí do là Moscow đã có hành vi vi phạm.
INF, cấm triển khai các tên lửa trong tầm bắn 310 - 3.420 dặm ở châu Âu, sẽ chấm dứt vào ngày 02/8 - trừ phi Moscow và Washington đạt được thỏa thuận hồi sinh nó trong vài tuần tới.
Theo các nguồn tin trên cho hay, cuộc thảo luận về các biện pháp phòng thủ tên lửa mới đang ở giai đoạn đầu tiên nhất.
Tuy nhiên, phát ngôn viên trưởng của NATO, Oana Lungescu, phủ nhận việc tiến hành mọi xem xét về tính khả thi của việc nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo. Bà nói rằng, liên minh đã nhiều lần khẳng định hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo hiện tại của họ không được thiết kế cũng như không nhằm vào Nga.
Nhưng theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố tuần trước, liên minh này cũng đang xem xét các khả năng về sức mạnh phòng thủ tên lửa và không quân mới. Tuy nhiên, ông không tiết lộ thêm chi tiết.
Và trước mối đe dọa ngày càng tăng của các tên lửa hành trình Nga, các thành viên NATO dự kiến sẽ đề nghị liên minh nghiên cứu các lựa chọn phòng thủ, sau cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng tháng 10 hoặc hội nghị thượng đỉnh tháng 12 tới, một quan chức liên minh cấp cao cho hay.
Động thái trên xuất phát từ việc Nga được cho là đang phát triển tên lửa mới, cũng như khả năng sụp đổ cao của INF – điều cũng cho thấy mối quan hệ xấu đi giữa Nga và Hoa Kỳ.
Các nước Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan và các nước vùng Baltic, tin rằng họ đang bị đe dọa bởi sức mạnh ngày càng tăng của Moscow và rất sẵn lòng khi thấy liên minh này phát triển hệ thống phòng thủ mới.
NATO tính trước về mối đe dọa tên lửa hành trình Nga
Dựa trên thông tin tình báo từ nhiều đồng minh, NATO nhất trí rằng các tên lửa hành trình có khả năng hạt nhân mới của Nga là một mối đe dọa. Khí tài này, một số nhà phân tích Mỹ và châu Âu lo ngại, có thể mang lại cho Moscow đòn bẩy đáng kể và có thể buộc các nước khác phải giảm leo thang hoặc nhượng bộ trước yêu cầu của Nga trong một cuộc khủng hoảng.
Tuần trước, các bộ trưởng quốc phòng NATO đã phê chuẩn một cuộc kiểm tra khả năng phản ứng của họ trong trường hợp Nga triển khai tên lửa hành trình SSC-8 – loại vũ khí NATO cho rằng vi phạm INF, theo ba quan chức NATO.
Khả năng phản ứng này bao gồm mở rộng các cuộc tập trận răn đe hiện có và công khai các cuộc tập trận hạt nhân của liên minh – vốn rất bí mật. Việc để dư luận biết nhiều hơn đến các cuộc tập trận hạt nhân và kho vũ khí của NATO sẽ giúp ngăn chặn Moscow sử dụng vũ khí của chính họ, một số quan chức NATO cho biết.
NATO có thể phải làm nhiều hơn thế. Và nếu được phê duyệt trong năm nay, liên minh có thể xem xét liệu họ có thể nâng cấp các hệ thống đánh chặn và radar của hệ thống Aegis Ashore ở Romania và Ba Lan hay không; hay xem xét về năng lực phòng không hoặc lắp radar mới đối phó các tên lửa hành trình.
Cơ quan phòng thủ tên lửa Hoa Kỳ USMDA đang kiểm tra các hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore hiện tại, xem chúng có thể được nâng cấp thêm radar, phần mềm hay máy bay đánh chặn mới hay không. Sự bổ trợ này có thể cho phép chúng tấn công tên lửa đạn đạo tầm trung và có thể là cả tên lửa hành trình, theo nhiều nguồn tin đương chức và cả các cựu quan chức.
Học thuyết quân sự Nga, theo các chiến lược gia quân sự Mỹ và châu Âu, ngày càng tập trung vào việc sử dụng các cuộc tấn công hạt nhân có giới hạn để nhanh chóng chấm dứt một cuộc xung đột tiềm tàng theo hướng có lợi cho Moscow.
Việc sử dụng vũ khí hạt nhân như vậy để tạo hiệu ứng chiến trường là điều các chính trị gia châu Âu chưa từng nghĩ tới và đã khiến một số quan chức đồng minh cởi mở hơn trong việc xem xét khả năng thực tế sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có để chống lại Nga.
Chúng tôi muốn chắc chắn rằng người Nga không muốn thực hiện tống tiền hạt nhân, và phòng thủ tên lửa là cách để loại bỏ mối đe dọa đó, để ngăn chặn sự đe dọa đó, ông Townsend nói.
Dù vậy, nhiều người trong NATO đã phản đối việc triển khai các vũ khí tấn công mới. Các nhà hoạch định NATO không mong đợi một chỉ thị tăng cường khả năng tấn công mà chỉ để mở rộng các biện pháp phòng thủ, các quan chức liên minh minh cao cấp cho biết.
Nếu liên minh muốn chống lại tên lửa hành trình của Nga, có thể sẽ hiệu quả hơn khi triển khai các công nghệ mới như tia laser, sử dụng các bước sóng hoặc các biện pháp tác chiến điện tử, Mark Gunzinger, nhà phân tích tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách cho biết.
Chúng tôi đã đầu tư vào hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, nhưng thật lòng mà nói, mối đe dọa tên lửa hành trình là một mối đe dọa ngày càng tăng và chúng tôi chưa tìm hiểu khả năng đối phó với nó, ông Gunzinger nói.