NATO lên tiếng về việc mở rộng về phía đông – mối lo ngại lớn nhất của Nga

Kiều Anh |

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định ngày 23/12 rằng, NATO "chưa bao giờ hứa hẹn về việc mở rộng khối", song cho biết hiệp ước thành lập của liên minh đã khẳng định, bất kỳ quốc gia châu Âu nào đều có thể tham gia NATO.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Reuters

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Reuters

Người đứng đầu NATO đưa ra bình luận trên sau những đề xuất của Nga hồi đầu tháng 12, điều có thể coi là NATO đồng ý hạn chế mở rộng như một hình thức đảm bảo an ninh cho Nga.

"Chúng ta không thể đặt câu hỏi về quyền của NATO trong việc bảo vệ cho các đồng minh cũng như nguyên tắc cơ bản là mỗi quốc gia có quyền lựa chọn con đường của riêng mình", ông Stoltenberg cho hay, đồng thời bảo vệ chính sách của khối trong việc kết nạp những quốc gia như Ukraine. Những đề xuất của Nga đã được gửi tới NATO trong khi Mỹ đề nghị rằng, các quan chức liên quan nên cam kết loại bỏ khả năng NATO kết nạp các quốc gia từng thuộc Liên Xô (cũ).

Dù vậy, ông Stoltenberg cho rằng, một cam kết như vậy là trái với những điều mà ông gọi là "nguyên tắc cơ bản của an ninh châu Âu mà Nga cũng đã ký kết". Tổng thư ký NATO đã dẫn ra quyền của mọi quốc gia trong việc "tự quyết định vận mệnh của mình", một nội dung bao gồm cả trong Thỏa thuận Helsinki 1975 và Đạo luật Sáng lập quan hệ Nga - NATO 1997.

Sự mở rộng về phía đông của NATO là mối lo ngại lớn nhất của Nga và là vấn đề gai góc hàng đầu trong mối quan hệ giữa khối này và Moscow. Các nhà chức trách Nga, trong đó có Tổng thống Putin tin rằng, NATO đã cam kết một cách không chính thức với Nga về việc liên minh này sẽ không mở rộng về sườn phía đông trong những năm 1990.

Ngày 23/12, Tổng thống Putin nhận định trong cuộc họp báo cuối năm thường niên rằng Moscow đã bị NATO lừa dối một cách trắng trợn. Dù vậy, Tổng thư ký NATO đã phủ nhận việc từng đưa ra những cam kết như vậy. Ông Stoltenberg cũng cáo buộc Nga đang nỗ lực tạo dựng "các phạm vi ảnh hưởng" bằng cách chỉ định "những quốc gia nhỏ hơn" như Ukraine có thể và không thể làm gì.

"Điều đó đi ngược với mọi quy định nhằm đảm bảo hòa bình và sự ổn định ở châu Âu kể từ cuối Chiến tranh Lạnh".

Những đề xuất của Nga được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang trước cáo buộc Moscow có kế hoạch tấn công Ukraine dù điện Kremlin phủ nhận điều này./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại