NASA tìm cách sửa khẩn cấp kính viễn vọng không gian Hubble bị hỏng

Hồng Hạnh |

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) khắc phục lỗi của con quay hồi chuyển - thiết bị đo tốc trên kính viễn vọng không gian Hubble bằng cách tắt và bật lại.

Hồi đầu tháng 10, một trong những con quay hồi chuyển của kính thiên văn Hubble bị lỗi, buộc các nhà khoa học phải đặt nó ở chế độ an toàn và chỉ hoạt động các chức năng cơ bản nhất. Con quay hồi chuyển là một thiết bị đo tốc thời điểm tàu vũ trụ quay và cần thiết để giúp Hubble xoay và khóa mục tiêu mới. Nó bao gồm một bánh xe bên trong hình trụ kín gọi là phao.

Hubble có 6 con quay, nhưng chỉ có 4 con quay hoạt động cho tới khi xảy ra sự cố trước đó. Hubble luôn cần ba con quay hoạt động để đạt được hiệu quả tối ưu.

Một con quay bị lỗi, cùng với một con quay dự phòng khác cũng bị lỗi khi khởi động, khiến Hubble chỉ có hai con quay, buộc hệ điều khiển của kính thiên văn phải vận hành với một con quay nhằm kéo dài tuổi thọ của cả hai con chưa hỏng.

Nhà thiên văn học Nial Tanvir, đại học Leicester cho hay, Hubble có thể tiếp tục hoạt động nhờ một con quay, nhưng chế độ này đã hạn chế phần không trung mà Hubble quan sát được. Nó cũng khiến chiếc kính viễn vọng mất nhiều thời gian hơn khi chuyển quan sát từ mục tiêu này sang mục tiêu khác.

NASA cho biết con quay dự phòng trước đó bị tắt trong 7,5 năm, khi khởi động đã quay với tốc độ quá cao. Để khắc phục, nhóm điều hành Hubble phải tái khởi động lại con quay hồi chuyển bị lỗi hôm 16/10. Họ tắt nó trong một giây, sau đó khởi động lại trước khi bánh xe bên trong giảm tốc. Tuy nhiên, nỗ lực này không mang lại kết quả.

Hai ngày sau, nhóm tiếp tục chỉ huy tàu vũ trụ thực hiện loạt thao tác, nhằm đảm bảo loại bỏ mọi chướng ngại cản trở con quay hồi chuyển tái hoạt động.

Hôm 19/10, NASA thông báo "nhóm điều hành Hubble đã khắc phục được lỗi và chuyển đổi thành công chế độ của con quay hồi chuyển". NASA sẽ tiếp tục theo dõi con quay hồi chuyển tới hết tuần này để đảm bảo nó hoạt động ổn định.

Kính viễn vọng không gian Hubble nặng 12 tấn, tương đương một xe buýt. Nó hoạt động trên quỹ đạo của Trái Đất ở độ cao 610 km. Nó quay một vòng quanh Trái Đất trong 97 phút và 15 lần mỗi ngày. Hubble hoạt động bằng năng lượng Mặt Trời.

Các nhà khoa học đang xây dựng kính James Webb với hy vọng thay thế Hubble, nhưng dự án này sẽ không được phóng lên không gian trước năm 2021.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại