Nhờ quan trắc Trái đất từ trên cao, các nhà khoa học biết được rằng cách tính này không công bằng đối với một tỉnh nông nghiệp như Bình Thuận. Đó là một trong những khía cạnh mà khoa học quan trắc Trái đất của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) có thể hỗ trợ khi hợp tác với Việt Nam.
Chiều 10/11, một nhóm nhà khoa học Mỹ và Việt Nam có cuộc nói chuyện tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội để giải thích về dự án hợp tác giữa NASA với Trung tâm Vũ trụ quốc gia Việt Nam, giúp Việt Nam giải quyết những câu chuyện của mình. TS Nghiêm Văn Sơn, nhà nghiên cứu cấp cao của Phòng nghiên cứu Chuyển động phản lực của NASA tại Học viện Kỹ thuật California (Mỹ), cho biết, hiện có một dự án quốc tế nghiên cứu về môi trường và biến đổi khí hậu, có sự tham gia của ít nhất 68 nhà khoa học, nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có 22 cộng tác viên từ Việt Nam.
Các nhà khoa học Việt Nam và Mỹ tại cuộc trao đổi về hợp tác Việt - Mỹ trong lĩnh vực quan trắc Trái đất (diễn ra ngày 10/11 tại Hà Nội) Ảnh: Thu Loan
Giải thích một cách dễ hiểu về cách các nhà khoa học đang hợp tác với nhau trong dự án này, ông Sơn nêu ra một số kết quả thực tế. Thủ đô Paris của Pháp luôn được gọi là kinh đô ánh sáng, nhưng ở Việt Nam có những khu vực sáng gấp hàng chục lần Paris. Đó là nơi được gọi là “vương quốc thanh long”.
Ở Bình Thuận, nông dân dùng nhiều bóng đèn chiếu sáng công suất lớn để tăng năng suất thanh long. Loại quả này sinh trưởng tốt ở những vùng đất khô cằn, và năng suất được cải thiện nhờ đèn điện, giúp thanh long trở thành ngành công nghiệp tỷ đô của cả tỉnh, nhờ đó giúp Việt Nam trở thành nước sản xuất thanh long hàng đầu. Nhưng cũng vì thế, Bình Thuận trở thành nơi sáng hơn cả Paris về đêm. Điện thắp sáng là một nguồn phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính. CO2 chủ yếu sinh ra từ khói xe và những nguồn đốt nhiên liệu hoá thạch khác, như nhiệt điện chạy than. Việt Nam đã ký Công ước Paris về biến đổi khí hậu, vì thế phải thực hiện cam kết về lượng CO2 phát thải.
Ánh sáng điện là một chỉ số trong mô hình tính toán phát thải CO2. TS Sơn cho biết, nếu đặt 20 Paris vào Việt Nam để tính lượng phát thải CO2 thì đầu ra ở Việt Nam sẽ là một lượng CO2 vượt quá mức cho phép. Nhưng nhờ quan trắc Trái đất từ trên cao, các nhà khoa học biết rằng Bình Thuận chỉ là một vùng nông thôn, vì thế sẽ không công bằng cho Việt Nam nếu tính theo cách đó.
Một ví dụ khác là Trạm thủy văn Tân Châu ở tỉnh An Giang giúp Việt Nam đo lượng nước sông Mekong ở khu vực đó, nhưng làm sao để đo mực nước từ xa hay khi trạm Tân Châu không hoạt động? TS Sơn cho biết, vệ tinh có thể trở thành một trạm quan trắc ảo, giúp thu thập dữ liệu liên tục. Điều này rất quan trọng vì việc đo đạc tốn kém và sông Mekong rất dài. Nhờ vệ tinh mà các nhà khoa học có thể đo mực nước suốt từ đầu nguồn sông Mekong trên đoạn chảy qua Trung Quốc. Việc đo lường này rất quan trọng vì giúp đưa ra cảnh báo sớm cho hạ nguồn nếu có sự thay đổi đột ngột về mực nước sông, ông Sơn cho biết.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Tiền Phong rằng, việc hợp tác với NASA giúp bảo vệ các lợi ích quốc gia của Việt Nam như thế nào, TS Jack Kaye, công tác tại bộ phận khoa học Trái đất của NASA, cho biết, công việc của các nhà khoa học là cung cấp dữ liệu, bảo đảm dữ liệu sẵn có để hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách đưa ra quyết định trên cơ sở khoa học. “Nắm bắt sự thay đổi của hành tinh, dự toán chi phí cho tương lai, chuẩn bị đối phó các thảm hoạ, để từ đó giảm thiểu thiệt hại. Đó là cách chúng tôi đang hợp tác với các đối tác quốc tế, cung cấp cho họ thông tin tốt để họ tận dụng. Đó sẽ là lời khuyên tốt nhất”, TS Kaye nói.
TS Sơn cho biết, khoa học không có biên giới, ô nhiễm không khí khi xảy ra ở một nơi vẫn có thể phát tán sang những nơi khác. Số liệu mà NASA cung cấp giúp mọi người có thể tiếp cận. Ví dụ, NASA có thể đo mực nước sông Mekong từ thượng nguồn xuống hạ nguồn. Những dữ liệu như vậy có thể hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách và cả các công ty nếu họ muốn biết khi nào nước ở thượng nguồn được xả ra, để từ đó họ sớm tìm được giải pháp ứng phó.
Không thua kém ở khu vực
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, TS Lê Trung Chơn, công tác tại ĐH Tài nguyên Môi trường TPHCM và là một cộng tác viên của dự án, cho biết, Việt Nam có vệ tinh Vinasat 1 từ năm 1998. Vệ tinh này bay quanh quỹ đạo nhưng 4-6 ngày mới quay lại vị trí cũ. Vệ tinh LOTUSat cũng mất 3-6 ngày mới quay lại điểm cũ. Vậy những ngày còn lại Việt Nam lấy hình ảnh ở đâu? NASA, Ý, châu Âu… cung cấp cho Việt Nam hình ảnh trong những ngày bị trống đó, giúp chúng ta có thể quan trắc liên tục.
Vệ tinh có thể giúp phát hiện các mục tiêu trên biển, xác định giàn khoan dầu của các quốc gia. Vệ tinh cũng giúp xác định nguy cơ lở đất, bão sắp đến và những hậu quả do bão gây ra…
“Hợp tác quốc tế đảm bảo dữ liệu của chúng ta được liên tục và đầy đủ để giải quyết câu chuyện của mình. Còn cơ chế là hợp tác ‘win - win’ (cùng thắng), nghĩa là chúng ta cũng cấp cho họ hình ảnh chúng ta thu được”, ông Chơn nói.
TS Chơn giải thích, khi có nguồn dữ liệu, muốn khai thác dữ liệu để thu được thông tin mình cần thì đòi hỏi kiến thức về khoa học, năng lực xử lý. Các chuyên gia phải đi thực địa để đối soát dữ liệu. Ông Chơn nói rằng, điều thú vị là hiện nay việc quan sát Trái đất không chỉ sử dụng ở vệ tinh mà cả các thiết bị bay không người lái (drone) tầm thấp. Vệ tinh giúp nhìn tổng thể, còn drone giúp xác định chi tiết.
Ông Chơn nói rằng, Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của lĩnh vực này, vì thế đã có chiến lược riêng về viễn thám. Đánh giá về trình độ công nghệ vệ tinh quân sự và dân sự của Việt Nam so với các nước, TS Chơn nêu câu chuyện ông đến ĐH New South Wales của Úc cách đây 2 tuần. “Ở đó, mấy năm trước thành lập Trung tâm Công nghệ vũ trụ, chế tạo vệ tinh pico. Việt Nam đã chế tạo vệ tinh đó cách đây 10 năm, nghĩa rằng về công nghệ viễn thám, công nghệ vũ trụ, Việt Nam có đội ngũ không thua kém nước nào trong khu vực”, ông Chơn nói.
Tuy nhiên, TS Chơn cho rằng, đây là bài toán dài hơi, cần đầu tư nghiêm túc, chiến lược dài hạn thì mới đi xa được. “Chắc chắn thế giới càng mở, công nghệ càng thay đổi, quan sát thế giới từ xa trở thành công cụ vô cùng quan trọng đối với đời sống. Google Maps, định vị cách đây hai chục năm không ai nói đến, giờ đã là một phần của cuộc sống”, ông Chơn nói.