Theo Science Alert, lỗ đen quái vật này nằm ở trung tâm cụm thiên hà Perseus. Các sóng âm phát ra từ nó đã được các nhà khoa học "nâng tông" lên 57 và 58 quãng tám để mọi người có thể nghe được, bởi âm thanh gốc cực trầm so với khả năng của thính giác con người.
Lỗ đen quái vật là loại lỗ đen siêu khối, có khối lượng từ vài trăm nghìn lần đến hàng tỉ lần Mặt Trời của chúng ta.
Cụm thiên hà vĩ đại Perseus - Ảnh: NASA/CXC/SAO/E.Bulbul
Kết quả được NASA công bố bao gồm hình ảnh đồ họa tái hiện "chân dung" cụm thiên hà chứa lỗ đen quái vật dựa trên dữ liệu quang phổ tổng hợp mà cơ quan này và nhiều cơ quan vũ trụ, hệ thống kính thiên văn khác thu thập được.
Âm thanh kỳ lạ nghe như một tiếng hú lạ lùng và hoang dã của một động vật hung dữ, khủng khiếp nhưng chưa được xác định trên Trái Đất, pha một chút tức giận - theo mô tả của NASA.
Tiếng hú ghê rợn từ lỗ đen quái vật - Clip: NASA
Đoạn clip như một lời khẳng định: Bạn không thể nghe âm thanh trong không gian vũ trụ bao la, nhưng không có nghĩa là không có âm thanh nào. Thậm chí vũ trụ rất ồn ào, hỗn loạn, chỉ là tai người không đủ sức tiếp nhận mọi thứ.
Sóng âm truyền qua 250 triệu năm ánh sáng từ trung tâm cụm thiên hà Perseus đã được phát hiện trong sự kinh ngạc của giới khoa học từ năm 2003, tuy nhiên cho đến nay họ mới thành công trong việc ghi lại đầy đủ các cung bậc và chuyển đổi nó thành thứ nhân loại có thể "thưởng thức".