Sáng 7/8, tại Hội nghị "Cải thiện năng suất lao động xã hội", Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm đã công bố tính toán của cơ quan này về năng suất lao động trùng bình của người Việt trong năm 2018.
Với mức tăng trưởng kinh tế đạt 7,08% trong năm 2018 đạt 7,08%, năng suất lao động trung bình theo giá hiện hành ước đạt 102,2 triệu đồng (tương đương 4.521 USD), tương ứng tăng 6% so với năm 2017.
Tính theo sức mua tương đương (PPP) năm 2011, tốc độ gia tăng năng suất lao động của Việt Nam ở mức cao trong khu vực với mức tăng 6% so với năm 2017. Bình quân giai đoạn 2016-2018, năng suất lao động tăng 5,7%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,35%/năm của giai đoạn 2011-2015. Tính chung giai đoạn 2011-2018, năng suất lao động tăng bình quân 4,8%/năm. Tuy nhiên, con số năng suất vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, thậm chí chênh lệch tuyệt đối còn tiếp tục gia tăng mạnh.
Cụ thể, tính theo PPP năm 2011, năng suất lao động của người Việt ăm 2018 đạt 11.142 USD, chỉ bằng 7,3% mức năng suất của Singapore, 19% của Malaysia, 37% của Thái Lan, 44,8% của Indonesia và bằng 55,9% năng suất lao động của Philippines.
Một số nguyên nhân khiến năng suất lao động của người Việt thấp là do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động còn chậm. Ngành nông nghiệp chỉ đóng góp khoảng 16% GDP nhưng lao động chiếm tỷ trọng hơn 42% toàn xã hội, có năng suất lao động thấp nhất, chỉ đạt 39,8 triệu đồng/người/năm.
Các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ở nước ta đã có bước phát triển nhưng năng lực và tiềm lực còn ở mức hạn chế khi xếp hạng các chỉ số của nước ta so với các nước trên thế giới mới chỉ ở mức trung bình hoặc trung bình thấp.