Nắng nóng quay lại, nguồn điện sẽ ra sao?

NGỌC QUANG |

Ngày 1/7, thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, lưu lượng nước về các hồ thủy điện khu vực miền Bắc đã được cải thiện. Mực nước hiện tại của các hồ Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Bản Chát đều đã cao hơn mực nước chết từ 5 - 9m. Các nhà máy thủy điện Lai Châu, Tuyên Quang, Huội Quảng đã vận hành trở lại.

Nắng nóng quay lại, nguồn điện sẽ ra sao? - Ảnh 1.

Lưu lượng nước về hồ thủy điện Sơn La đã được cải thiện.

Chủ động nguồn cung

Trước đó, tại một báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cho biết lưu lượng nước về các hồ thủy điện ở miền Bắc tiếp tục tăng nhẹ. Mực nước các hồ thủy điện miền Bắc đã cách xa mực nước chết. Cụ thể: Mực nước hồ/mực nước chết ở hồ Lai Châu là 291,56/265m; hồ Sơn La 184,16/175m; hồ Hòa Bình 102,05/80m; hồ Thác Bà 47,55/46m; hồ Tuyên Quang 103,23/90m; hồ Bản Chát 445,8/431m.

Tuy nhiên, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo, khu vực Bắc bộ sẽ có 1 đợt nắng nóng kéo dài tới ngày 6/7, nhiệt độ cao nhất là 37 độ C. Còn ở các tỉnh Bắc Trung bộ nắng nóng kéo dài tới ngày 10/7, nhiệt độ cao nhất 38 độ C, có nơi trên 38 độ C.

Theo GS.TSKH Võ Đại Lược, với diễn biến khó đoán của điều kiện tự nhiên hiện nay, không ai đảm bảo năm sau sẽ không hạn hán, khi thuỷ điện chiếm 42% tổng sản lượng điện miền Bắc, nếu thủy điện thiếu điện, chúng ta không lấy nguồn ở đâu được khi mà nhiệt điện chỉ có vậy, và cũng không thể chạy liên tục để duy trì điện nền ổn định… Vai trò, trách nhiệm của EVN đã rõ nhưng cần ngành điện phải đổi mới toàn diện từ phát điện, truyền tải đến tiêu dùng.

Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), với lượng nước đã tích được trong các hồ thủy điện miền Bắc hiện nay cùng với lưu lượng nước về tăng lên, hệ thống điện miền Bắc có thể đáp ứng được giai đoạn nắng nóng mới này. Từ đầu tháng 7 có thể sẽ tăng cường khai thác hồ thủy điện Lai Châu khoảng 10 - 14 triệu kWh/ngày để nâng mức nước hồ Sơn La nhằm nâng công suất khả dụng. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường khai thác hồ Tuyên Quang khoảng 4 - 5 triệu kWh/ngày để hỗ trợ lưới điện khu vực. Trong khi đó các nhà máy nhiệt điện than ở miền Bắc hiện đã được cung ứng đủ than cho sản xuất điện; 6 nhà máy đang có lượng than tồn kho dưới 5 ngày, gồm: Nhiệt điện Na Dương 0,5 ngày; Nhiệt điện Sơn Động 4,2 ngày; Nhiệt điện Hải Phòng 4,6 ngày; Nhiệt điện Mạo Khê 2,9 ngày; Nhiệt điện Cao Ngạn 4,8 ngày; Nhiệt điện Thăng Long 3,9 ngày; Nhiệt điện Uông Bí MRII 4,8 ngày.

Như vậy, tình hình đã sáng lên, những ngày nắng nóng tới sẽ khó xảy ra thiếu điện, cắt điện luân phiên như trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, Theo Cục Điều tiết điện lực, người dân, các doanh nghiệp vẫn phải chủ động thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện, sử dụng điện hiệu quả để tránh lãng phí và gây ra những áp lực, tình huống, sự cố ảnh hưởng đến nguồn cung.

Trước đó, nhiều người đặt câu hỏi: Nhiều hồ thủy điện miền Bắc đã "no nước", vậy vì sao chỉ 4 nhà máy được phát điện? Thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, cả nước hiện có 19 nhà máy thủy điện thuộc EVN đang phát điện lên lưới. Tuy nhiên, nhiều hồ thủy điện phát điện công suất tối thiểu, thấp để chờ nước lên và an toàn điều độ điện.

Thực tế, dù mực nước tại các hồ thủy điện khu vực Bắc bộ tăng, nhưng các nhà máy thủy điện phía Bắc vẫn hạn chế huy động phát điện để dự phòng cho đợt nắng nóng tiếp theo.

Bắc Trung bộ nguy cơ hạn hán gay gắt

Theo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), mực nước hồ chứa thủy điện khu vực Bắc Trung bộ tăng chậm. Từ đó dẫn tới việc phát điện cầm chừng để đảm bảo an toàn tổ máy khi vận hành, nâng cao mực nước phát điện.

Thời gian qua, nắng nóng dữ dội khiến lòng hồ thủy điện lớn nhất Bắc Trung bộ cạn trơ đáy, dân mở đường đi bộ dưới lòng hồ. Đó là hồ thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An). Đặc biệt, vùng thượng nguồn lòng hồ thủy điện Hữu Khuông, được coi là xã “ốc đảo” lòng hồ trơ đáy.

Thường ngày, người dân, cán bộ và các giáo viên phải di chuyển bằng thuyền vượt lòng hồ thủy điện để đến nơi làm việc. Tuy nhiên, do mực nước hồ xuống thấp, tuyến đường thủy bị đứt gãy, họ phải tự mở đường và làm cầu tạm để đến bến nước đi thuyền.

Dân số ở xã Hữu Khuông có khoảng 3.000 người, nằm rải rác ở nhiều bản làng và tuyến đường đi lại còn khó khăn. Trên lòng hồ thủy điện có khoảng 150 thuyền để phục vụ bà con, dân bản làm phương tiện đi lại hằng ngày. Lãnh đạo xã cho biết, để khắc phục chính quyền đã huy động hơn 100 người ở 2 bản để mở đường, chặt gỗ làm 2 cây cầu tạm, trong đó một cầu 8m và một cầu gần 10m. Việc mở đường mới là để bà con đi bộ, đi xe máy đỡ phải lội bùn dưới lòng hồ khi di chuyển đến bến thuyền mới. Đoạn đường đào mới, chắp nối kéo dài khoảng hơn 2km.

Không chỉ ở hồ Bản Vẽ, cơ quan khí tượng thủy văn cho biết, Bắc Trung bộ sẽ còn nắng nóng kéo dài trong mùa hè này. Nhiều hồ chứa nước cạn kiệt, nhiều dòng sông thiếu nước. Ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại