Kể từ khi phục vụ trong Quân đội Liên Xô vào năm 1952, đã có khoảng 12.000 chiếc xe tăng lội nước PT-76 các phiên bản xuất xưởng, chúng phục vụ trong lực lượng vũ trang nhiều quốc gia trên thế giới.
Do ra đời cách đây tới hơn nửa thế kỷ, PT-76 không còn đáp ứng được các yêu cầu của tác chiến hiện đại. Vũ khí chính của nó là khẩu pháo D-56T cỡ 76,2 mm thiếu uy lực trong cả vai trò yểm trợ hỏa lực cho bộ binh lẫn chống thiết giáp đối phương, hơn nữa pháo lại thiếu thiết bị ngắm bắn chính xác hay ổn định tầm hướng tin cậy.
Xe tăng lội nước PT-76B của Việt Nam
Nhu cầu thay thế PT-76 đã trở nên cấp thiết. Tùy thuộc vào mối quan hệ ngoại giao cũng như hệ vũ khí quen thuộc mà người sử dụng có thể lựa chọn mua sắm ZTD-05 của Trung Quốc hay 2S25 Sprut-SD do Nga sản xuất.
Hai chiếc chiến xa trên tuy rằng tính năng vượt trội PT-76 nhưng giá thành không hề dễ chịu, khó mà triển khai được kế hoạch mua sắm trên quy mô lớn. Nếu ở trong hoàn cảnh không dư dả về tài chính, phương án thay thế nên cân nhắc chính là hoán cải xe chiến đấu bộ binh BMP-1 thành xe tăng hạng nhẹ như cách Ấn Độ đã làm.
Xe tăng hạng nhẹ do Ấn Độ chế tạo trên khung gầm xe chiến đấu bộ binh BMP-1
Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ - DRDO đã chế tạo một chiếc xe tăng lội nước khá độc đáo bằng cách kết hợp khung gầm xe chiến đấu bộ binh Sarath (phiên bản BMP-1 do họ sản xuất theo giấy phép) với tháp pháo GIAT TS-90 của Pháp.
Chiếc xe tăng hạng nhẹ trên có kíp lái 3 người, vũ khí chính là khẩu pháo cỡ 105 mm (thay vì 90 mm như nguyên bản) lắp hệ thống nạp đạn bán tự động cùng bộ phận giảm giật đầu nòng, bắn được cả đạn xuyên lõm, đạn xuyên động năng, đạn nổ phá mảnh chống bộ binh, lẫn đạn nổ nén... cơ số đạn 42 viên (10 viên nạp sẵn trong băng).
Xe được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực COTAC, thiết bị đo xa laser, kính ngắm đêm cho trưởng xe và pháo thủ, kính ngắm toàn cảnh cho chỉ huy. Ưu điểm đáng chú ý của chiếc xe tăng hạng nhẹ trên là nó không phải hy sinh tính cơ động khi tích hợp pháo cỡ nòng lớn, khả năng bơi của xe vẫn được bảo toàn.
Dự án trên của Quân đội Ấn Độ khởi động năm 1983 và dự kiến hoàn thành vào năm 1986. Nhưng do chi phí thực hiện bị đội lên gần gấp đôi, cùng với kết luận đưa ra năm 1985 cho rằng việc chế tạo xe tăng hạng nhẹ trên khung gầm BMP là không cần thiết mà chiếc chiến xa này chưa được hoàn thiện.
Với đặc thù địa hình nhiều đồi núi và tiềm lực tài chính dồi dào, việc Ấn Độ đổ tiền nghiên cứu hoán cải xe chiến đấu bộ binh BMP-1 thành xe tăng hạng nhẹ tỏ ra không tối ưu bằng phương án đi mua hay chế tạo một dòng phương tiện hoàn toàn mới.
Nhưng đối với một vài quốc gia khác (nhất là những nước có quan hệ hợp tác quốc phòng chặt chẽ với New Delhi) thì có lẽ cách làm trên lại phù hợp, nếu Ấn Độ đồng ý chia sẻ kinh nghiệm thu được, không loại trừ viễn cảnh chiếc xe tăng hạng nhẹ trên sẽ hồi sinh trong tương lai.