Hôm nay (7/7), tròn 9 năm xảy ra vụ tai nạn trực thăng rơi ở Thạch Thất, Hà Nội. Ngày mà 20 chiến sỹ tham gia chuyến bay huấn luyện nhảy dù của Tiểu đoàn Đặc công 18, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội hy sinh, trên chiếc máy bay Mi171 ở Bình Yên (Thạch Thất, TP Hà Nội). Thượng úy Đinh Văn Dương là chiến sỹ sống sót duy nhất trong vụ tai nạn này, nhưng anh phải chịu bao nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần từng ấy năm qua.
Trong căn hộ nhỏ tại quận Long Biên, Hà Nội, Thượng úy Đinh Văn Dương cho biết, suốt 9 năm qua anh chỉ quanh quẩn trong nhà với chiếc xe lăn. Thỉnh thoảng anh cũng xuống sân chung cư hóng gió, lúc thì chơi cùng con. Khác với 9 năm trước, bây giờ thứ có thể giúp anh liên lạc qua thế giới bên ngoài là điện thoại và máy tính.
Gần 1 thập kỷ, anh Dương đã làm bạn với chiếc xe lăn
Nhìn về đôi bàn cụt của bản thân, nhớ lại cảnh tượng kinh hoàng vào 9 năm trước, người lính phi công năm nào lại rơm rớm nước mắt. Vụ tai nạn rơi máy bay khi anh đang huấn luyện thực hành nhảy dù ngày 7/7/2014 đã cướp đi 20 người bạn, người đồng đội của anh. Cứ đến ngày này, khoảnh khắc đó lại hiện về rất mãnh liệt khiến anh không bao giờ quên.
Trải qua 2,5 năm điều trị trong bệnh viện với 24 cuộc phẫu thuật, 3 lần tim ngừng đập, không còn 2 bàn tay, 2 đôi chân, mặt mũi biến dạng... Sau tai nạn, anh Dương từng mất 3 tháng để tập ngồi, 6 tháng tập đứng, tập đi trên đôi chân giả. “Cuộc đời tôi đã trải qua hai lần tập ngồi, tập đi, tập đứng rồi. Lần sau khó hơn lần trước gấp 10”, Thượng úy Đinh Văn Dương kể.
Bằng tất cả nghị lực, người phi công ấy đã vượt qua số phận để giành được sự sống một cách phi thường. Nếu tiếp xúc ai cũng nhìn thấy ở anh những nguồn năng lượng, nghị lực vươn lên và sức sống mãnh liệt ẩn sâu trong cơ thể còn lại những nỗi đau.
Anh nói: “Có những lúc tưởng chừng như không thể vượt qua, tôi lại tự nhủ với bản thân là phải cố gắng sống tiếp, sống để chiến đấu tiếp với cuộc sống thứ 2. Tôi là người duy nhất được nhận trong vụ tai nạn năm đó”.
“Đó là ký ức buồn tôi muốn quên nhưng không thể, càng không thể quên được nụ cười tươi rói của cậu bạn thân tên Quang ở Ba Vì, Hà Nội, vì trước khi máy bay gặp nạn chúng tôi còn trò chuyện, cười đùa với nhau”, anh Dương xúc động nhớ lại.
Mặc dù thân hình không còn lành lặn, nhưng trí nhớ và khả năng ngôn ngữ của anh không bị ảnh hưởng nhiều, dần anh trở về trạng thái như trước khi gặp tai nạn.
Đang kể chuyện, hai người con của anh bỗng chạy đến ôm chầm lấy ba. Anh Dương liền lấy bàn tay không lành lặn đặt lên đầu con. Đang dịp nghỉ hè nên anh để hai con “ngủ nướng” sau chuỗi ngày học tập bận rộn.
Hình ảnh anh cùng đồng đội của mình tập huấn chiến đấu một thời
Mẹ, vợ, gia đình níu tay anh ở lại cuộc đời
Anh tâm sự: “Nhờ gia đình, đặc biệt phải cảm ơn mẹ và vợ là hai người phụ nữ đã giành tôi lại bằng được từ tay tử thần. Có những lúc cơn đau hành hạ, tôi cũng từng muốn buông xuôi, muốn kết thúc cuộc sống cho xong nhưng nhìn mẹ tất tả mua cơm bón cháo, lắng tai nghe các con gọi bố, lời động viên của đồng đội, y bác sĩ điều trị... Những âm thanh ấy níu giữ tôi lại với cuộc đời”.
Trải qua những kinh hoàng đó, đến giờ hàng ngày anh vẫn phải dùng 10-20 viên thuốc để ổn định sức khỏe, xoa dịu những cơn đau do thương tích gây ra.
Những ngày khỏe mạnh, anh dọn dẹp nhà cửa. Mặc dù chỉ không còn đôi bàn tay, nhưng anh cũng tự mình cắm cơm những lúc bà đi đón cháu, vợ đi làm chưa về. Tuy vậy, 90% cuộc sống sinh hoạt của anh phụ thuộc vào người vợ và mẹ đã ngoài 60 tuổi.
Hiện tại, phương tiện chính để anh kết nối với thế giới bên ngoài là điện thoại di động, máy tính. Những việc như đọc sách, báo, pha trà, sử dụng điện thoại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân, giờ đây anh Dương đã có thể tự làm được sau khi trải qua quá trình tập luyện nỗ lực.
Trên cơ thể anh nơi nào cũng có vết tích của vụ tai nạn
Rảnh rỗi anh sẽ tự mình di chuyển xe lăn xuống sân chung cư hóng gió buổi chiều, hay ngồi uống nước chè, chuyện phiếm với bảo vệ đến khuya.
Mỗi năm vào ngày 7/7, anh cùng gia đình về lại nơi chiếc máy bay huấn luyện bị rơi ở Thạch Thất, Hà Nội để thắp hương cho 20 đồng đội. Ở nơi máy bay rơi, người dân dựng mấy gian nhà tôn, lập một bàn thờ chung cho 20 người lính và khói hương đều đặn.
9 năm qua, anh vẫn trăn trở với tâm nguyện lớn nhất của mình, có thể sớm xây dựng một đài tưởng niệm, tưởng nhớ đồng đội. Bởi hiện nay ở đây, gọi là nơi thờ phụng, tưởng niệm nhưng thực chất mới chỉ là một ngôi nhà được lợp tôn trên khu đất nơi xảy ra vụ tai nạn.
“Tôi mong có thể xây dựng một đài tưởng niệm những anh em đã hy sinh trang trọng, lịch sự hơn. Anh em được thờ tại nơi gặp nạn che tạm mái tôn tôi cũng áy náy lắm. Tuy nhiên với sức khoẻ như hiện nay cũng như mình không đủ điều kiện nên chưa làm được. Tôi sẽ cố gắng làm một nơi để các chiến sĩ đồng đội của mình có nơi thờ tự trang trọng hơn", Thượng úy Đinh Văn Dương nói.