Nắn dòng Rào Trăng tìm kiếm các nạn nhân mất tích sau vụ sạt lở

Anh Khoa |

Tại hiện trường sông Rào Trăng, lực lượng CNCH phát hiện nhiều khối bê tông lớn nằm dưới sông, khu vực nghi nhóm công nhân bị vùi lấp.

Sáng 19/11, lực lượng cứu nạn, cứu hộ (CNCH) thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, Công an tỉnh, Lữ đoàn Công binh 414, Quân khu 4 phối hợp cùng các đơn vị tiếp tục triển khai các hoạt động phục vụ công tác tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích sau vụ sạt lở đất tại thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền).

Lực lượng CNCH chia thành 4 bộ phận, gồm bộ phận 6 xe cơ giới đào đắp, khơi thông dòng chảy; bộ phận tập kết vật liệu rọ đá, thu gom đá; bộ phận tổ chức tìm kiếm các nạn nhân và bộ phận cảnh giới, cắm mốc bảo đảm an toàn.

Nắn dòng Rào Trăng tìm kiếm các nạn nhân mất tích sau vụ sạt lở - Ảnh 1.
Nắn dòng Rào Trăng tìm kiếm các nạn nhân mất tích sau vụ sạt lở - Ảnh 2.

Lực lượng quân đội vận chuyển rọ thép để thực hiện công tác đắp đập ngăn sông Rào Trăng.

Lữ đoàn Công binh 414, Quân khu 4 đã cắt cử nhiều CBCS lội bùn, thay phiên nhau đưa các rọ đá vào khu vực vụ sạt lở để đắp đập và nắn dòng sông Rào Trăng 3. Hai kỹ sư xây dựng cầu đường của Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia đánh dấu vị trí múc đất, tạo dòng chảy mới cho sông.

Sau khi kỹ sư đánh dấu vị trí, 4 xe múc liên tục đào đất, tuy nhiên do dòng sông Rào Trăng chảy xiết, có nhiều khối đá lớn khiến công việc nắn dòng Rào Trăng gặp nhiều khó khăn. Tại hiện trường sông Rào Trăng, lực lượng CNCH phát hiện nhiều khối bê tông lớn nằm dưới sông, khu vực nghi nhóm công nhân bị vùi lấp.

Nắn dòng Rào Trăng tìm kiếm các nạn nhân mất tích sau vụ sạt lở - Ảnh 3.

Đào đất ngăn đập sông Rào Trăng.

Trung tá Phan Thắng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện các lực lượng tổ chức tìm kiếm gặp khó khăn do lưu tốc của dòng chảy trên sông Rào Trăng rất lớn, khoảng 15 đến 20m3 nước/giây.

Trước lúc lực lượng cơ động về Sở Chỉ huy tiền phương để trú tránh bão số 13 đã đào khoảng 60% khối lượng công việc, thế nhưng đến thời điểm hiện tại khối lượng đất đá bồi lấp tương đối lớn. Vì thế, lực lượng đơn vị đã tập trung phương tiện máy móc, nhân lực để tập trung nắn lại dòng chảy, tập kết đầy đủ các vật liệu để bảo đảm công tác đắp đập nắn dòng về phía thượng lưu đạt kết quả tốt.

Nắn dòng Rào Trăng tìm kiếm các nạn nhân mất tích sau vụ sạt lở - Ảnh 4.

Công tác đắp đập nắn dòng chảy Rào Trăng gặp khó khăn do sông sâu, rộng, nước chảy xiết.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Trưởng Ban điều hành thủy điện Rào Trăng 3 cho hay, kế hoạch triển khai đắp đập nắn dòng chảy gặp khó khăn do sông sâu, rộng, nước chảy xiết, khối lượng đất đào đắp tương đối lớn. Tuy nhiên, Công ty sẽ tích cực phối hợp với các lực lượng đơn vị để mong sao tìm kiếm được các nạn nhân càng sớm,càng tốt.

Nắn dòng Rào Trăng tìm kiếm các nạn nhân mất tích sau vụ sạt lở - Ảnh 5.

Trang thiết bị, phương tiện, vật dụng được tập kết ở khu vực bờ sông Rào Trăng để thực hiện công tác đắp đập, nắn dòng, phục vụ tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích.

Tại hiện trường vụ sạt lở, CBCS và các lực lượng tham gia tìm kiếm các nạn nhân mất tích phải vượt qua bùn đất, núi đá nham nhở, cheo leo, khuân vác từng hòn đá đan thành rọ, kết làm bờ đê ngăn dòng chảy. Công tác triển khai để nắn dòng Rào Trăng được các lực lượng triển khai với tinh thần trách nhiệm cao, phấn đấu một trong 2 ngày tới hoàn tất ngăn đập nắn dòng Rào Trăng và chuyển qua giai đoạn tìm kiếm các nạn nhân dưới lòng sông.

Thời gian qua, do tình hình mưa bão diễn biến phức tạp, đặc biệt là cơn bão số 13 đã gây trở ngại, gián đoạn hoạt động tìm kiếm nạn nhân tại Rào Trăng 3. Đến nay, lực lượng CNCH tìm thấy được 5 thi thể, vẫn còn 12 nạn nhân đang mất tích sau vụ sạt lở đất tại thủy điện Rào Trăng 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại