22h đêm đi ngủ. Nhưng 1h30 sáng lại dậy đi phát báo. Làm đến sáng cho kịp vào ca học lúc 9h30.
Mỗi ngày chỉ ngủ 3 tiếng. Đổi lại mức lương 23 triệu/tháng nơi xứ người...
Đó là cuộc sống mỗi ngày của du học sinh Vũ Tuấn Kiệt (sinh năm 2001). Mỗi ngày Kiệt đều trôi qua như vậy, chỉ ngủ 3 tiếng mỗi ngày.
Vũ Tuấn Kiệt - du học sinh Nhật Bản thức dậy từ 1h đêm đi giao báo
Kiệt là du học sinh Nhật, nhận được học bổng Asahi - một học bổng rất nổi tiếng trong giới du học sinh xứ hoa anh đào. Đây là quỹ học bổng tư nhân dành cho sinh viên Việt Nam, được tài trợ bởi Asahi - tờ nhật báo lớn thứ hai tại Nhật Bản.
Sinh viên qua Nhật sẽ được hỗ trợ học phí, chỗ ở và cả công việc làm thêm trong 2 năm học tiếng Nhật. Đổi lại, du học sinh phải giao báo mỗi ngày vào 2 khung giờ sáng - chiều.
Đãi ngộ hấp dẫn nhưng điều kiện công việc vô cùng vất vả. Ngay cả khi cậu bạn đã tìm hiểu sự khó khăn của công việc này trước khi quyết định đăng kí, nhưng khi mới sang Nhật, Kiệt cũng không tránh khỏi cú sốc.
Video chia sẻ về cuộc sống du học 1h sáng dậy đi làm, chỉ ngủ có 3 tiếng đã khiến nhiều người không khỏi "vỡ mộng" về cuộc sống du học sinh. Du học chưa bao giờ là sướng và phải ý chí lắm thì mới vượt qua được...
1 ngày đi học - đi làm của du học sinh Nhật kèm theo phát báo
Du học sinh giao báo: Dậy từ 1h sáng - Làm quần quật chỉ ngủ 3 tiếng/ngày
1h30 sáng: Khi cả thành phố đang say ngủ, Kiệt tỉnh dậy, thay quần áo và xuống tiệm báo để bắt đầu công việc của mình. Sau khi đo thân nhiệt và kiểm tra lịch trực, Kiệt bắt tay vào phân loại báo. Công việc không khó khăn nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận.
2h30 sáng: Cậu xếp từng chồng báo lên giỏ xe, buộc lại cho chắc chắn và bắt đầu hành trình đi giao báo khi trời vẫn còn tối đen như mực.
Báo sáng thường dày và nặng nên Kiệt tốn vài tiếng đồng hồ mới giao xong. Khi kết thúc công việc, trời cũng vừa hửng sáng. Sau khi làm xong, Kiệt cũng vội vàng về phòng trọ tắm rửa, dọn đồ cho ca học lúc 9h30.
Vào buổi chiều, cậu tiếp tục đi giao báo đến 17h30 trước khi trở về phòng trọ ăn cơm tối, học bài. Ngả lưng trên giường khi đồng hồ điểm 22h tối, cậu chỉ có vài tiếng để ngủ trước khi... lại tiếp tục giao báo vào lúc 1h sáng.
Một ngày chỉ ngủ hơn 3 tiếng trong khi cường độ làm việc rất cao, thời gian đầu Kiệt vô cùng buồn ngủ. Cậu uống cà phê và nước tăng lực mua ở cây bán hàng tự động để chống lại cơ thể. Việc thiếu ngủ cũng ảnh hưởng đến việc học hành, song 10x luôn cố gắng thu xếp thời gian để hoàn thành tất cả bài vở trên trường.
Vào những ngày được yêu cầu tăng ca, công việc giao báo vốn vất vả nay càng thêm áp lực. Thậm chí sau khi đã qua Nhật một thời gian dài và quen với cường độ làm việc, Kiệt cũng không tránh khỏi sự mệt mỏi.
Mỗi ngày Kiệt giao khoảng 800 tờ báo. Cậu luôn cố gắng phát kịp trước giờ đi học. Tuy nhiên, nếu phải đi làm vào những hôm tuyết rơi, mặt đường đóng băng, di chuyển khó khăn thì việc phát không kịp giờ đến trường là hoàn toàn có thể xảy ra. "Các anh chị đi trước kể trận tuyết năm 2018 phải phát đến tận 12 giờ trưa, coi như là phát xong báo sáng, nghỉ ngơi một chút rồi phát báo chiều luôn. Tiệm mình nói nếu mà như thế thì mình cũng sẽ phải nghỉ học để đi phát." - Kiệt tâm sự.
Những ngày mưa bão là một cực hình với chàng trai cận 5.5 độ. Cậu gần như không thể thấy gì trên đường. Những lúc như thế, Kiệt tháo kính ra và đi bằng cảm giác vì đã nhớ khá chi tiết các con đường hàng ngày giao báo. Để tránh nước mưa làm ướt báo của khách hàng, Kiệt phải bọc báo bằng túi nilon và chúng rất dễ đổ.
"Mình tin là khi trời mưa, ngã xe, chứng kiến báo đổ trắng đường là cảm giác bất lực nhất của các bạn đi phát báo. Lúc đó chỉ muốn bỏ về cho xong. Trời mưa thì việc ngã xe là chuyện như cơm bữa, nhưng báo đổ mới đáng sợ. Nhiều khi thấy trời mưa, không quan tâm bản thân có bị ướt hay không, mình phải vội vàng cởi đồng phục ra để che cho báo kẻo nhận báo ướt, hỏng khách sẽ phàn nàn." - Kiệt nhớ lại.
Giao báo những ngày mưa bão đối với Kiệt cũng là một "cực hình" không kém
Chàng sinh viên chia sẻ đã nhiều lần bị trách mắng khi mắc sai sót trong lúc giao báo. Người già ở Nhật đọc báo giấy rất nhiều. Một số mắc bệnh đãng trí, nhận báo xong lại quên mất và gọi điện đến tiệm để phàn nàn. Vào những lúc đó Kiệt phải đi đến tận nhà họ phát lại.
Thông thường, các tiệm báo sẽ chỉ khiển trách hoặc yêu cầu viết kiểm điểm nhưng đôi khi họ sẽ phạt tiền hay báo cáo lên hội khuyến học. Tuy nhiên, theo Kiệt, người Nhật phân biệt khá rõ ràng giữa công việc với cuộc sống đời thường nên có thể họ vừa trách móc 5 phút trước, một lúc sau gặp ở ngoài thì vẫn trêu đùa nói chuyện như bình thường.
Công việc giao báo đem lại cho Kiệt khoản thu nhập 20 - 23 triệu đồng/tháng chưa tính thưởng Tết dương lịch (khoảng 4 triệu đồng). Vì không phải lo tiền nhà và học phí, cậu luôn cố gắng chi tiêu hợp lý để dành ra một khoản tiết kiệm chuẩn bị cho việc theo đuổi ngành Kinh doanh tổng hợp ở đại học sau 2 năm học tiếng Nhật.
Chàng trai phải rất cố gắng thì mới có thể duy trì sự tỉnh táo dù chỉ ngủ 3 tiếng/ngày
Trưởng thành qua 2 năm nơi xứ người: Nhật Bản lấy đi kỷ niệm gia đình, nhưng cũng trả lại cho mình nhiều thứ
Giao báo là một công việc rất vất vả và tốn nhiều thời gian. Vì vậy Kiệt luôn cố gắng thu xếp để học lúc tối trước khi đi ngủ tầm 30 phút đến 1 tiếng. Cậu cũng dành thời gian vào ngày nghỉ cuối tuần để biên tập video để đăng tải lên mạng xã hội nhằm chia sẻ về cuộc sống cá nhân của một du học sinh tại Nhật.
Kênh Tik Tok của Kiệt đã đạt hơn 30 nghìn người theo dõi và nhận về hàng triệu lượt like. Rất nhiều netizen đã bình luận cảm phục với ý chí nỗ lực, không ngại khó, ngại khổ của cậu. Dù rất muốn được về thăm gia đình nhưng vì lý do tài chính, quỹ thời gian eo hẹp và tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Kiệt vẫn chưa một lần được ở bên người thân vào những dịp trọng đại suốt 2 năm qua.
Sống một mình tại đất nước xa lạ, áp lực công việc cao, đôi khi chứng kiến các gia đình quây quần bên nhau ăn cơm tối, Kiệt không tránh khỏi cảm giác tủi thân và nhớ nhà. Khi bị trách mắng hay xảy ra sự cố bất ngờ, cậu cũng không dám kể với gia đình vì sợ người thân lo lắng. Những lúc như vậy cậu thường ghé vào siêu thị mua những món ăn yêu thích mà bình thường không dám mua, cố gắng dùng chúng để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực trong lòng.
Nhật Bản lấy đi của Kiệt nhiều thứ nhưng cũng cho cậu kinh nghiệm quý báu. Đó là những thứ dù có tiền cũng chưa chắc mua được.
Nhật Bản lấy đi của Kiệt nhiều thứ nhưng cũng tặng cho cậu những bài học quý báu. Kiệt học được ở người dân xứ hoa anh đào sự kiên cường, luôn cố gắng hoàn thành thật tốt công việc bất chấp bão tuyết, mưa gió, sự linh hoạt sẵn sàng tìm mọi cách giao báo cho khách khi họ muốn hay sự tỉ mỉ phân loại hàng trăm tờ báo một cách chính xác.
Các bài học kinh nghiệm và đức tính tốt đẹp được trui rèn qua những năm tháng sinh sống ở Nhật vốn không phải thứ có tiền là mua được, sẽ là hành trang quý báu đi theo chàng du học sinh đến suốt cuộc đời.
"Đối với những bạn trẻ đang có dự định du học, mình nghĩ các bạn nên tính toán kỹ càng hơn về con đường khi ra nước ngoài, không riêng gì Nhật, phải tham khảo thật kỹ về công việc sẽ lựa chọn để làm. Mình không có nhận xét gì về nghề phát báo vì sướng khổ tùy thuộc cảm nhận mỗi người.
Công việc nào mà kiếm ra tiền cũng đều khó khăn cả nhưng nếu các bạn lựa chọn việc hợp với bản thân mình thì dù vất vả cũng đỡ hơn là công việc vừa gian nan mà vừa không phù hợp. Mong các bạn luôn kiên định với những gì đã chọn và đã cố gắng." - 10X chia sẻ.
Nguồn: Nhân vật cung cấp