Nói một cách công bằng, học một ngôn ngữ chưa bao giờ là việc dễ dàng. Chưa bàn đến tiếng nước ngoài, ngay ngôn ngữ mẹ đẻ thôi cũng là một vấn đề không thể lĩnh hội rốt ráo trong ngày một ngày hai.
Nếu bạn là người Việt, vậy hãy thử trả lời một vài trắc nghiệm nhỏ sau đây:
1. Tựu trung hay tựu chung?
2. Chuẩn đoán hay chẩn đoán?
3. Sát nhập hay sáp nhập?
4. Vô hình chung hay vô hình trung?
5. Xán lạn hay sáng lạn?
6. Vãng cảnh hay vãn cảnh?
7: Yếu điểm và điểm yếu có giống nhau không?
8: Khoái trá hay khoái chá?
9: Cứu cánh là gì?
10: Bạn có trả lời đúng cả 9 câu mà không tra Google hay mở từ điển không?
Tiếp chuyện Nam Em nhờ phiên dịch giúp sức trong phần thi ứng xử. Nhiều người bảo Nam Em lẽ ra phải tự trả lời thay vì nhờ thông ngôn.
Như thế là quá vô lý, Ban tổ chức có ép thí sinh phải sử dụng tiếng Anh đâu mà bắt Nam Em phải đánh liều với một lĩnh vực vốn không phải điểm mạnh của cô.
Ngay cả một cuộc chơi vốn dành cho người thuộc diện hiểu biết như "Ai là triệu phú" mà thí sinh còn có quyền yêu cầu sự hỗ trợ, vậy tại sao Nam Em - một cô gái tuổi đời còn non nớt, tiếng Anh chẳng biết đã học hành đến đâu - lại không được phép "cười duyên" và liếc ánh mắt trìu mến sang phía phiên dịch viên?
Tiếng Anh của Nam Em nói chung là tệ, không phải ngon lành như một vài nguồn tin. Bằng chứng là khi phát âm từ change, cô bỏ luôn âm cuối (ending sound). Mà từ change (thay đổi) nếu không còn âm cuối sẽ khiến người nghe liên tưởng đến từ chain (sợi xích).
Nhận thức được trình độ tiếng Anh hạn chế, Nam Em đã có lựa chọn khôn ngoan khi yêu cầu sự trợ giúp.
Nam Em trong đêm chung kết Miss Earth.
Đến đây, câu chuyện về Nam Em tạm chấm dứt, bắt đầu phân tích sang vai trò của người phiên dịch.
Phiên dịch viên của Nam Em quả thực đã có một màn trình diễn "thảm họa". Việc cư dân mạng dùng từ "thảm họa" có thể hơi nâng cao quan điểm, nhưng nhìn chung là không có gì phải phàn nàn. Nam Em trả lời một câu, phiên dịch viên "xả" nguyên một... bài diễn thuyết.
Tệ hơn nữa, giữa câu hỏi của Ban giám khảo và câu trả lời của người phiên dịch gần như chẳng hề liên quan. Màn đối đáp có lẽ đã đi vào lịch sử các cuộc thi Hoa hậu trái đất - Miss Earth này có cái gì đó khá giống với một đoạn đối thoại vui của hai cụ già bị nặng tai:
- Cụ đang đi tập thể dục đấy à?
- Không, tôi đang đi tập thể dục.
- À, thế mà tôi lại tưởng cụ đang đi tập thể dục.
Người phiên dịch đã hoàn thành không tốt nhiệm vụ, nhưng hãy thông cảm vì đi thi hoặc đứng trước đám đông thì mấy ai tránh được cảm giác căng thẳng, hồi hộp. Chưa kể là câu hỏi lại có phần hơi bị hiểm.
Lẽ ra, câu hỏi "Empowered to make a change" (Nếu được trao quyền để tạo ra một sự thay đổi thì bạn sẽ làm gì?) phải được nghe bởi một người có tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ thì mọi chuyện sẽ trôi chảy hơn.
Phiên dịch viên "giấu mặt" của Nam Em có vẻ là người Việt, do vậy nếu được nghe một câu hỏi bằng tiếng Việt rồi sau đó dịch sang tiếng Anh thì chắc hẳn sẽ không xảy ra sự cố tai hại như vừa rồi.
Rút kinh nghiệm, lần sau nếu Nam Em hay người đẹp Việt Nam nào khác đi tranh tài ở nước ngoài, tốt nhất là sử dụng một phiên dịch viên người Anh giỏi tiếng Việt.
Hoặc chắc ăn hơn, chúng ta tự đăng cai các cuộc thi sắc đẹp và yêu cầu thí sinh nước ngoài phải thi ứng xử bằng tiếng Việt. Thế là khỏi lo dính "thảm họa phiên dịch" nữa.
Càng ngẫm, càng thấy thấm thía một đúc kết rất hay trong chương trình Táo Quân là "Có chỗ đứng không bằng đứng đúng chỗ".
Nam Em và người phiên dịch đều ít nhiều có chỗ đứng trong lĩnh vực chuyên môn của họ, chỉ là hôm rồi họ đứng không đúng chỗ mà thôi.
Sáng ra quán trà chanh, nghe hai cô nhóc nhí nhảnh "diễn lại" màn ứng xử của Nam Em mà thấy chua tới tận óc.
- Quý vị vừa nói cái gì thế? Làm ơn đọc lại lần nữa xem nào.
- Miss Earth.
- Mít Ướt?
- Miss Earth.
- Mì Ớt, giống loại mì cay 7 cấp độ à? Ối giời, Hoa hậu Trái đất thì nói là Hoa hậu Trái đất đi, bày đặt dùng tiếng Tây tiếng Tàu làm gì cho thí sinh
Rồi cùng bật cười như nắc nẻ.