Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt năm 2021 đã liên tục lập những kỷ lục trên toàn cầu. Hàng trăm người chết vì bão và các đợt nắng nóng. Nông dân vật lộn với hạn hán, một số nơi thì đối mặt với nạn châu chấu hoành hành. Các đám cháy "nuốt chửng" các khu rừng, thị trấn và nhà cửa, đồng thời lập kỷ lục mới về phát thải carbon.
Nhiều hiện tượng đã trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học cho biết sẽ còn nhiều điều sắp xảy ra. Điều tồi tệ hơn là bầu khí quyển Trái Đất tiếp tục ấm lên trong thập kỷ tới và nhiều thập kỷ nữa. Dưới đây là những sự kiện mà các quốc gia trên khắp thế giới đã hứng chịu trong một năm qua.
THÁNG 2
Người dân Texas phải hứng chịu thời tiết lạnh giá nhất trong nhiều thập kỷ qua vì bão tuyết. Ảnh: Daily Mail
Một đợt lạnh bất thường đã ập đến bang Texas của Mỹ, nơi thường có khí hậu ấm áp, khiến 125 người thiệt mạng và hàng triệu người không có điện dùng trong thời tiết nhiệt độ đóng băng.
Các nhà khoa học vẫn chưa đưa ra kết luận liệu biến đổi khí hậu có gây ra thời tiết cực đoan hay không. Tuy nhiên, việc Bắc Cực ấm lên đang gây ra nhiều hình thái thời tiết khó lường hơn trên toàn cầu.
Hàng triệu con châu chấu đang bao vây một người đàn ông đang di chuyển trên cánh đồng cỏ. Ảnh: RT
Kenya và các khu vực khác của Đông Phi đã phải đối mặt với "nạn châu chấu" tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Châu chấu tràn lan đã phá hoại mùa màng và các đồng cỏ cho gia súc. Theo lý giải của các nhà khoa học, hình thái thời tiết bất thường do biến đổi khí hậu đã tạo điều kiện lý tưởng cho côn trùng phát triển mạnh.
THÁNG 3
Bắc Kinh thường xuyên phải đối mặt với những trận bão cát trong khoảng thời gian tháng 3 - 4 hàng năm, do nằm gần sa mạc Gobi, cũng như nạn phá rừng và xói mòn đất trên khắp miền Bắc Trung Quốc.
Bầu trời Bắc Kinh tháng 3 đã chuyển sang màu cam và các chuyến bay phải hạ cánh khẩn cấp để tránh vụ bão cát tồi tệ nhất trong một thập kỷ xảy ra tại thủ đô Trung Quốc.
Hàng năm, các tình nguyện viên đến sa mạc để trồng những loại cây có thể giúp ổn định đất và có nhiệm vụ như một vùng đệm để hạn chế gió cuốn cát. Các nhà khoa học dự đoán biến đổi khí hậu sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng sa mạc hóa, vì mùa hè nóng hơn và mùa đông khô hơn làm giảm độ ẩm.
THÁNG 6
Người đàn ông cởi trần đứng ở điểm phun sương giúp hạ nhiệt tại thành phố Vancouver thuộc tỉnh British Columbia của Canada. (Ảnh: Reuters)
Gần như toàn bộ miền Tây nước Mỹ bị bao trùm bởi đợt hạn hán xảy ra vào đầu năm 2020. Nông dân bỏ mùa màng và các quan chức phải công bố các biện pháp khẩn cấp. Hồ chứa đập Hoover khi đó chạm mức thấp nhất mọi thời đại.
Vào tháng 9, chính phủ Mỹ xác nhận rằng trong 20 tháng trước đó, khu vực Tây Nam nước này cũng đã trải qua đợt có lượng mưa thấp nhất trong hơn một thế kỷ. Và hạn hán được cho là có liên quan đến biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương của Mỹ và Canada chứng kiến hàng trăm người tử vong trong đợt nắng nóng kỷ lục. Các nhà khoa học kết luận đây là điều gần như không thể xảy ra nếu không liên quan đến biến đổi khí hậu.
Nhiều ngày trời, các đường dây điện bị nóng chảy và những con đường bị cong vênh dưới nắng nóng. Các thành phố đang vật lộn để chống chọi với nắng nóng bằng các mở các trung tâm làm mát để bảo vệ người dân. Trong đợt nắng nóng, thành phố Portland, bang Oregon đạt mức nhiệt cao kỷ lục mọi thời đại là 46,7 độ C.
THÁNG 7
Dòng xe bị cuốn trôi trong nước lũ ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc. Ảnh: Guardian
Trận lũ lụt thảm khốc đã cướp đi sinh mạng của hơn 300 người ở tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc. Trong khi đó ở châu Âu, gần 200 người thiệt mạng vì những trận mưa xối xả gây ra lũ lụt ở Đức, Bỉ và Hà Lan. Các nhà khoa học kết luận rằng biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ xảy ra lũ lụt cao hơn đến 20%.
Nguồn: channel3000
Tại Mỹ, một đợt nắng nóng kỷ lục và hạn hán ở miền tây nước Mỹ đã thổi bùng hai trận cháy rừng kinh hoàng, xé toạc bang California và Oregon. Đây là một trong những vụ cháy lớn nhất lịch sử của cả hai bang này.
Các nhà khoa học cho biết cả tần suất và cường độ nghiêm trọng của các đám cháy rừng phần lớn là do hạn hán kéo dài. Các đợt nhiệt độ tăng quá cao do biến đổi khí hậu đang xảy ra thường xuyên hơn.
Nhiều vùng rộng lớn của Nam Mỹ đang phải hứng chịu đợt hạn hán kéo dài. Chile là quốc gia hứng chịu đợt siêu hạn hán kéo dài một thập kỷ liên quan đến sự nóng lên toàn cầu. Brazil cũng ghi nhận năm nay là năm khô hạn nhất trong 100 năm qua.
Tại Argentina, mực nước sông Parana, con sông dài thứ hai Nam Mỹ, đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1944. Trên khắp thế giới, các đợt nắng nóng đang trở nên thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn.
THÁNG 8
Nhân viên cứu hỏa và tình nguyện viên cố gắng dập lửa ở Afidnes, cách Thủ đô Athens của Hy Lạp khoảng 30 km, ngày 6/8/2021. Ảnh: Marios Lolos/ Xinhua
Ở Địa Trung Hải, một mùa hè khô nóng đã thổi bùng những đợt hỏa hoạn dữ dội ở Algeria, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ khiến hàng nghìn người phải bỏ nhà cửa đi sơ tán.
Vụ hỏa hoạn khiến 2 người ở Hy Lạp và ít nhất 65 người ở Algeria người thiệt trong đợt bùng phát bất ngờ xảy ra giữa đợt nắng nóng gay gắt. Một số nơi ở Hy Lạp khi đó có nhiệt độ lên tới hơn 46 độ C.
Ảnh minh họa: Getty Images
500 con sông băng ở Thụy Sĩ đã "biến mất" và nước này có thể mất 90% trong số 1.500 con sông băng còn lại vào cuối thế kỷ này nếu lượng khí thải toàn cầu tiếp tục tăng.
Biến đổi khí hậu cũng khiến các cơn bão ngày một mạnh hơn và tồn tại lâu hơn trên đất liền, trút thêm nhiều mưa xuống một khu vực trước khi di chuyển tiếp. Các nghiên cứu cũng cho thấy khu vực Bắc Đại Tây Dương thường xuyên có bão hơn.
Một ngôi nhà tại Houma, Louisiana bị phá huỷ do bão Ida. Ảnh: AP
Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), cơn bão Ida đổ bộ vào bang Louisiana là cơn bão cấp 4, đã cướp đi sinh mạng của gần 100 người ở Mỹ và gây thiệt hại ước tính 64 tỷ USD. Những trận mưa lớn từ cơn bão đã tạo ra lũ quét khắp vùng Đông Bắc đông dân cư, khiến số người tử vong do bão tăng đang kể.
THÁNG 9
Ảnh: WWF Nga
Cơ sở hạ tầng và nhà cửa ở Nga ngày càng gặp nguy hiểm khi lớp băng vĩnh cửu dưới lòng đất tan chảy và làm biến dạng nền đất bên dưới.
Tầng băng vĩnh cửu đã từng là lớp đất nền ổn định để xây dựng. Một số khu vực vẫn bị đóng băng từ thời Kỷ Băng hà cuối cùng. Nhưng nhiệt độ toàn cầu tăng cao đang đe dọa đến lớp băng, đất, đá, cát và chất hữu cơ.
THÁNG 11
Cảnh ngập lụt ở Nam Sudan. Nguồn: news.un.org
Theo cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc, trận lũ lụt tồi tệ nhất trong vòng 60 năm qua ở Nam Sudan đã ảnh hưởng đến khoảng 780.000 người, tức cứ 14 người thì có một người bị thiệt hại. Mỗi năm đất nước này đều trải qua một mùa mưa, nhưng lũ lụt đã lập kỷ lục trong 3 năm liên tiếp. Các nhà khoa học cho biết sức tàn phá có thể còn tăng lên khi nhiệt độ tăng.
Một cơn bão lớn với lượng mưa tương đương một tháng đã trút xuống British Columbia, tỉnh bang cực tây của Canada, trong 2 ngày. Cơn bão gây ra lũ lụt và sạt lở đất, phá hủy đường xá, đường sắt và cầu. Đây có thể là thảm họa thiên nhiên gây tổn thất lớn nhất trong lịch sử Canada, mặc dù các quan chức vẫn đang đánh giá mức độ thiệt hại.
Các nhà khí tượng học cho biết mưa đến từ một hiện tượng thời tiết có tên "sông khí quyển". Đó là một dòng hơi nước trải dài hàng trăm km từ vùng nhiệt đới. Các nhà khoa học cho biết các con sông trong khí quyển sẽ trở nên lớn hơn và có sức tàn phá kinh hoàng hơn do biến đổi khí hậu.
Với các hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, khi mà các hiện tượng nắng nóng kéo dài, lũ lụt và hạn hán được dự báo sẽ tăng vọt trong những năm tới, tương lai của trái đất vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ phụ thuộc vào nỗ lực hành động của cả thế giới.
Tham khảo CNA