Yêu nhau 2 năm, chia tay vì “gia đình anh không bao giờ chấp nhận xăm hình”
Trên một diễn đàn mạng dành cho phụ nữ, một cô gái trẻ đã chia sẻ câu chuyện chia tay người yêu sau 2 năm gắn bó, với lý do chẳng biết nên khóc hay cười.
Theo lời anh chàng bạn trai, họ không thể tiến xa với nhau được, vì gia đình anh là người Bắc, bố mẹ khó tính và không chấp nhận chuyện có một người con dâu có hình xăm trên người.
Cô gái chia sẻ, cô hiện tại có 3 hình xăm, một gần xương quai xanh, một sau vai, một dọc cánh tay. Những hình xăm của cô không quá lớn, nhưng không phải thuộc chỗ dễ che.
Cô chia sẻ, khi xăm những hình mà cô cảm thấy là có ý nghĩa và quan trọng với tâm hồn mình, cô cũng biết trước sẽ có nhiều người như bạn trai (cũ) của cô phản ứng tiêu cực.
Anh chàng người yêu (cũ) này đã biết chuyện cô xăm hình từ trước khi họ đến với nhau, và cô đã “giao hẹn” trước, nếu cảm thấy không yêu nhau được vì hình xăm, đừng tán tỉnh cô cho mất công.
Tuy nhiên, sau 2 năm, cô nhận được lời chia tay với lý do “cổ lỗ sỹ” trên, khiến bản thân cô cảm thấy rất tủi thân.
Câu chuyện bị bạn trai chia tay vì... hình xăm của cô gái trẻ khiến nhiều chị em bức xúc.
Chia sẻ câu chuyện của cô gái trẻ, nhiều phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trẻ đã phản ứng gay gắt với lý do “củ chuối”, cổ hủ của anh chàng, và cho rằng, việc xăm hình trong thời đại ngày nay là hoàn toàn bình thường, mang tính nghệ thuật và là chuyện của cá nhân.
Mặt khác, hình xăm hiện nay thường mang theo những ý nghĩa đặc biệt, gắn bó với người xăm, được coi như một thứ trang sức đặc biệt, chứ không phải kiểu “đầu gấu đầu mèo” hay là độc quyền của những thành phần “xã hội đen” như nhiều người nghĩ đến.
Có người còn chế giễu anh chàng người yêu bằng những bình luận như: “Bạn cho hỏi, người yêu bạn là người thế kỷ nào?”, hay phỏng đoán “Kiểu này chỉ có 2 lý do, hoặc anh ta chán bạn rồi và đang kiếm cớ chuồn êm, hoặc là anh ấy quá nhu nhược, phụ thuộc gia đình đến mức không dám nói lên quan điểm của mình.
Anh ấy yêu được bạn, tại sao giờ lại đổ tội gia đình khó tính để chia tay?”.
Anh chàng viện cớ gia đình khó tính, không chấp nhận một nàng dâu xăm hình để chia tay người yêu.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những người bày tỏ quan điểm thông cảm với những trăn trở của chàng trai, vì việc người lớn không hoàn toàn thoải mái với những cô gái mang hình xăm, hoặc nhìn vào hình xăm để đánh giá tư cách của phụ nữ là điều có thật.
Một dân mạng chia sẻ: “Đúng thật đó chị ơi. Đa số các gia đình, nhất là những nhà khuôn phép không thích xăm đâu, con trai hay con gái cũng vậy, đặc biệt là con gái.
Mình hiểu xăm chỉ là một loại nghệ thuật, nhưng với bố mẹ, ông bà xưa, xin lỗi các chị, thì xăm là dấu hiệu của những người thuộc phường trộm cướp, gái làng chơi, nhất là xăm lưng, xăm ngực, xăm đùi.
Người yêu em luôn bảo, cha mẹ sinh ra mong mình không khiếm khuyết, xinh xắn lành lặn. Mình giữ mình sạch sẽ không được lại còn thêm mực vào người làm gì.
Rồi họ hàng, người xung quanh cũng có thể nhìn vào mà xì xào bàn tán kiểu: con dâu ông bà là dân “xã hội” à mà xăm trổ hay con gái tử tế không lấy lại rước về cái đứa trông ngổ ngáo, ăn chơi thế kia… đại loại thế, nên họ cũng khó xử lắm!
Em cũng thích xăm hình mà cũng bị anh người yêu dọa, bảo nếu xăm thì kể cả xăm ngón tay lão cũng lôi về nhà mách cho bố mẹ em cạo đầu”.
Một tin nhắn khác của hai người, trong đó anh chàng cũng "tự thú" mình không thích con gái xăm trổ.
Một cô gái khác, dù không mấy quan tâm đến dư luận và xăm đầy trên người cũng chia sẻ nỗi lòng: “Mình xăm ở tay, chân, hông, sau lưng.
Yêu ai người ta cũng dè chừng vì hình xăm trên người mình. Thực ra là cũng khó lấy chồng thật. Bạn bè lấy chồng hết rồi, mình thì người yêu cả tá, nhưng vẫn chưa lấy chồng được, vì nhiều người ngại ngần như người yêu của bạn vậy”.
Phụ nữ xăm hình = phụ nữ hư hỏng?
Nội tình câu chuyện tan vỡ giữa cô gái xăm hình và sự ngần ngại của anh chàng bạn trai gốc Bắc, chẳng rõ có phải vì những hình xăm thật không, nhưng việc nhiều “nhà trai” có thói quen đánh giá cô con dâu tương lai, và cả những phụ nữ khác qua hình thức, cũng như cân đong đo đếm những phẩm chất mà họ cho rằng cần phải có của một người phụ nữ là hoàn toàn có thật.
Cái hình xăm, nó chỉ là một trong vô vàn cái cớ mà người ta có thể vin vào để từ chối tìm hiểu về tâm hồn, tính cách thật của một cô gái. Phải chăng, trong tâm thức của nhiều người, phụ nữ xăm hình = phụ nữ hư hỏng?
Tôi quen biết nhiều phụ nữ mang trên mình những hình xăm, nhiều người trong đó có một cuộc sống trong mơ, kiếm tiền như nước, chồng đẹp trai, tài giỏi, các con ngoan, và bản thân họ là người cá tính, suy nghĩ chín chắn và thành công trong sự nghiệp.
Nếu hình xăm đồng nghĩa với việc họ hư hỏng, tôi cũng mong được “hư hỏng” như thế. Bên cạnh đó, tôi cũng biết, có đầy cô gái nhu mì, ngọt ngào và (có vẻ) ngoan từ trong trứng, thực ra là những người rất vụng về, ỷ lại và toan tính.
Chỉ vì một hình xăm mà cô gái trẻ bị đánh giá tiêu cực, liệu có công bằng?
Chẳng cứ gì cái hình xăm, người ta có hàng nghìn cách để “đánh giá” một người phụ nữ, chỉ qua vài bận tiếp xúc.
Bạn tôi, nhiều người đã kể lại chuyến “ra mắt” nhà chồng tương lai (thật lạ, đa phần đó là những gia đình gốc Bắc cổ truyền, hoặc gia đình “căn bản” theo kiểu cũ), bị soi từ đầu đến chân, từ cái lông mày, gò má cho đến dáng đi, cách nói.
Có một cô nàng bị chồng sắp cưới chia tay thẳng thừng, vì hôm ra mắt, cô lóng ngóng mãi mà chẳng biết làm thịt, vặt lông gà, trong khi anh chàng là con trưởng, nhà sẽ có giỗ liên miên, và họ kỳ vọng vào một nàng dâu trưởng biết vun vén gia đình, làm cỗ nhoay nhoáy.
Và khi cô nàng đem chú gà đi ra hàng thuê giết mổ về, cô nghe thấy bố mẹ chồng tương lai bảo: “Con này lại kiểu hợm tiền, không làm được thì thuê rồi! Nhà mình có điều kiện còn đỡ, nhỡ sau sa sút thì mệt”.
Rồi chuyện cô này cô kia bị chê “người gầy bé như mo nang, ngực lép như cá rô đực thế kia làm sao đẻ được”, “mắt lá dăm lại còn hơi xếch, phải cẩn thận”, “gò má cao quá, có tướng sát phu”, “chân đi hai hàng, mông xệ kiểu kia, không vô duyên thì cũng trăm thằng nghìn thằng rồi”, “đến nhà ra mắt mà nói cười hô hố, ăn uống tự nhiên kiểu này, rước về làm dâu chắc nó ngồi lên đầu mình”… cũng chẳng phải là chuyện hiếm.
Thật lạ, khi người ta tự cho mình cái quyền đánh giá ai đó, đặc biệt là phụ nữ qua những biểu hiện bề ngoài rồi so sánh với những quan niệm của họ về một cô gái tốt.
Có lẽ, nên chấm hết cái thời mà gia đình người đàn ông tự cho mình cái quyền “đóng khung” người yêu/vợ tương lai của con mình vào một hình mẫu nào đó, và chấp nhận những khác biệt.
Cuối cùng thì, người chung sống cả đời với người đàn ông, người sẽ cùng san sẻ những niềm vui, nỗi buồn, sẽ chấp nhận (hoặc tìm cách biến cải) những điểm dở của anh ta là vợ anh ta, chứ đâu phải gia đình anh ta, đúng chứ? Và cũng đừng quên, cái ta nhìn thấy chưa chắc đã là sự thật!
Đàn ông đến cho chúng ta lựa chọn, không phải đến để lựa chọn chúng ta
Với cô gái xăm hình bị bạn trai chia tay, có người khuyên cô ấy nên đi xóa xăm, để khỏi bị dị nghị, để gia đình người kia chấp nhận.
Cũng có người bảo, cô có thể tìm cách che đi hình xăm, như mặc quần áo kín đáo hay make-up khéo léo để không ai nhìn thấy.
Chị em cũng bảo nhau: thôi thích thì cứ xăm, nhưng xăm nho nhỏ thôi, và xăm chỗ nào kin kín, để chỉ người yêu hay chồng mình có thể nhìn thấy, để vừa thỏa cái thú chơi, vừa được lòng thiên hạ.
Tôi cho rằng, khuyên như thế là dại, mà cô nào nghe theo cũng dại nốt. Tôi thật! Nếu đã có gan xăm hình, không phải vì chạy theo trào lưu mà vì tin rằng nó thể hiện cá tính, con người mình, các cô cũng nên có gan để lại hình xăm ấy.
Xóa nó, che nó, khác gì các cô đang phản bội lại chính mình, từ chối con người mình? Tương tự thế, nếu các cô vụng về, không biết nấu nướng, không ưa dọn dẹp, và tự cảm thấy mình cần thay đổi để trở nên tốt đẹp hơn,
OK, các cô cứ làm, nhưng đó là vì mình, vì chính các cô cảm thấy cần, chứ chẳng nên vì người yêu không ưng, hay gia đình người ta chê bôi, dè bỉu.
Cứ xăm đi vì cuộc đời cho phép, và nếu muốn, hãy xóa nó, nhưng đừng vì ai khác ngoài chính mình, cô gái ạ! (Ảnh minh họa)
Cũng nực cười tương tự chuyện gia đình người đàn ông cho phép mình đánh giá người phụ nữ và cho rằng chúng ta phải tuân theo các khuôn phép của gia đình họ, nếu muốn bước chân vào là việc họ cho mình cái quyền “chọn” người yêu, chọn vợ.
Không không, các cô ơi, đàn ông đến cho chúng ta lựa chọn, không phải đến để lựa chọn chúng ta.
Và việc của chúng ta là chọn người yêu và hiểu bản chất thật, con người thật của mình (đương nhiên, ta cũng cần yêu anh ta bằng con người thật, chứ không phải chỉ vì ví dày, xe xịn, sự điêu luyện trên giường hay những lời ngọt ngào rót vào tai ta mỗi ngày), chứ không nên vì ai mà thay đổi, nhất là khi sự thay đổi ấy không đáng, và không đến từ mong muốn tự thân của chúng ta, nhé!