Myanmar mua JF-17 để... khỏi ném bom nhầm sang đất Trung Quốc: Thật hay đùa?

Nam Đồng |

Không quân Myanmar chuẩn bị tiếp nhận chiếc tiêm kích đa năng JF-17 đầu tiên trong tổng số 16 máy bay đã đặt hàng từ Trung Quốc.

Myanmar chính là khách hàng nước ngoài đầu tiên của tiêm kích đa năng JF-17 do Trung Quốc chế tạo. Vào tháng 7/2015, họ đã ký hợp đồng mua sắm tổng cộng 16 chiếc ở biến thể Block II, dự kiến máy bay đầu tiên sẽ chính thức vào biên chế Không quân Myanmar cuối năm nay.

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng Myanmar mua JF-17 về nhằm làm đối trọng với JAS 39 Gripen hay F-16 Block 52 mới nâng cấp của Không lực Hoàng gia Thái Lan. Tuy nhiên có vẻ như nhiệm vụ này vẫn được dành cho MiG-29, còn vai trò thực chất của JF-17 trong Không quân Myanmar sẽ là thay thế loại F-7M cùng với A-5.

Myanmar mua JF-17 để... khỏi ném bom nhầm sang đất Trung Quốc: Thật hay đùa? - Ảnh 1.

Tiêm kích F-7M (phiên bản MiG-21 do Trung Quốc chế tạo) của Không quân Myanmar

Thời gian gần đây, tình hình giao tranh giữa Quân đội chính phủ Myanmar với phiến quân ly khai tại khu vực giáp biên giới Trung Quốc vẫn diễn biến phức tạp. Để giành ưu thế trên chiến trường, các chiến đấu cơ Myanmar đã thực hiện nhiều phi vụ xuất kích nhằm hỗ trợ hỏa lực cho bộ binh.

Nhưng do thiếu máy bay cường kích hiện đại (A-5 đã quá lạc hậu, trong khi MiG-29 và F-7 có chức năng đánh đất rất hạn chế) mà hiệu quả oanh tạc không thực sự cao, thậm chí đôi khi bom đạn còn rơi cả sang đất Trung Quốc, dẫn tới căng thẳng ngoại giao.

Chính vì thế, sự có mặt của những chiếc JF-17 mới sẽ giúp cho Không quân Myanmar thực hiện được đòn tấn công mặt đất chính xác bằng vũ khí có điều khiển, hệ thống dẫn đường tối tân trên chiếc phi cơ này cũng hạn chế việc "vô tình" xâm phạm không phận láng giềng.

Myanmar mua JF-17 để... khỏi ném bom nhầm sang đất Trung Quốc: Thật hay đùa? - Ảnh 2.

Tiêm kích JF-17 trong sân đỗ của Tập đoàn công nghiệp hàng không Thành Đô, máy bay đã được sơn màu và mang phù hiệu của Không quân Myanmar

Mặc dù vậy, JF-17 chắc chắn không chỉ đảm nhiệm mỗi vai trò đánh đất. Chiếc tiêm kích này được trang bị radar KLJ-7 do Viện nghiên cứu công nghệ điện tử Nam Kinh chế tạo, có thể theo dõi cùng lúc 10 mục tiêu và tiêu diệt đồng thời 2 đối tượng, tầm trinh sát tối đa phía trước lên tới 75 km (mục tiêu hàng không), phát hiện mục tiêu trên biển cách 135 km.

Động cơ lắp cho JF-17 là RD-93 (biến thể của động cơ RD-33 trên MiG-29) có lực đẩy khi đốt nhiên liệu phụ trội khoảng 8.300 kg; cho tốc độ lớn nhất Mach 1,8; tầm hoạt động 3.000 km và khả năng thao diễn khá linh hoạt.

Bởi vậy, khi cần thiết thì JF-17 hoàn toàn đủ sức đối đầu với JAS 39 hay F-16 của Thái Lan. Không quân Myanmar chắc hẳn cũng không "chơi sang" khi mang về chiếc chiến đấu cơ có giá thành ước tính 35 triệu USD chỉ để ném bom có điều khiển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại