Tổng thống Joe Biden cùng Phó Tổng thống Kamala Harris và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tại Lầu Năm Góc ở Washington. Ảnh: AP
Hãng thông tấn AP (Mỹ) đưa tin rằng chỉ vài ngày sau khi nhận chiếc ghế mới, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã ra lệnh tổ chức quá trình kéo dài nhiều tháng đánh giá “cách bố trí lực lượng trên toàn cầu”. Quá trình này sẽ ước định lựa chọn tối ưu để Mỹ sắp xếp mạng lưới binh sĩ, vũ khí, căn cứ… hỗ trợ chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden.
AP cho biết đây là nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden nhằm gỡ nút thắt bế tắc trong xung đột Trung Đông nhiều thập niên qua, ngân sách giảm và các vấn đề nội địa như cực đoan và phân biệt chủng tộc.
Kết quả của quá trình đánh giá lại này có thể ảnh hưởng lâu dài tới ưu tiên hàng đầu của quân đội Mỹ là đảm bảo sẵn sàng cho viễn cảnh chiến tranh trong thời kỳ bất định về kiểm soát vũ khí. Ngoài ra là tình hình quan hệ với đồng minh đi xuống do phương pháp ngoại giao “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump.
Việc Bộ trưởng Austin muốn xem xét lại cách bố trí lực lượng cũng liên quan đến cân nhắc hiện nay của chính quyền Tổng thống Biden về đề xuất rút toàn bộ binh sĩ khỏi Afghanistan trong mùa Xuân này.
Giống như chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, đội ngũ an ninh quốc gia của Tổng thống Biden coi Trung Quốc là thách thức an ninh số 1. Từ thời cựu Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã để mắt nhiều vào Trung Quốc.
Chính quyền cựu Tổng thống Trump đi xa hơn bằng việc tuyên bố Trung Quốc và Nga là đe dọa hàng đầu với an ninh quốc gia Mỹ, không phải khủng bố toàn cầu.
Nhưng không giống như người tiền nhiệm, Tổng thống Biden lại đánh giá cao cam kết của Mỹ với các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Yếu tố này sẽ tạo bước chuyển mình đáng kể trong “dấu chân” của quân đội Mỹ tại Trung Đông, châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương.
Xem xét lại cách bố trí lực lượng đồng nghĩa với việc chính quyền Tổng thống Biden bảo hộ cho nỗ lực của các chỉ huy quân đội tìm đường hướng cải tiến triển khai lực lượng, ngưng kết nối với các căn cứ quân sự vốn mang gánh nặng chi phí tài chính, an ninh, chính trị.
Trong tháng 12/2020, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ bày tỏ quan điểm cá nhân về thay đổi công nghệ và địa chính trị đồng thời cho rằng cần xem xét lại phương pháp tổ chức và bổ trí lực lượng.
Tướng Milley nhấn mạnh sự tồn tại của lực lượng Mỹ phụ thuộc vào việc thích ứng với đà phát triển của Trung Quốc, sự lớn mạnh của công nghệ như trí thông minh nhân tạo, robot và các mối đe dọa như biến đổi khí hậu, dịch bệnh… Theo Tướng Milley, nhỏ hơn đồng nghĩa với tốt hơn trong tương lai và “lực lượng nhỏ thì gần như vô hình, không thể phát hiện”.
Bộ trưởng Austin cũng có quan điểm tương tự trong tháng 1 về vị trí của lực lượng Mỹ tại châu Á và Thái Bình Dương. Trước buổi điều trần Thượng viện, Bộ trưởng Austin đánh giá: “Chúng ta cần phân bổ lực lượng một cách đàn hồi hơn tại Ấn Độ-Thái Bình Dương để đối trọng với Trung Quốc”.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Austin cũng nhấn mạnh lo ngại về cạnh tranh với Nga tại Bắc Cực: “Khu vực này đang nhanh chóng trở thành nơi cạnh tranh địa chính trị và tôi lo ngại về hành vi quân đội Nga tại Bắc Cực. Tôi cũng quan ngại về mục đích của Trung Quốc trong khu vực này”.
Lục quân Mỹ đã phát triển “lữ đoàn năng lực Bắc Cực”. Trong khi đó, Không quân Mỹ lần đầu tiên đã cử máy bay ném bom tầm xa B-1 đến Na Uy, một láng giềng của Nga.