Mỹ và tham vọng vũ trang hóa vũ trụ gần Trái Đất

TUẤN SƠN |

Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố về khả năng thành lập lực lượng đặc biệt có thể tác chiến trên vũ trụ. Động thái này là dấu hiệu cho thấy chiến lược của Washington về việc quân sự hóa vũ trụ gần Trái Đất để đối phó với các mối đe dọa tương lai.

“Trong chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ, tôi nhận thấy cần phải triển khai lực lượng quân sự lên không gian. Họ có vai trò tương tự như lực lượng trên bộ, trên không và trên biển. Chúng ta sẽ sớm có lực lượng tác chiến trong không gian vũ trụ”, Tổng thống Donald Trump phát biểu trước đông đảo binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ tại San Diego hôm 14-3.

Tuy nhiên, tuyên bố của ông D. Trump không đồng nghĩa với việc Mỹ triển khai lên quỹ đạo những tàu vũ trụ được vũ trang bằng vũ khí năng lượng cao như trong các bộ phim viễn tưởng. Thực tế, năng lực chiến đấu trong không gian vũ trụ của Mỹ khiêm tốn hơn rất nhiều.

Mỹ và tham vọng vũ trang hóa vũ trụ gần Trái Đất - Ảnh 1.

Vũ trụ gần Trái Đất đang có nguy cơ bị biến thành chiến trường trong tương lai. Ảnh: Defensenews.

Tham vọng từ năm 1950

“Tuyên bố về việc thành lập lực lượng tác chiến vũ trụ của Tổng thống D. Trump có thể là tăng khả năng trinh sát, viễn thám của Quân đội Mỹ trong các tầng khí quyển và vùng không gian vũ trụ gần Trái Đất”, cựu giám đốc Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA), Sean O'Keefe đánh giá.

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ bày tỏ tham vọng vũ trang hóa vùng vũ trụ gần Trái Đất. Trong những năm 1950, Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower đã từng thành lập các đơn vị hoạt động trên quỹ đạo Trái Đất ở lĩnh vực dân sự và quân sự.

Con đường vũ trang hóa vũ trụ của Lầu Năm góc đã kéo dài rất nhiều năm. Trong những năm 1960, dưới thời Tổng thống Richard Nixon, Lầu Năm góc đã có ý tưởng về việc thiết lập các căn cứ quân sự tự động hóa trên quỹ đạo Trái Đất. Tuy nhiên, các vấn đề về kỹ thuật đã khiến ý tưởng này bị hủy bỏ.

Trong khi hoạt động dân sự của Mỹ trên vũ trụ được công khai rộng rãi thông qua NASA, thì các chương trình quân sự thường được giữ bí mật và có nguồn tài chính khá dồi dào. Cụ thể, Không quân Mỹ đang phát triển thiết bị bay trên quỹ đạo Trái Đất với tên gọi X-37B với nhiều nét giống với tàu con thoi của NASA.

Mỹ và tham vọng vũ trang hóa vũ trụ gần Trái Đất - Ảnh 2.

Nguyên mẫu X-37B đang nắm giữ kỷ lục là thiết bị có thời gian hoạt động liên tục trong quỹ đạo lâu nhất của Quân đội Mỹ. Ảnh: Defensenews.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phản đối thành lập lực lượng tác chiến vũ trụ

Với tình hình hiện tại, rất khó nói rằng lực lượng vũ trụ của Mỹ sẽ sớm được thành lập hay không, khi kế hoạch này không nhận được sự ủng hộ của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và lãnh đạo Không quân Mỹ Heather Ann Wilson.

Ngoài ra, việc thành lập một lực lượng quân sự mới còn vấp phải sự phản đối từ lưỡng viện Quốc hội Mỹ khi nhiều nhà lập pháp còn hoài nghi về việc lực lượng vũ trụ khi thành lập sẽ ảnh hưởng tới nguồn tài chính và cấu trúc của Quân đội Mỹ.

Theo ý kiến của nhiều nhà lập pháp Mỹ, lực lượng vũ trụ sẽ là một thành phần của Không quân Mỹ, nhưng giới chức Mỹ lại muốn lực lượng này là một đơn vị riêng biệt, tương tự như Thủy quân lục chiến.

“Đơn vị tác chiến vũ trụ mới sẽ có một bộ máy riêng biệt và chỉ huy của đơn vị này sẽ có quyền hạn ngang hàng với Không quân và có một ghế trong Hội đồng tham mưu liên quân của Quân đội Mỹ”, chuyên gia phân tích chiến lược và công nghệ Nga Konstantin Makienko nhận định.

Trái ngược lại với quan điểm của các nhà lập pháp, Lầu Năm góc cho rằng, lực lượng tác chiến vũ trụ mới phải là một thành phần của Không quân để tránh lãng phí nguồn lực.

Phát biểu trước Quốc hội Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis khẳng định: “Tôi phản đối việc tạo ra một đơn vị quân sự hoàn toàn mới với cấu trúc hoàn chỉnh.

Điều này hoàn toàn đi ngược lại nỗ lực của Lầu Năm góc để đơn giản hóa bộ máy chỉ huy và tập trung nguồn lực. Ngoài ra, một đơn vị mới được thành lập sẽ tạo ra nhiều vấn đề về công tác chỉ huy trong tác chiến”.

Về vấn đề này, chuyên gia Sean O'Keefe đánh giá, nhiều khả năng lực lượng tác chiến vũ trụ của Mỹ sẽ là sự kết hợp giữa các đơn vị chỉ huy dưới mặt đất và các phương tiện tự hành trên quỹ đạo. Chuyên gia này cũng cảnh báo, việc Mỹ triển khai vũ khí lên quỹ đạo sẽ tạo ra cuộc chạy đua vũ trang mới và vũ trụ gần Trái Đất sẽ không còn yên bình như hiện tại.

Cùng chung quan điểm với chuyên gia Sean O'Keefe, cựu phi hành gia Deva Newman cho rằng: “Không gian nên là nơi để nhân loại hợp tác nghiên cứu vì mục đích hòa bình. Chúng ta cần phải học hỏi từ những sai lầm trên mặt đất đã dẫn tới xung đột”. Tuy nhiên, đáng tiếc là phần lớn giới chức Mỹ lại ủng hộ việc quân sự hóa khu vực vũ trụ gần Trái Đất.

Mỹ và tham vọng vũ trang hóa vũ trụ gần Trái Đất - Ảnh 3.

Việc vũ trang hóa vũ trụ gần Trái Đất có thể khơi ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới. Ảnh: Defensenews.

Nước Mỹ liệu có an toàn hơn?

Đánh giá về tình hình tương lai sau khi Mỹ thành lập lực lượng tác chiến vũ trụ, chuyên gia Konstantin Makienko cho rằng: “Rõ ràng, trong tương lai gần, người Mỹ sẽ phải đối phó nhiều hơn với các mối nguy cơ đến từ vũ trụ”. Phần lớn công nghệ của Mỹ hiện này phụ thuộc vào không gian vũ trụ và sự phụ thuộc này tiếp tục tăng lên theo từng năm.

Đây chính là vấn đề buộc Washington phải tính tới kịch bản bị tấn công từ không gian vũ trụ.

Một ví dụ đơn giản nhất có thể tính tới là hệ thống định vị toàn cầu (GPS) dựa trên các vệ tinh định vị của Mỹ có thể bị tấn công và phá hủy. Điều này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động trên mặt đất, kể cả về mặt dân sự và quân sự.

Còn nếu vụ tấn công nhằm vào các vệ tinh viễn thông, các đơn vị dân sự như giao thông, tài chính, hàng hải, thậm chí là các siêu thị, cửa hàng sẽ bị tê liệt. Những vụ tấn công như vậy sẽ gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng đối với nền kinh tế của Mỹ.

Với nền tảng công nghệ hiện tại, nhiều khả năng trong tương lai gần, Quân đội Mỹ sẽ xây dựng các đơn vị tác chiến vũ trụ sử dụng thiết bị bay không người lái X-37B được vũ trang bằng pháo hàng không bắn nhanh để tấn công các mục tiêu ở khoảng cách lớn.

Vũ khí này đặc biệt hiệu quả trên vũ trụ, khi tác động của lực hấp dẫn, ma sát gần như bằng 0. Trong tương lai xa hơn, chúng sẽ được trang bị hạng nặng với tên lửa dẫn đường hoặc vũ khí năng lượng cao như la-de, sóng vi-ba.

Như vậy, mục đích của lực lượng tác chiến vũ trụ của Mỹ là chủ động tấn công các mối nguy cơ có thể đe dọa nước Mỹ trên quỹ đạo Trái Đất. Washington cho rằng, những cuộc chiến trong tương lai, ai làm chủ vũ trụ, người đó sẽ giành ưu thế, thậm chí là chiến thắng trên mặt đất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại