Lực lượng Nga tham gia đợt tập trận ở vùng Rostov hôm 27/1/2022. (Ảnh: Reuters)
Anh thúc giục ông Putin “lùi khỏi miệng hố chiến tranh” khi đông đảo lực lượng Nga tập hợp gần biên giới Ukraine gây lo ngại về nguy cơ xảy ra chiến tranh. Anh cũng cảnh báo việc Nga đưa quân vào Ukraine sẽ dẫn đến các biện pháp trừng phạt nhằm vào những công ty và cá nhân có quan hệ gần gũi với Kremlin.
Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng đe doạ của Anh “rất đáng lo ngại”, khiến Anh trở nên kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và sẽ gây tổn thất cho các công ty Anh.
“Bạn không thường xuyên nghe hoặc thấy kiểu đe doạ tấn công trực tiếp doanh nghiệp như vậy. Bất kỳ hành động tấn công của quốc gia nào nhằm vào doanh nghiệp Nga cũng sẽ vấp phải biện pháp đáp trả, và những biện pháp đó sẽ được xây dựng dựa trên lợi ích của chúng tôi nếu cần thiết”, ông Peskov nói.
Thủ tướng Anh Boris Johnson dự kiến sẽ có cuộc điện đàm với Tổng thống Putin về tình hình Ukraine vào ngày 1/2.
“Như tôi đã nói, tôi sẽ nói với Tổng thống Putin rằng tôi nghĩ chúng tôi thực sự cần lùi khỏi miệng hố, và tôi nghĩ Nga cần lùi khỏi miệng hố”, ông Johnson nói với báo chí.
Hãng tin TASS dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao Nga cho biết Ngoại trưởng Sergei Lavrov sẽ điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong ngày 1/2.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có cuộc họp vào ngày 31/1 theo kiến nghị của Mỹ để bàn về việc Nga tập hợp lực lượng . Mỹ nói rằng cuộc họp của 15 thành viên của Hội đồng là cơ hội để Nga tự giải thích cho hành động của mình.
Nga gửi tín hiệu sẽ ngăn chặn cuộc họp này, còn đại sứ Trung Quốc tại Mỹ nói rằng Bắc Kinh mong muốn ngoại giao lặng lẽ và sẽ phản đối phiên họp công khai của Hội đồng Bảo an. Hội đồng cần 9 phiếu thuận để cuộc họp diễn ra.
Kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, London trở thành thiên đường cho một lượng tiền lớn chảy từ các nước cộng hoà thuộc Liên Xô cũ, theo Reuters.
Cả Washington và London từ chối nêu tên những cá nhân họ định trừng phạt.