Mỹ-Úc-Nhật-Ấn lập cơ chế cạnh tranh ‘Một vành đai, một con đường’

Cẩm Bình |

Báo Australian Financial Review ngày 19.2 dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết nhằm đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, bộ tứ Mỹ-Úc-Nhật-Ấn đang bàn bạc thiết lập một cơ chế cơ sở hạ tầng chung khu vực, thay thế cho sáng kiến Một vành đai, một con đường (OBOR).

Theo quan chức giấu tên, kế hoạch này còn khá mới mẻ và chưa chín muồi để Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull công bố trong chuyến thăm Mỹ vào tuần này. Tuy nhiên, việc lập cơ chế cơ sở hạ tầng sẽ được bàn bạc nghiêm túc khi Thủ tướng Turnbull gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Quan chức này cho rằng cơ chế của bộ tứ không phải "đối thủ", mà nên được xem là "giải pháp thay thế" cho sáng kiến Một vành đai, một con đường (OBOR).

"Không ai nói Trung Quốc không nên xây dựng cơ sở hạ tầng. Trung Quốc có thể xây một cảng biển mà không có khả năng sinh lời, chúng ta sẽ làm nó sinh lời bằng cách xây đường bộ hoặc đường sắt liên kết với cảng biển đó", quan chức Mỹ giải thích.

Hiện đại diện của Thủ tướng Turbull, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop và Bộ trưởng Thương mại Úc Steven Ciobo đều chưa đưa ra bình luận gì về thông tin này.

Australian Financial Review đánh giá Bắc Kinh sẽ theo dõi sát sao tiến trình bàn bạc và thành lập cơ chế cơ sở hạ tầng này của Đối thoại An ninh Mỹ-Nhật-Ấn-Úc, liên minh được lập ra nhằm đối phó với Trung Quốc.

Được công bố lần đầu vào năm 2013, OBOR được xem là công cụ để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng bằng cách tài trợ và xây dựng các mạng lưới thương mại, vận chuyển tại hơn 60 quốc gia. Tham gia vào hoạt động triển khai sáng kiến này là hàng loạt doanh nghiệp tư nhân lẫn công ty nhà nước của Bắc Kinh.

Mỹ, Úc và Nhật vẫn luôn giữ thái độ cảnh giác với sáng kiến này, riêng Ấn Độ đã lên tiếng phản đối vì một số dự án trong khuôn khổ OBOR đi qua một số khu vực tranh chấp Kashmir.

Australian Financial Review còn cho biết ngoài bàn chuyện lập cơ chế cơ sở hạ tầng, Thủ tướng Úc trong hội đàm sẽ cố thuyết phục Tổng thống Mỹ tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thỏa thuận thương mại vừa được 11 nước hoàn tất và chuẩn bị kí kết, sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại