Nga khai hỏa tên lửa siêu vượt âm Zircon từ tàu chiến. Ảnh: AP
Tạp chí National Interest (Mỹ) mới đây nhấn mạnh sự yếu kém của Mỹ trong việc phát triển vũ khí siêu vượt âm tấn công, cũng như trong việc đánh chặn chúng.
Theo nguồn tin này, Mỹ cần khẩn trương phát triển và triển khai cả năng lực vũ khí siêu vượt âm tấn công và phòng thủ, bởi vì nước này đang bị tụt lại phía sau khi Trung Quốc và Nga đều đã thử nghiệm và triển khai tên lửa siêu vượt âm, trong khi Washington mới tiến hành thử thành công tên lửa siêu vượt âm đầu tiên vào tháng 12/2022.
Cho đến nay, Mỹ vẫn chưa triển khai bất kỳ vũ khí siêu vượt âm nào và các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có của Mỹ vẫn chưa có khả năng bắn hạ vũ khí siêu vượt âm của đối thủ, khiến Mỹ rất dễ bị tổn thương vào thời điểm này, National Interest viết.
Đáng chú ý là Washington đã tiến hành ba vụ thử tên lửa siêu vượt âm “thất bại” vào năm 2021, theo trang web "Defense News”.
Vũ khí siêu vượt âm là tên lửa hoặc vật phóng di chuyển với tốc độ từ Mach 5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh) trở lên và thường có khả năng cơ động cao (có thể thay đổi quỹ đạo bay).
Trong nhiều thập kỷ, các tên lửa đạn đạo truyền thống đã bay nhanh hơn tốc độ âm thanh, nhưng chúng không cơ động và có đường bay có thể dự đoán được, khiến chúng dễ dàng theo dõi hơn và cuối cùng là bị bắn hạ.
Vũ khí siêu vượt âm vừa có tốc độ bay cao vừa cơ động, khiến chúng cực kỳ khó bị đánh chặn.
Nga và Trung Quốc đã phát triển và thử nghiệm các công nghệ tên lửa siêu vượt âm trong một thời gian.
Theo National Interest, Nga đã triển khai chúng ở cả dạng phóng từ trên không (Kinzhal) và phóng từ trên biển (Zircon).
Trung Quốc cũng đã thử nghiệm tên lửa và phương tiện bay siêu vượt âm. Vào năm 2021, Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm một phương tiện siêu vượt âm bay vòng quanh Trái đất trước khi tấn công mục tiêu.
Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết nước này đã phát triển vũ khí siêu vượt âm thế hệ tiếp theo với những đột phá kỹ thuật, cụ thể là công nghệ dẫn đường hồng ngoại, mà quân đội Mỹ có thể không sở hữu cho đến năm 2025.
Do đó, các chiến lược gia và nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã phần nào bi quan về thách thức mà các công nghệ như vũ khí siêu vượt âm đặt ra cho nước này.
Với khả năng của vũ khí siêu vượt âm khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa của Washington trở nên "lỗi thời", Mỹ gần đây đã nhận ra rằng họ cũng phải triển khai vũ khí siêu vượt âm tấn công, kẻo dễ bị tổn thương.