Mỹ tung độc chiêu khiến Thổ Nhĩ Kỳ chết đứng, Ankara sẽ "quỳ gối" dâng S-400 Nga?

Trà Khánh |

Mỹ không muốn mất một đồng minh như Thổ Nhĩ Kỳ nhưng sẵn sàng dở mọi thủ đoạn để ép Ankara từ bỏ các hệ thống phòng không S-400 mua của Nga.

Quan hệ đồng minh rạn nứt, Mỹ lập tức trở mặt

Defense News dẫn các nguồn tin riêng cho biết, Quốc hội Mỹ đã âm thầm đóng băng tất cả các hoạt động mua bán vũ khí với Thổ Nhĩ Kỳ trong gần hai năm qua để ép Ankara từ bỏ các hệ thống phòng không tầm xa S-400 Triumf mà nước này vừa mua của Nga.

Thông tin trên được Defense News đăng tải hôm 12/8 trong một bài viết có tựa đề "Congress has secretly blocked US arms sales to Turkey for nearly two years" tạm dịch là "Quốc hội Mỹ bí mật ngăn cản việc bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ trong gần hai năm qua".

Theo nguồn tin của Defense News đã có ít nhất hai hợp đồng quốc phòng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã tạm hoãn dưới sự tác động của các nhà lập pháp Mỹ. Trong số đó, có hợp đồng nâng cấp các chiến đấu cơ F-16C/D cho Không quân Thổ Nhĩ Kỳ với nhà thầu chính là Tập đoàn Lockheed Martin.

Không những thế phía Mỹ cũng sẽ ngừng cung cấp các động cơ LHTEC CTS800-4A cho Ankara, vốn được sử dụng để chế tạo dòng trực thăng tấn công T129 ATAK do Thổ Nhĩ Kỳ tự phát triển. Điều này cũng sẽ tác động lớn hợp đồng T129 ATAK giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan có trị giá ước tính lên đến 1,5 tỷ USD.

Các nhà phân tích của Defense News tin rằng, việc Quốc hội Mỹ ngầm tác động đến các hợp động mua bán vũ khí với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm để đảm bảo chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump nghiêm túc thực hiện các lệnh cấm vận nhằm vào Ankara theo đạo luật chống đối thủ của Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt (CAATSA).

Mỹ tung độc chiêu khiến Thổ Nhĩ Kỳ chết đứng, Ankara sẽ quỳ gối dâng S-400 Nga? - Ảnh 2.

T129 ATAK - mẫu trực thăng tấn công do Thổ Nhĩ Kỳ tự phát triển. Ảnh: DefPost.

Đạo luật CAATSA về cơ bản là công cụ pháp lý giúp Mỹ ngăn cản các quốc gia mua vũ khí từ Nga, từ đó gây sức ép và cô lập Moscow. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh thân cận của Mỹ và là thành viên của liên minh quân sự NATO lại mua các hệ thống phòng không do Nga chế tạo là điều Washington khó có thể chấp nhận.

Theo Defense News có nhiều thông tin cho thấy Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Jim Risch và Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul là hai trong số bốn thành viên chủ chốt đứng sau kế hoạch đóng băng các hợp đồng bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ tại đồi Capitol.

Thương vụ mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga hiện là nguyên nhân chính dẫn đến căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trong một năm trở lại gần đây. Phía Washington cho rằng S-400 không tương thích với hệ thống phòng thủ tên lửa mà NATO đang triển khai ở Thổ Nhĩ Kỳ, mặt khác chúng có thể giúp Nga nắm được điểm yếu của tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II.

Mỹ tung độc chiêu khiến Thổ Nhĩ Kỳ chết đứng, Ankara sẽ quỳ gối dâng S-400 Nga? - Ảnh 3.

Mỹ xem các hệ thống phòng không S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ là mối nguy hại cho NATO và cả chương trình F-35. Ảnh: NBC News.

Và dựa trên đạo luật CAATSA, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình F-35 đồng thời hoãn vô thời hạn kế hoạch chuyển giao các máy bay F-35 cho Ankara, ngay sau khi Nga chuyển thành phần chiến đấu đầu tiên của S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ vào năm ngoái (tháng 7/2019).

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Mỹ áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, năm 1975, Washington từng ngừng bán vũ khí và hỗ trợ quân sự cho Ankara khi nước này tấn công đảo Síp, lệnh cấm vận này kéo dài khoảng 3 năm.

Giơ cao đánh khẽ, Mỹ không muốn mất đồng minh

Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), các hợp đồng vũ khí giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn 2015 -2019 trị giá gần 1 tỷ USD, Ankara hiện xếp thứ 20 trong số các khách hàng mua vũ khí từ Washington. Hầu hết các hợp đồng này đều là mua sắm các loại vũ khí sử dụng công nghệ cao như tên lửa và máy bay.

Về cơ bản các nhà lập pháp Mỹ không thể đóng băng tất cả các hợp đồng vũ khí giữa Washington và Ankara, bởi vẫn còn những "khe hở" cho phép Thổ Nhĩ Kỳ có được thứ họ cần. Điển hình như việc Tổng thống Trump có thể thông qua các hợp đồng mua bán vũ khí có giá trị thấp hơn 25 triệu USD mà không cần quốc hội phê duyệt.

Tựu chung lại chính quyền của ông Trump không muốn mất đi một đồng minh như Thổ Nhĩ Kỳ, các lệnh cấm vận chỉ nhằm gây sức ép để Ankara từ bỏ S-400. Bằng chứng là việc Washington sẵn sàng mua lại hệ thống phòng không này từ người Thổ, cùng lời hứa mọi rắc rối sẽ được hóa giải. Tất nhiên viễn cảnh này khó có thể xảy ra khi nó đụng chạm tới người Nga.

Mỹ tung độc chiêu khiến Thổ Nhĩ Kỳ chết đứng, Ankara sẽ quỳ gối dâng S-400 Nga? - Ảnh 4.

Trao các hệ thống S-400 cho Mỹ là cách duy nhất để Thổ Nhĩ Kỳ thoát khỏi các lệnh cấm vận vũ khí, tuy nhiên hành động này chắc chắn sẽ khiến Nga nổi giận. Ảnh: Middle East Eye.

Tuy nhiên, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hay ngành công nghiệp quốc phòng của nước này sẽ gặp nhiều khó khăn nếu các lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ được mở rộng. Ví dụ điển hình là những thiệt hại kinh tế mà Ankara phải hứng chịu khi chậm bàn giao trực thăng T129 ATAK cho Pakistan hay kế hoạch hiện đại quân đội mà Thổ Nhĩ Kỳ đang theo đuổi.

Vì vậy, nhiều khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tìm cách thỏa hiệp với Mỹ trong vấn đề S-400 trong thời gian tới để khởi động lại các hợp đồng vũ khí đang bị đóng băng.

Ở một khía cạnh khác, một số quan chức quốc phòng lo ngại việc Washington kéo dài các lệnh cấm vận vũ khí với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến nước Mỹ mất đi một khách hàng tiềm năng sau khi các hợp đồng cũ hết hiệu lực.

Ankara hoàn toàn có thể tìm kiếm đến các quốc gia khác để mở rộng nguồn cung vũ khí họ, điều này có thể làm suy yếu mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã lung lay sau vụ đảo chính năm 2016.

Nhìn chung, căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ xung quanh thương vụ S-400 khó có thể kéo dài khi cả hai đều cần nhau ở nhiều mặt. Và để mọi mối quan hệ đồng minh giữa Washington và Ankara quay trở lại quỹ đạo vốn có của nó thì rào cản pháp lý từ đạo luật CAATSA phải được gỡ bỏ.

Đáng gờm sức mạnh trực thăng tấn công T129 ATAK của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại