Mỹ - Trung "tung chiêu" trong cuộc chiến “giành trái tim” châu Âu

Kiều Anh |

Mỹ và Trung Quốc tiến hành hàng loạt động thái “tấn công quyến rũ” châu Âu nhằm thực hiện những tính toán của mình và ngăn đối phương không có cơ hội “đi trước một bước” tại khu vực quan trọng này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto. Ảnh: AP

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto. Ảnh: AP

Trung Quốc lôi kéo các nhân tố trung lập

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hối thúc Phần Lan cần đóng vai trò đặc biệt trong quan hệ giữa Bắc Kinh với Liên minh châu Âu sau chuyến công du của Tổng thống Biden nhằm tập hợp đồng minh đối phó với Trung Quốc.

"Một việc vô cùng quan trọng là Trung Quốc và châu Âu cần tăng cường đối thoại chung với hợp tác là xu hướng chủ đạo của quan hệ song phương và lợi ích chung là chủ đề chính của hợp tác song phương", Chủ tịch Tập Cận Bình nhận định với người đồng cấp Phần Lan Sauli Niinisto trong một cuộc điện đàm ngày 21/6.

"Tôi hy vọng Phần Lan có thể đóng vai trò đặc biệt và tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển vững mạnh của quan hệ Trung Quốc - EU".

Trước đó, Tổng thống Biden đã có chuyến công du 8 ngày tới châu Âu để gặp các nhà lãnh đạo của EU, G7 và NATO nhằm xây dựng liên minh xuyên Đại Tây Dương tập trung vào việc đối phó với Trung Quốc. Các nhà quan sát nhận định, vai trò "độc đáo" mà Chủ tịch Tập Cận Bình nhắc đến là thái độ trung lập truyền thống của Phần Lan, điều mà theo họ, có thể hỗ trợ cho các cuộc trao đổi giữa Trung Quốc và EU.

Ding Yifan, cựu giám đốc nghiên cứu làm việc trong Hội đồng Nhà nước của Trung Quốc cho biết, một quốc gia trung lập như Phần Lan đã duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc từ Chiến tranh Lạnh, sẽ giữ lập trường vừa phải khi căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington leo thang.

"Với lập trường trung lập lâu dài này, Phần Lan sẽ không ủng hộ khi EU áp dụng các biện pháp cứng rắn với Trung Quốc mà sẽ thực hiện một chính sách công bằng. Vì thế, giữa bối cảnh Mỹ đang nỗ lực lôi kéo các nước châu Âu cùng đối đầu với Trung Quốc, khả năng Phần Lan tham gia cùng với Mỹ là khá mong manh", chuyên gia này đánh giá.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Phần Lan tại châu Á trong 17 năm liên tiếp. Trao đổi thương mại giữa 2 nước đạt 7 tỷ USD năm 2020 bất chấp những tác động của dịch Covid-19.

"Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Phần Lan để phát triển tối đa lợi ích của hai quốc gia và mở rộng thương mại song phương. Chúng tôi hy vọng Phần Lan sẽ tiếp tục ủng hộ quan hệ song phương về thương mại và các lĩnh vực khác", Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định.

"Có một tiềm năng lớn cho sự hợp tác song phương về công nghệ cao và kinh tế tuần hoàn. Phần Lan sẵn sàng đóng vai trò tích cực nhằm thúc đẩy đối thoại và hợp tác EU - Trung Quốc", Tổng thống Phần Lan Niinisto nhận định.

Bộ Ngoại giao Phần Lan hiện vẫn chưa bình luận về cuộc trao đổi của hai nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, hôm 22/6, Phần Lan là 1 trong 40 nước ủng hộ tuyên bố của Liên Hợp Quốc về vấn đề Tân Cương. Hồi tháng 12/2020, Nghị viện Phần Lan đã thông qua một đạo luật cho phép cấm các thiết bị viễn thông sử dụng trong hệ thống an ninh, một động thái có thể loại bỏ tập đoàn Huawei của Trung Quốc - đối thủ công ty Nokia của Phần Lan, khỏi thị trường.

Trong cuộc điện đàm trên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng thúc đẩy những nỗ lực chung về biến đổi khí hậu trước thềm một loạt sự kiện về vấn đề này như Hội nghị Các bên về Công ước Đa dạng sinh học lần thứ 15 ở Trung Quốc vào tháng 10 và Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Anh vào tháng 11.

Wang Yiwei, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin cho biết cuộc điện đàm này đã gia tăng lĩnh vực trao đổi giữa Trung Quốc và EU trước thềm các cuộc họp.

"Châu Âu vẫn cần hợp tác với Trung Quốc về vấn đề biến đổi khí hậu và năng lượng sạch trong những sự kiện sắp tới. Vì thế, hai bên cần có cơ hội trao đổi trước về việc này', ông Wang nhận định.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 21/6 đã có một cuộc điện đàm với người đồng cấp Italy Luigi Di Maio trong nỗ lực thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường, đồng thời đề nghị các nước châu Âu tránh "những chia rẽ mang tính khiêu khích".

Đây là cuộc điện đàm đầu tiên của ông Vương Nghị với một quốc gia G7 kể từ Hội nghị ở Anh, khi các nước thành viên G7 kêu gọi điều tra nguồn gốc Covid-19, đồng thời tỏ rõ lập trường về vấn đề Hong Kong và Tân Cương với Trung Quốc.

Mỹ tăng cường xây dựng liên minh

Mỹ - Trung tung chiêu trong cuộc chiến “giành trái tim” châu Âu - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Brussels, Bỉ ngày 14/6. Ảnh: AFP


Vài ngày sau chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Biden, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã quay lại châu Âu hôm 22/6 để tiếp tục xây dựng liên minh phương Tây nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ sẽ tới Berlin, Paris và Rome trong chuyến thăm châu Âu 7 ngày để gặp Thủ tướng Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các nhà lãnh đạo Vatican.

Ngày 23/6, trong cuộc trao đổi với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Ngoại trưởng Heiko Maas, ông Blinken nhấn mạnh đến thông điệp "Nước Mỹ trở lại" mà đích thân Tổng thống Biden tuyên bố hồi tuần trước.

Tổng thống Biden muốn khẳng định với châu Âu rằng, hướng tiếp cận "có đi có lại" dưới thời Tổng thống Trump trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã là chuyện quá khứ, bất chấp những khác biệt đáng kể giữa các đồng minh chủ chốt của NATO. Những bất đồng này gồm có các tranh cãi về việc thi công dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 và việc đóng góp chi phí quốc phòng.

"Chuyến công du này là sự tiếp nối ưu tiên mà Tổng thống Biden đưa ra nhằm tái xây dựng mối quan hệ của chúng tôi với các đồng minh, trong đó có Đức, và sức mạnh của mối quan hệ này sẽ đặt nền tảng cho các ưu tiên đối ngoại khác", nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ về châu Âu Philip Reeker đánh giá.

Quan hệ Mỹ - Đức trải qua không ít căng thẳng dưới thời cựu Tổng thống Trump, đáng chú ý nhất là vấn đề thương mại, chi tiêu quân sự, triển khai lực lượng và Dòng chảy phương Bắc 2.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, Tổng thống Biden đã có những bước đi nhanh chóng nhằm hàn gắn những rạn nứt với châu Âu, đảo ngược quyết định rút quân khỏi Đức dưới thời cựu Tổng thống Trump và giải quyết những mâu thuẫn từ lâu với châu Âu về việc trợ giá cho các nhà sản xuất máy bay. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Dòng chảy phương Bắc 2 khi cho rằng dự án này đã gần hoàn thành và việc trừng phạt sẽ gây "phản tác dụng" trong quan hệ với châu Âu.

Hàng loạt cuộc họp Thượng đỉnh trong những tuần vừa qua của Tổng thống Biden tại châu Âu đã tập trung vào chủ đề nhạy cảm nhất và cũng khó đạt được sự nhất trí nhất, đó là cách đối phó với Trung Quốc.

Mặc dù gọi Trung Quốc là "kẻ thù mang tính hệ thống" vào năm 2019 nhưng vẫn chưa rõ liệu châu Âu có sẵn sàng hợp tác với Mỹ trong hướng tiếp cận với Bắc Kinh hay không. Từ khi còn là một ứng viên tranh cử tổng thống, ông Biden đã nhiều lần nhắc lại cam kết khôi phục mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và hợp tác với châu Âu để đối phó với Trung Quốc. Tuy nhiên, với vai trò là Chủ tịch EU, Thủ tướng Merkel đã thúc đẩy việc hoàn tất thỏa thuận đầu tư mới giữa liên minh này với Trung Quốc chỉ vài tuần trước khi ông Biden nhậm chức. Không chỉ Berlin mà còn nhiều nơi khác ở châu Âu thể hiện mong muốn giữ lập trường "trung lập" khi cuộc đối đầu kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng.

Dù vậy, theo nhà quan sát Daniel Baer nhận định trên Foreign Policy, các Hội nghị Thượng đỉnh G7, NATO và EU tuần qua của Tổng thống Biden và đội ngũ của ông đã đạt được "mức độ liên kết chưa từng thấy" trong lập trường với Trung Quốc.

Thành công của tổng thống Biden trong việc đưa các đồng minh và đối tác chủ chốt đặt bút ký cam kết chung hợp tác về những vấn đề nan giải liên quan đến Trung Quốc không chỉ là một nghi thức ngoại giao mà là một thành tựu thực tế. Những tuyên bố chung của G7, NATO và EU sẽ là những dẫn chứng tham khảo hữu ích để các nhà ngoại giao Mỹ và các thành viên nội các xây dựng một hướng tiếp cận hợp tác với các đối tác xuyên Đại Tây Dương trong những tháng và năm tới.

Tuy nhiên, phép thử cho chính quyền Tổng thống Biden vẫn ở phía trước. Tập hợp sự nhất trí của các đồng minh và đối tác trong chiến lược với Trung Quốc là một chuyện, thúc đẩy họ thực hiện các chương trình chính sách đối phó với những thách thức từ Bắc Kinh lại là chuyện khác. Nói cách khác, Tổng thống Biden đã khiến châu Âu "nói" về Trung Quốc nhưng liệu ông có thể khiến các đồng minh của mình bắt tay vào "làm" để đối phó với thách thức này hay không?

Để biến lời nói thành hành động, chính quyền Tổng thống Biden cần tăng cường các nỗ lực ngoại giao công khai và kín đáo ở một số nước châu Âu vẫn còn do dự khi thực hiện lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Thực tế cho thấy, Tổng thống Biden đã thu về thành quả trong chuyến công du châu Âu nhưng đây là thành quả của một giai đoạn chứ không phải cả quá trình bởi chặng đường dài của ông đến nay chỉ mới bắt đầu./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại