Theo PC Gamer, đây là một phần trong "lệnh trừng phạt bổ sung" được đưa ra gần đây của tổng thống Mỹ Donald Trump. Hàng loạt người chơi ở Iran và Syria (đồng minh quan trọng của Iran) đã nhận được thông báo nói rằng các hạn chế này là do "luật pháp và quy định của Mỹ". Nhà phát triển trò chơi Liên minh huyền thoại (League of Legends) là Riot Games có trụ sở tại Mỹ.
Một người chơi Iran đã đăng thông báo lên diễn đàn của game. Dòng thông báo ghi: "Do luật pháp và quy định của Mỹ, người chơi ở quốc gia của bạn không thể truy cập Liên minh huyền thoại vào thời điểm này. Chính sách có thể thay đổi bởi chính phủ Mỹ, vì vậy nếu và khi điều đó xảy ra, chúng tôi mong muốn bạn sẽ trở lại với game".
Game thủ này cho rằng điều này là không công bằng khi một sáng thức dậy chợt nhạn ra rằng IP của quốc gia đã bị trò chơi chặn lại. Người này cũng cho rằng các vấn đề chính trị giữa Iran và Mỹ không nên ảnh hưởng đến game thủ và dân thường.
Người chơi trong khu vực bị xử phạt sẽ thấy lời nhắc này khi họ đăng nhập vào trò chơi.
Các quốc gia đang chịu lệnh trừng phạt cấm vận của Mỹ bao gồm Iran, Syria, Bắc Triều Tiên, Cuba và Venezuela. Tuy nhiên dường như chỉ có các game thủ Iran và Syria bị Mỹ cấm chơi game. Tất nhiên, nếu sử dụng VPN để vượt rào, game thủ vẫn có thể trải nghiệm trò chơi, nhưng với độ giật lag cao hơn.
Riot vẫn chưa đưa ra tuyên bố nào về vấn đề này. Đây là động thái chưa từng xảy ra trước đây.
"Khi các quốc gia có tranh chấp, việc trừng phạt dựa trên thuế quan, thương mại và các mối đe dọa xung đột quân sự là khá phổ biến. Tuy nhiên việc ngăn chặn dân thường truy cập vào các trò chơi video thì quả là một cách tiếp cận mới", giới truyền thông cho biết.
Tuy nhiên trước đó một nền tảng chơi game khác của Mỹ là Epic Game đã cấm game thủ Bắc Triều Tiên và Iran truy cập. Nhiều nền tảng trò chơi khác bao gồm Steam, Battle.net của Blizzard, Origin của EA và Uplay của Ubisoft cũng có các thông báo trong thỏa thuận người dùng về việc hạn chế sử dụng các sản phẩm liên quan của các quốc gia hoặc cá nhân bị cấm bởi Mỹ.
Trên thực tế các nền tảng chơi game có trụ sở ở Mỹ đều "cài" thông báo sẽ cấm người chơi theo yêu cầu của chính phủ Mỹ.
Trong quá khứ, việc xung đột chính trị ảnh hưởng tới game thủ vẫn khá phổ biến, chủ yếu thông qua việc từ chối cho những người này xin visa để ra nước ngoài thi đấu. Nhiều năm trước, gần như tất cả các vận động viên thể thao điện tử của Trung Quốc đều bị từ chối Visa khi xin ra nước ngoài tham dự các giải quốc tế. Năm 2018, Liu Zhihao (Zz1tai), một thành viên của đội Liên minh huyền thoại RNG Trung Quốc cũng bị từ chối vì lý do "làm tổn hại đến an ninh quốc gia."
Ở giải Dota 2 Kuala Lumpur Major vào tháng 11/2018, một game thủ quốc tịch Israel đã bị chính phủ Malayssia từ chối cấp visa. Người quản lý của đội Dota 2 Evil Geniuses (EG) của Bắc Mỹ cũng từng chế giễu game thủ người Palestine SumaiL, rằng: "Nếu Trump đưa Palestine vào danh sách cấm vận, sự nghiệp của SumaiL sẽ kết thúc".